Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường: Đoàn kết, chủ động, sáng tạo để hoàn thành các nhiệm vụ trong năm 2024
(TN&MT) - Với việc vượt qua các khó khăn để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong năm 2023. Với tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, tập thể lãnh đạo, cán bộ, người lao động Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường khẳng định sẽ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trong năm 2024.
Tiến sỹ Hoàng Văn Thức – Cục trưởng Cục Kiểm soát Ô nhiễm môi trường (Cục KSONMT) đã trả lời phỏng vấn Báo Tài nguyên và Môi trường về những dấu ấn mà Cục đạt được trong năm 2024 cũng như những kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường giao phó.
Công khai minh bạch, kỷ luật kỷ cương hành chính được nâng cao
Pv: Thưa Tiến sỹ Hoàng Văn Thức, là đơn vị mới được thành lập mới theo Nghị định số 68/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Cục KSONMT) đã thực hiện những nhiệm vụ gì để đáp ứng được kỳ vọng của Lãnh đạo Bộ TN&MT?
Tiến sỹ Hoàng Văn Thức: Ngày 22/9/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 68/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TN&MT; ngày 07/11/2022, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã ban hành Quyết định số 3026/QĐ-BTNMT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục KSONMT; theo đó, Cục KSONMT là một trong ba đơn vị được thành lập trên cơ sở cơ cấu lại Tổng cục Môi trường (trước đây); là tổ chức trực thuộc Bộ TN&MT, có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý nhà nước về: kiểm soát nguồn ô nhiễm; quản lý chất thải và phế liệu; quản lý chất lượng môi trường; xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường; phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường; quan trắc môi trường; quản lý chất ô nhiễm khó phân hủy; chứng nhận hoặc công nhận sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường; tổ chức thực hiện các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục theo quy định của pháp luật.
Trong năm 2023, Cục KSONMT đã nhận được một khối lượng công việc rất lớn, tuy nhiên, với sự đoàn kết, nỗ lực và quyết tâm cao của lãnh đạo, cán bộ, người lao động của đơn vụ, Cục luôn tích cực triển khai việc giải đáp chính sách, pháp luật nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các Bộ/ngành, địa phương; các kiến nghị của Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cơ bản đã được Cục ban hành Văn bản hoặc trình Bộ ký Văn bản trả lời kịp thời. Trong năm 2023, Cục đã tiếp nhận 18.000 văn bản đến, trong số này có 322 văn bản là các kiến nghị của Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp; đã ban hành gần 6.000 văn bản đi cấp Cục và trên 2.000 phiếu trình cấp Bộ để ký, ban hành văn bản. Các kiến nghị của Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cơ bản đã được Cục ban hành Văn bản hoặc trình Bộ ban hành Văn bản trả lời kịp thời.
Ngoài ra, Cục cũng tập trung chuẩn bị tài liệu phục vụ Bộ trưởng tham dự Kỳ họp thứ 5 và 6 Quốc hội khóa XV; đã tiếp nhận, xử lý trên 70 ý kiến, kiến nghị của cử tri (một số ý kiến, kiến nghị có nội dung trùng nhau), các chất vấn của đại biểu Quốc hội. Các ý kiến, kiến nghị đã được Cục chuẩn bị nội dung trả lời và gửi Vụ Pháp chế đảm bảo thời hạn theo yêu cầu; hiện không có ý kiến, kiến nghị bị tồn đọng; Duy trì thực hiện nghiêm chế độ sử dụng văn bản điện tử và chữ ký số; triển khai có hiệu quả quản lý văn bản đi, đến trên Hệ thống Quản lý văn bản và Hồ sơ điện tử. Đảm bảo tiến độ và chất lượng việc trả lời kiến nghị của công dân trên Hệ thống tiếp nhận và trả lời ý kiến công dân của Bộ.
Pv: Với khối lượng công việc rất nhiều như vậy, việc cải cách hành chính, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) được Cục KSONMT xác định như thế nào, thưa ông?
TS Hoàng Văn Thức: Xác định công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ quan trọng, ngay từ đầu năm, Cục đã tập trung chỉ đạo sát sao các đơn vị quan tâm và chú trọng triển khai các công việc nhiệm vụ gắn chặt với công tác cải cách hành chính, theo sát sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ TN&MT, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể theo chương trình cải cách hành chính của Bộ, Kế hoạch cải cách hành chính của Cục và các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn đã được giao năm 2023.
Lãnh đạo Cục luôn chỉ đạo, quán triệt chủ trương đổi mới và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch cải cách hành chính theo sự chỉ đạo của cấp trên một cách có hiệu quả, tránh lãng phí. Đồng thời, với việc ban hành và hướng dẫn thực hiện các chương trình, nội dung, kế hoạch thực hiện công tác cải cách hành chính của Cục một cách nghiêm túc, quyết liệt và đúng thời gian quy định. Các văn bản phát hành từ các đơn vị trực thuộc Cục đều gửi qua bộ phận thường trực là Văn phòng Cục để theo dõi, xử lý theo đúng công việc, đúng tiến độ.
Các hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận và trả kết quả nhanh chóng, thuận tiện cho các tổ chức, cá nhân, giải đáp kịp thời các thắc mắc về thủ tục hành chính của các tổ chức, cá nhân liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Cục. Thủ tục hành chính của Cục được thực hiện công khai minh bạch, kỷ luật kỷ cương hành chính được nâng cao. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông hoạt động có hiệu quả, giảm thời gian chờ đợi trong quá trình giao dịch giữa tổ chức, cá nhân với cơ quan nhà nước. Các thủ tục hành chính được xử lý đảm bảo và cơ bản đều đúng tiến độ, đúng trình tự, quy định, công khai, minh bạch và đạt hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong quá trình làm thủ tục cấp phép.
Nhận được sự phối hợp tích cực, ủng hộ của các địa phương và các đơn vị liên quan
Pv: Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Cục là phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, vậy công việc đó Cục đã triển khai ra sao, thưa ông?
TS Hoàng Văn Thức: Quán triệt quan điểm chuyển từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa kiểm soát trong bảo vệ môi trường, ngay từ đầu năm, Cục đã trình Lãnh đạo Bộ ban hành quyết định thành lập 18 Tổ Giám sát đối với các cơ sở, dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; ban hành Quy chế hoạt động và Kế hoạch giám sát về bảo vệ môi trường đối với các Tổ Giám sát để triển khai.
Qua đó, công tác kiểm soát, giám sát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đã được Cục triển khai rất bài bản và hiệu quả. Trong quá trình thực hiện, Cục đã nhận được sự phối hợp tích cực, sự đồng tình, ủng hộ của các địa phương và các đơn vị liên quan. Kết quả giám sát cho thấy hầu hết các cơ sở đã thực hiện đầy đủ các hồ sơ môi trường và xây dựng các công trình bảo vệ môi trường theo hồ sơ môi trường được cấp/phê duyệt. Tổ giám sát đã tích cực hướng dẫn hoặc yêu cầu các cơ sở thực hiện theo đúng quy định và đã được các cơ sở thực hiện nghiêm túc. Theo đó, công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp được giám sát có chiều hướng tốt hơn. Các nguồn có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đã được kiểm soát chặt và không để xảy ra sự cố môi trường trong năm 2023.
Bên cạnh đó, đường dây nóng về ô nhiễm môi trường đã được duy trì vận hành thường xuyên nhằm kịp thời tiếp nhận và xử lý những phản ánh về ô nhiễm môi trường trên cả nước
Từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 18/12/2023, Cục đã tiếp nhận 663 thông tin phản ánh của Công dân về ô nhiễm môi trường; có 274 thông tin, vụ việc đã được đường dây nóng cấp Trung ương gửi về đường dây nóng các địa phương để xác minh, xử lý theo thẩm quyền; có 389 thông tin đã được đường dây nóng cấp Trung ương hướng dẫn công dân thực hiện theo quy định pháp luật. Trong đó, 203/274 thông tin, vụ việc đã được các địa phương xác minh, xử lý theo thẩm quyền. Qua điểm tin báo chí có 225 thông tin phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường cần lưu ý trong đó có 64 tin nóng đã tham mưu lãnh đạo cục chỉ đạo các đơn vị chuyên môn xác minh, xử lý báo cáo và có 39/64 tin nóng đã được các đơn vị chuyên môn xác minh, xử lý, báo cáo.
Đối với những việc xử lý các điểm nóng, sự cố môi trường phát sinh, trong năm 2023, Cục đã tiếp nhận tổng số 20 vụ việc, sự cố môi trường phát sinh trên cả nước. Ngay sau khi nhận được thông tin, Cục đã tổ chức kiểm tra, khảo sát, xác minh thông tin hoặc ban hành văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương đề nghị xác minh thông tin vụ việc, báo cáo kết quả về Cục để nắm bắt thông tin, giám sát việc xử lý và phối hợp giải quyết theo quy định.
Ngoài ra, Cục cũng tăng cường kiểm soát đối với các cơ sở, khu vực sản xuất hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường kéo dài, có nhiều phản ánh, kiến nghị của cử tri cơ quan truyền thông và Nhân dân.
Nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức và trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường
PV: Trong năm 2023 vẫn còn tồn tại những cơ sở vi phạm việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, như vậy, bên cạnh việc là phòng ngừa, giám sát, kiểm soát, công tác kiểm tra, xử phạt được thực hiện như thế nào, thưa ông?
TS Hoàng Văn Thức: Cục đã tổ chức triển khai công tác kiểm tra đối với 244 cơ sở; trong đó, đã phát hiện một số tổ chức có vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường liên quan đến xả nước thải, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép; vi phạm công tác báo cáo bảo vệ môi trường; vi phạm về giấy phép môi trường; vi phạm về chương trình quan trắc môi trường định kỳ;… Qua đó, Cục đã kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành 48 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 23.744.290.000 đồng; ngoài ra, Thanh tra Bộ đang tiếp tục xử lý đối với 05 trường hợp đã lập Biên bản vi phạm hành chính, dự kiến sẽ nâng số tiền phạt lên thành 27.944.290.000 đồng.
Nhìn chung, công tác kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được Cục triển khai quyết liệt, phù hợp với tình hình thực tế tại từng khu vực, đảm bảo tiến độ và đạt chất lượng. Trong quá trình triển khai, Cục cũng đã đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành tại các địa phương. Qua công tác kiểm tra, giám sát đã kịp thời hướng dẫn các cơ sở thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường, cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật, những quy định mới về bảo vệ môi trường để tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, yên tâm hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các đối tượng được kiểm tra đã có nhiều chuyển biến tích cực trong nhận thức và trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường; đã đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải và thực hiện các thủ tục môi trường theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, thông qua hoạt động kiểm tra, Cục đã nắm bắt thông tin phản hồi về những tồn tại, bất cập của các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Đoàn kết, chủ động, sáng tạo để hoàn thành các nhiệm vụ trong năm 2024
PV: Vậy xin ông cho biết, Cục đã xác định và thực hiện những nhóm công việc trọng tâm nào để nâng cao hiệu lực, hiệu quả về kiểm soát ô nhiễm môi trường?
TS Hoàng Văn Thức: Trong năm 2023, để nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả về kiểm soát ô nhiễm môi trường, Cục KSONMT đã tập trung vào mười nhóm nhiệm vụ chính, trong đó, Quản lý chất thải rắn sinh hoạt, Quản lý, kiểm soát hoạt động xử lý chất thải công nghiệp và nguy hại, ; Quản lý, kiểm soát về môi trường đối với việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; Quản lý chất lượng môi trường không khí, đặc biệt là tại các thành phố lớn; Cải thiện chất lượng môi trường lưu vực sông; Quản lý, cải thiện chất lượng môi trường đất; Công tác bảo vệ môi trường nông thôn; Quản lý về bảo vệ môi trường đối với các chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị chứa chất ô nhiễm khó phân hủy; kiểm soát và xử lý chất ô nhiễm tác động trực tiếp đến sức khỏe con người và môi trường; Hoạt động quan trắc, cảnh báo chất lượng môi trường; Xây dựng cơ sở dữ liệu về kiểm soát ô nhiễm môi trường;
Pv: Với những kết quả rất đáng ghi nhận trong năm vừa qua, vậy theo ông, trong năm 2024, Cục KSONMT sẽ tập trung vào những phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm nào?
TS Hoàng Văn Thức: Trong năm 2024, với tinh thần quyết tâm của toàn thể lãnh đạo, cán bộ, Cục KSON sẽ tập trung vào các nhiệm vụ:
Thứ nhất, để Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đi vào cuộc sống, trong năm 2024, Cục tiếp tục tổ chức xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật bảo đảm tiến độ, chất lượng
Thứ hai, xây dựng Kế hoạch và tổ chức triển khai Quy hoạch Bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.
Thứ ba, tổ chức kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường.
Thứ tư, giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo chất lượng, hiệu quả và đáp ứng tiến độ. Phấn đấu không để xảy ra tình trạng chậm trả kết quả TTHC.
Thứ năm, triển khai đồng bộ các biện pháp để cải thiện chất lượng môi trường nước mặt; chất lượng môi trường không khí; triển khai các chương trình quan trắc môi trường quốc gia đối với môi trường không khí, đất và nước tại các lưu vực sông, các vùng kinh tế trọng điểm và các khu vực tập trung nhiều nguồn thải để cung cấp chuỗi dữ liệu phục vụ theo dõi, đánh giá hiện trạng và dự báo xu thế, diễn biến chất lượng môi trường; Mở rộng hợp tác song phương, đa phương với các đối tác quốc tế. Tổ chức triển khai hiệu quả các Dự án hợp tác đã ký kết. Hoàn thành việc đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa.
Để thực hiện được cái nhiệm vụ trên, Cục sẽ tập trung vào một số giải pháp như: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ tại các đơn vị thuộc Cục, phát huy sự chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Cục giao phó.
Bên cạnh đó, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước của Cục; trong đó, sớm hoàn thành việc kiện toàn các vị trí lãnh đạo đơn vị thuộc Cục.
Đồng thời, phát huy hiệu quả nguồn lực tài chính thông qua việc triển khai các dự án, nhiệm vụ đã đăng ký thực hiện trong năm 2024.
Ngoài ra, tranh thủ tối đa các kinh nghiệm, nguồn lực thông qua các mối quan hệ quốc tế nhằm hỗ trợ cho hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường tại Việt Nam.
Cuối cùng là từng bước thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về kiểm soát ô nhiễm môi trường nhằm phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước của Cục và của Bộ TN&MT.
Xin trân trọng cảm ơn ông!