Công trình văn hoá, thể thao quốc gia phải góp phần phát triển 'công nghiệp xanh'
Chủ trì phiên họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hoá và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, sáng 25/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Các công trình văn hoá, thể thao phải trở thành biểu tượng của thế kỷ 21, của một Việt Nam hội nhập và phát triển, là điểm nhấn, dấu ấn kiến trúc, văn hoá trường tồn, góp phần phát triển các ngành công nghiệp xanh như văn hoá, du lịch…
Thiếu liên kết, chậm đổi mới tư duy quản lý
Theo đơn vị tư vấn, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao chưa hợp lý, chưa có điểm nhấn, chưa mang tính đại diện, thiếu sự kết nối, tương tác theo vùng, miền, đối tượng, cũng như các lĩnh vực khác (nhất là du lịch, dịch vụ) để tạo được sức lan tỏa, làm nổi bật bản sắc của địa phương, vùng miền.
Cơ sở vật chất thiếu đầu tư đồng bộ, hiện đại. Phương thức hoạt động chưa theo kịp xu thế hội nhập, hợp tác quốc tế, thiếu chiều sâu. Tư duy của các cơ quan quản lý cần thay đổi từ "thực hiện" sang "quản lý", cùng với việc hoàn thiện hành lang pháp lý.
Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch là phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao đồng bộ, hiện đại và bản sắc; bảo đảm công bằng trong tham gia, hưởng thụ văn hóa và thể dục, thể thao của nhân dân các vùng, miền, khu vực trong cả nước, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số và các đối tượng yếu thế trong xã hội.
Thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển, có sự liên thông, liên kết ngành, liên kết vùng, liên kết với các kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội khác.
Hình thành cơ chế đột phá trong thu hút nguồn lực đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao gắn và cơ chế thị trường, tạo điều kiện phát triển những lĩnh vực có lợi thế, trở thành nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa và kinh tế thể thao; hình thành các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Mạng lưới cơ sở thể thao quốc gia được phát triển hiện đại, đáp ứng nhu cầu tập luyện và hưởng thụ ngày càng cao các thành quả thể dục, thể thao của nhân dân; yêu cầu tập luyện đạt chuẩn quốc tế của vận động viên các môn thể thao giành huy chương châu lục, Olympic và tổ chức các sự kiện thể thao, các đại hội thể thao khu vực và châu lục.
Quy hoạch đã đặt mục tiêu cụ thể trong phát triển mạng lưới bảo tàng, thư viện; cơ sở điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, triển lãm văn hoá nghệ thuật, trung tâm văn hóa ở trong nước và nước ngoài, nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành văn hoá nghệ thuật; các di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt…
Các uỷ viên phản biện, lãnh đạo bộ, ngành, địa phương cho rằng Quy hoạch phải tạo ra không gian rộng mở cho huy động nguồn lực trong xã hội - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các quy hoạch vùng, quốc gia
Các ý kiến uỷ viên phản biện tập trung làm rõ sự cần thiết của việc lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hoá và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 ở cấp quốc gia, mối liên hệ với hệ thống cơ sở văn hoá, thể thao cấp địa phương, cơ sở; tiêu chí xác định danh mục dự án được đề xuất trong Quy hoạch; cơ chế xã hội hoá trong thực hiện các dự án, công trình văn hoá, thể thao…
PGS.TS. Nguyễn Toàn Thắng nhấn mạnh, định hướng phát triển mạng lưới cơ sở văn hoá, thể thao phải đáp ứng đúng yêu cầu lý luận và thực tiễn khách quan, phát huy hiệu quả công năng sử dụng, tránh tình trạng các công trình văn hoá, thể thao sau khi khánh thành ít được sử dụng hoặc sử dụng sai mục đích; đồng thời không bị lạc hậu hoặc chệch hướng với nhu cầu phát triển văn hoá, thể thao ở tầm nhìn năm 2045.
"Ngoài các tiêu chí chung theo chuẩn khu vực, quốc tế, thì cần phân tích bổ sung thêm các chuẩn mực, giá trị biểu tượng của văn hoá Việt Nam, chú trọng yếu tố bản sắc độc đáo vùng miền, đối với các công trình văn hoá, thể thao", PGS.TS. Nguyễn Toàn Thắng kiến nghị.
Trong khi đó, PGS.TS. Vũ Đức Minh cho rằng mặc dù là quy hoạch cấp quốc gia, nhưng đơn vị tư vấn cần đánh giá kỹ hơn tình hình sử dụng các cơ sở, trung tâm văn hoá trong cả nước, đặc biệt ở cấp xã, thôn, bản đang hoạt động không hiệu quả, không đúng mục đích, xuống cấp nghiêm trọng; nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, kỹ thuật, quỹ đất; tính đồng bộ, thống nhất với nội dung liên quan trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, chuyên ngành quốc gia…
Theo TS. Vũ Thái Hồng, một trong những nguyên nhân rất quan trọng cơ bản dẫn đến những bất cập, hạn chế của mạng lưới cơ sở văn hoá, thể thao hiện nay là thiếu cơ chế, chính sách xã hội hoá phù hợp, tạo thuận lợi cho các đơn vị thực hiện tự chủ hiệu quả. Đây là bài toán mà Quy hoạch cần đưa ra lời giải rõ ràng, thuyết phục.
Đồng tình với các ý kiến phản biện, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng Quy hoạch phải tạo ra không gian rộng mở cho huy động nguồn lực trong xã hội, thay vì chỉ đề xuất các dự án đầu tư bằng ngân sách nhà nước. "Đây là quy hoạch ngành quốc gia về văn hoá, thể thao quốc gia, vì vậy, không nên giới hạn ở các cơ sở thuộc quản lý của Bộ VHTT&DL và phải tiếp cận theo vùng, địa phương với những đặc trưng về văn hoá, xã hội, con người", Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc trao đổi thêm.
Điểm nhấn, dấu ấn kiến trúc, văn hoá trường tồn
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của mạng lưới cơ sở, văn hoá thể thao quốc gia, cùng các thiết chế văn hoá, thể thao các cấp góp phần phát triển con người Việt Nam toàn diện về thể chất, tinh thần, thực hiện các mục tiêu, chiến lược về kinh tế, xã hội của đất nước.
Qua các ý kiến tại phiên họp, Phó Thủ tướng yêu cầu đơn vị tư vấn cần rà soát, cập nhật các mục tiêu, nội dung liên quan trong các văn kiện, nghị quyết, chiến lược, kế hoạch hành động của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cũng như quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng,… nhằm định vị rõ mục đích, yêu cầu đặt ra đối với Quy hoạch; tham khảo kinh nghiệm, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá của quốc tế.
Về một số vấn đề cụ thể, Phó Thủ tướng đề nghị phải có phương án tính toán quy mô, cấp độ (quốc tế, quốc gia, vùng), tiêu chuẩn kỹ thuật, lộ trình, tiêu chí ưu tiên lựa chọn đầu tư các dự án, công trình văn hoá, thể thao gắn với điều kiện hạ tầng đô thị, dịch vụ, du lịch, bản sắc văn hoá, đời sống xã hội… ở các vùng, miền, địa phương. Bên cạnh đó, việc sử dụng các công trình văn hoá, thể thao quốc gia hướng đến đa mục tiêu, từ các sự kiện quốc gia, quốc tế đến nhu cầu của nhân dân.
Từ những trao đổi, phân tích về định hướng phát triển hệ thống bảo tàng, trong đó có vai trò của Nhà nước đối với việc hình thành bảo tàng ngoài trời trên nền tảng bảo tồn, phát huy di tích, di sản vật thể, phi vật thể về văn hoá, lịch sử, bảo tàng trong nhà, chuyên ngành quốc gia, kết hợp với các bảo tàng tư nhân, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải có tư duy thiết kế rành mạch, rõ ràng, cùng cơ chế, chính sách đặc thù của lĩnh vực văn hoá, thể thao "phân vai" Nhà nước (Trung ương, địa phương), xã hội, tư nhân trong đầu tư, quản trị, vận hành, khai thác các công trình văn hoá, thể thao, từ đang hiện hữu đến cần nâng cấp hoặc xây mới, thậm chí "có những công trình ở tầm quốc gia nhưng có thể do địa phương, xã hội hay tư nhân thực hiện".
"Quy hoạch là sự thống nhất trong phát triển mạng lưới cơ sở văn hoá, thể thao trong cả nước, vì vậy phải có ý kiến của các địa phương, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, để bảo đảm tính liên kết, liên thông, khả thi", Phó Thủ tướng lưu ý và nhấn mạnh: Các công trình văn hoá, thể thao phải trở thành biểu tượng của thế kỷ 21, của một Việt Nam hội nhập và phát triển, là điểm nhấn, dấu ấn kiến trúc, văn hoá trường tồn, góp phần phát triển các ngành công nghiệp xanh như văn hoá, du lịch…