Khơi dậy khát vọng để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2023- 2028) với chủ đề "Đoàn kết - Dân chủ - Sáng tạo - Hợp tác - Phát triển" diễn ra từ 25 - 27/12 tại Hà Nội.
Nhân dịp này, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn đã trả lời phỏng vấn phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về những kết quả, dấu ấn đạt được của Đại hội VII và các mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch trong nhiệm kỳ Đại hội VIII.
Thưa Chủ tịch, ông có thể cho biết những dấu ấn nổi bật từ các phong trào của Hội Nông dân Việt Nam trong nhiệm kỳ qua?
Có thể nói, nhiệm kỳ Đại hội VII Hội Nông dân Việt Nam (2018 - 2023) là nhiệm kỳ đứng trước rất nhiều khó khăn, thử thách do những yếu tố, điều kiện khách quan tác động. Trước tiên, đó là những khó khăn chung của tình hình thế giới, đặc biệt là đại dịch COVID-19 kéo dài đã tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội dẫn đến sự đứt gãy chuỗi cung ứng vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó, giá cả các loại phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao, gây ra nhiều khó khăn cho nông dân. Đứng trước bối cảnh như vậy, các cấp Hội đã tập trung chỉ đạo hỗ trợ cho nông dân thích ứng với tình hình, đẩy mạnh hỗ trợ nông dân trong sản xuất nông nghiệp.
Các cấp Hội đã tập trung đổi mới mạnh mẽ phương thức tuyên truyền, vận động, tập hợp hội viên, nông dân và bước đầu đạt kết quả hết sức quan trọng thông qua việc thành lập các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, các câu lạc bộ nông dân sinh hoạt theo chuyên đề như: Câu lạc bộ Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, Câu lạc bộ Nông dân tỷ phú, Câu lạc bộ Nông dân với pháp luật, Câu lạc bộ Nông dân với an toàn giao thông, Câu lạc bộ Nông dân với chuyển đổi số… dựa trên nhu cầu, sở thích của nông dân để tập hợp sinh hoạt hiệu quả, thiết thực.
Các cấp Hội đã tập trung vào các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong nhiệm kỳ qua, tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 1.761 tỷ đồng, bình quân mỗi năm tăng 11,5%, vượt chỉ tiêu Đại hội VII, nâng tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn hệ thống Hội đạt gần 5.000 tỷ đồng. Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, các cấp Hội đã hỗ trợ cho nhiều hộ nông dân vươn lên khá giàu, khởi nghiệp thành công, trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi; phát triển hàng nghìn mô hình chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, mô hình tổ, nhóm liên kết, hợp tác về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và dịch vụ, góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên nông dân.
Bên cạnh việc phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Agribank trong việc triển khai, hỗ trợ nguồn vốn cho nông dân, các cấp Hội đã tập trung và mở rộng ký kết thêm với các ngân hàng thương mại khác giúp nông dân có thêm nguồn vốn phục vụ phát triển sản xuất. Các cấp Hội đã tín chấp với các ngân hàng cho hàng triệu nông dân vay tổng số vốn đạt trên 170.000 tỷ đồng để đầu tư sản xuất, kinh doanh, qua đó hạn chế cho vay nặng lãi, "tín dụng đen", góp phần giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn.
Hội Nông dân Việt Nam tập trung triển khai các hoạt động hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học, công nghệ ứng dụng trong sản xuất, công tác tư vấn, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người nông dân, đặc biệt trong nhiệm kỳ vừa qua tham gia rất nhiều ý kiến xây dựng pháp luật có liên quan trực tiếp đến người nông dân; tập trung đào tạo, bồi dưỡng nghề cho nông dân.
Điểm mới trong nhiệm kỳ qua là các cấp Hội đã chú trọng tổ chức đào tạo nghề cho hội viên, nông dân gắn với chuỗi tiêu thụ nông sản, phát triển dịch vụ, du lịch nông thôn, thu hút nhiều nông dân trẻ tham gia. Thông qua đào tạo nghề, người nông dân không chỉ làm nông nghiệp theo hướng kinh nghiệm, truyền thống mà bà con tiếp cận kỹ thuật, khoa học mới vào sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Điểm rất mới, rất thiết thực trong nhiệm kỳ vừa qua là các cấp Hội đã làm rất tốt, đó là hỗ trợ cho hội viên quảng bá, kết nối, tiêu thụ nông sản. Trong thời gian đại dịch COVID-19, các cấp Hội phối hợp với 726 cửa hàng nông sản an toàn do Hội phối hợp và trực tiếp xây dựng, phát triển trên toàn quốc kết nối, tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Hội Nông dân các cấp, nhất là cấp tỉnh đã xây dựng, duy trì, phát triển các cửa hàng nông sản an toàn của Hội với mục đích kết nối không chỉ trong một tỉnh mà trong toàn quốc. Có thể kể đến, các tỉnh ở Tây Bắc như: Hà Giang, Lai Châu mặc dù xa xôi như vậy nhưng đã kết nối, tiêu thụ sản phẩm đến vùng Tây Nguyên. Trung ương Hội đã động viên các tỉnh, thành tự ký kết, hỗ trợ nhau theo từng khu vực, theo từng nhóm. Nông dân rất phấn khởi khi những sản phẩm của mình làm ra gặp khó khăn về tiêu thụ đã được tổ chức Hội kết nối hỗ trợ. Đây là một trong những mục tiêu để Hội Nông dân tham gia với Nhà nước trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước.
Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ký kết với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử Postmart. Hiện nay, rất nhiều người nông dân tự đưa sản phẩm, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử đó. Trung ương Hội đã chỉ đạo các cấp Hội tổ chức, tham gia các sự kiện lớn như Festival về trái cây, vật tư nông nghiệp, hội chợ triển lãm nông nghiệp, thương mại để giới thiệu, kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân. Đồng thời, Trung ương Hội chỉ đạo Hội Nông dân các tỉnh, thành tập trung tổ chức các hội chợ, phiên chợ hằng tháng, hằng quý để hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân. Không chỉ nông dân trong tỉnh mà nhân dân cả nước biết đến các sản phẩm nổi trội, đặc biệt là sản phẩm OCOP.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, các cấp Hội phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân sử dụng điện thoại thông minh. Chúng ta thấy rằng, hiện nay, tỷ lệ nông dân sử dụng điện thoại thông minh đã tăng lên rất nhiều. Tuy vậy, việc khai thác thông tin trên điện thoại của nông dân vẫn còn hạn chế. Vì vậy, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với các doanh nghiệp lớn như Google, VNPT, cùng một số các doanh nghiệp có nguồn lực tổ chức tập huấn hỗ trợ người nông dân biết khai thác sử dụng điện thoại di động thông minh một cách hiệu quả.
Một trong những phong trào nổi bật và hiệu quả nhất của Hội Nông dân Việt Nam là “Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Xin Chủ tịch cho biết những kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ vừa qua đối với phong trào này?
Phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu là một nhiệm vụ thường xuyên, xuyên suốt, một chỉ tiêu “cứng” trong các nhiệm kỳ Đại hội của Hội Nông dân Việt Nam. Trong nhiệm kỳ vừa qua, cùng với việc tổ chức tổng kết, đổi mới phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã sửa đổi các quy định, tiêu chí bình xét nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, tạo sự công bằng, cân bằng giữa các vùng miền. Từ đó, động viên khuyến khích người nông dân khơi dậy ý chí, tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên để làm giàu cho chính mình, làm giàu cho quê hương đất nước.
Thông qua đổi mới đó, chất lượng phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã được nâng rất rõ. Hằng năm bình quân có trên 6,2 triệu hộ đăng ký (đạt 104,04% so với chỉ tiêu Đại Hội VII), trong đó có trên 3,6 triệu hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, vượt 6,74% so với chỉ tiêu Đại Hội VII. Trong nhiệm kỳ vừa qua, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI vào tháng 9/2022. Theo đó, 300 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi được tuyên dương với số lượng nông dân tỷ phú tăng lên gấp 2 lần.
Chúng tôi đã có hoạt động để dành riêng cho những đối tượng nông dân điển hình, vượt trội để làm hạt nhân, điển hình khơi dậy ý chí, khát vọng làm giàu cho những nông dân khác. Cùng với tổ chức tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc hằng năm, đến nay, gần 800 nông dân đã được tôn vinh. Hội tổ chức Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc, các diễn đàn, hội thảo để bổ sung cho nông dân những kiến thức mới như: các diễn đàn nông dân quốc gia về chuyển đổi số, phát triển kinh tế tập thể, hội thảo tài chính không dùng tiền mặt…
Thực hiện Nghị quyết số 20- NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, trên cơ sở các hợp tác xã do Hội Nông dân Việt Nam tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập, tháng 10/2023 lần đầu tiên,Hội tổ chức Hội nghị biểu dương 63 hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc do Hội Nông dân Việt Nam tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, thành lập.
Qua theo dõi cho thấy, những Nông dân Việt Nam xuất sắc, Giám đốc hợp tác xã tiêu biểu sau khi được tôn vinh và trở về địa phương, họ đều thể hiện niềm vinh dự, phấn khởi và tự hào. Nhiều người đã chia sẻ: “Chúng tôi quyết liệt, quyết tâm hơn nữa để giữ vững danh hiệu, khen thưởng tổ chức Hội đã trao tặng”.
Thưa ông, thời gian vừa qua, xu hướng chuyển đổi sản xuất nông nghiệp gắn liền với chuyển đổi số trong nông nghiệp được rất nhiều hội viên, nông dân hưởng ứng thực hiện. Trong nhiệm kỳ mới 2023-2028, Hội Nông dân Việt Nam sẽ có những định hướng, giải pháp nào để thực hiện những chuyển đổi theo xu hướng trên?
Trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng và xu thế chung của thế giới là chuyển đổi xanh, việc sản xuất nông nghiệp cần phải thay đổi tích cực hơn. Đảng, Nhà nước đã xác định, nông nghiệp là lợi thế quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế. Cùng với đó, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thân thiện với môi trường là xu hướng tất yếu trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chúng ta có lợi thế rất lớn về nông nghiệp. Song nhìn tổng thể, ngành Nông nghiệp còn nhiều hạn chế do sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún. Việc chế biến sản phẩm nông nghiệp đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong thị trong nước và xuất khẩu ngày càng cao. Có thể khẳng định, sản xuất xanh là xu thế bắt buộc và người nông dân chính là nòng cốt, là chủ thể để hiện thực hóa xu thế đó một cách có hiệu quả, nhanh hơn, bền vững hơn.
Dự thảo Văn kiện đã đưa ra nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ tới và những nhiệm kỳ tiếp theo đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, trách nhiệm của của tổ chức Hội Nông dân trong việc tham gia cùng với Đảng, hệ thống chính trị thực hiện những nhiệm đó. Đại hội XIII Hội Nông dân Việt Nam sẽ đề ra 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá gồm: Đổi mới mạnh mẽ phương thức tập hợp, đoàn kết nông dân; tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp; nâng cao trình độ, kỹ năng cho nông dân và cán bộ hội các cấp.
Để thực hiện được 3 nhiệm vụ đột phá đó, Hội tập trung cho các giải pháp khác để hỗ trợ cho các hoạt động Hội. Một mặt, chúng tôi phải đổi mới công tác tuyên truyền, vận động hội viên nông dân, thông qua các hoạt động, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội; thông qua việc phối hợp với các bộ, ban, ngành để thực hiện các nhiệm vụ bộ, ban ngành được giao; từ đó Hội tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về các những lĩnh vực của các bộ, ngành đó để người nông dân hiểu hơn, nắm rõ hơn từng định hướng, từng chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Trân trọng cảm ơn ông!