Biến đổi khí hậu

Thích ứng với biến đổi khí hậu ở Quảng Ninh: Hiệu quả từ tuyên truyền đến cách làm

Phạm Hoạch 21/12/2023 - 08:48

(TN&MT) - Nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm đến công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế thích ứng với BĐKH, từng bước nâng cao đời sống nhân dân.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Thời gian qua, các cấp, ngành tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm đến công tác ứng phó với BĐKH. Theo đó, tỉnh đã xây dựng nhiều giải pháp ứng phó với BĐKH, lồng ghép yếu tố BĐKH vào các quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế của địa phương. Cùng với đó, thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về ứng phó với BĐKH, cũng như ưu tiên thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng ứng phó BĐKH, phòng tránh thiên tai trên địa bàn tỉnh.

anh-qn-002.jpg
Trang trại nuôi gà của anh Nguyễn Văn Tuyền áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, tiết kiệm nguồn nước, xử lý nguồn thải đảm bảo vệ sinh môi trường, góp phần ứng phó với BĐKH

Để cụ thể mục tiêu, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm từng bước nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát BĐKH của các cơ quan chuyên môn. Đồng thời, hình thành cho mỗi thành viên trong xã hội ý thức chủ động phòng, tránh thiên tai, thích ứng với BĐKH, góp phần giảm dần thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra. Bên cạnh đó, từng bước nâng cao hiệu quả công tác chủ động phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng đối với vùng ven biển của các xã, phường ven biển trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở đó, Quảng Ninh đã tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, đưa nội dung ứng phó với BĐKH và bảo vệ tài nguyên, môi trường vào nội dung sinh hoạt Đảng, chuyên môn, đoàn thể nhằm phổ biến quán triệt tới toàn thể đội ngũ cán bộ đảng viên, người lao động tại các cơ quan, đơn vị và đông đảo nhân dân trên địa bàn. Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh việc thực hiện lồng ghép nội dung tuyên truyền về bảo vệ môi trường cụ thể như: Các quy định pháp luật, công tác ứng phó với BĐKH, chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn, giữ gìn vệ sinh môi trường, cũng như hưởng ứng tham dự Cuộc thi “Đề xuất mô hình ứng phó với BĐKH, giảm nhẹ rủi ro thiên tai”, Tháng hành động về môi trường.

Theo ông Nguyễn Như Hạnh - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh cho biết: Bên cạnh hoạt động tuyên truyền thì công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực, hiểu biết về thích ứng với BĐKH, thiên tai ở những vùng có nguy cơ cao, nhất là tại các xã, phường ven biển trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm, đẩy mạnh. Việc triển khai các chương trình truyền thông về BĐKH, phòng chống thiên tai được tổ chức ngày càng quy mô và hiệu quả, cũng như việc thí điểm các mô hình sinh kế thích ứng với BĐKH ở các vùng nhiều rủi ro thiên tai được chú trọng và đạt kết quả tốt.

Thông qua đó, góp phần từng bước nâng cao năng lực và hình thành ý thức thường trực ứng phó với BĐKH của các ngành, các cấp, địa phương và cộng đồng dân cư, cũng như nâng cao năng lực và khả năng ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh.

Nhiều mô hình ứng phó hiệu quả

Cùng với công tác tuyên truyền nhằm nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai nhiều mô hình phát triển sản xuất, tạo sinh kế bền vững thích ứng hiệu quả với BĐKH.

Trong ngành chăn nuôi, đã triển khai nhiều mô hình hiệu quả, như: Dùng đệm lót sinh học trong chăn nuôi; chăn nuôi gà Tiên Yên an toàn sinh học; chăn nuôi vịt biển thương phẩm an toàn sinh học; nuôi lợn an toàn dịch bệnh gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; chăn nuôi gà thương phẩm ri - lai an toàn sinh học; chăn nuôi gà thương phẩm lai chọi, an toàn sinh học...

Một trong những điển hình về việc áp dụng tiến bộ khoa học trong chăn nuôi gà tại Quảng Ninh là trang trại của anh Nguyễn Văn Tuyền tại thôn Tân Hòa, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà. Anh Tuyền chia sẻ, gia đình áp dụng tiến bộ khoa học với công nghệ dùng đệm lót sinh học, hệ thống cấp nước thông minh, tiết kiệm nước, thân thiện môi trường. Nhờ vậy, gà phát triển tốt, ít bị bệnh lại vừa tiết kiệm điện, nước. Hàng năm, gia đình anh Tuyền cung cấp khoảng 200 nghìn con gà giống ra thị trường, xuất bán khoảng 150 - 200 tấn gà thương phẩm, lợi nhuận thu nhập bình quân hàng năm đạt khoảng 1,5 tỷ đồng.

Cùng với đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang triển khai trên 250 mô hình nuôi tôm áp dụng công nghệ nuôi Biofloc thâm canh; nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính; nuôi tôm 2 đến 3 giai đoạn ít thay nước nuôi tôm tại TP. Móng Cái, mô hình CPF-COMBINE và ứng dụng chế phẩm công nghệ sinh học trong quản lý môi trường và dịch bệnh được áp dụng ở hầu hết cơ sở nuôi tôm.

Còn tại TX. Quảng Yên - một trong những địa phương có diện tích nuôi thủy sản lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh, hàng trăm hộ nuôi thủy sản tại đây đã áp dụng công nghệ nuôi Biofloc theo hướng thâm canh vừa cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao, sử dụng nước tuần hoàn, tiết kiệm, góp phần ứng phó với BĐKH.

Anh Đinh Văn Chiến tại khu 4, phường Nam Hòa, TX. Quảng Yên - một hộ nuôi thủy sản cho biết: Từ khi áp dụng công nghệ tiên tiến nuôi theo hướng quảng canh, do nguồn nước được lọc, khử trùng đảm bảo vệ sinh, con tôm, cá lớn nhanh, ít bệnh, sử dụng nước tuần hoàn, hiệu quả kinh tế cao, nhờ vậy, mỗi năm trừ chi phí cho thu nhập bình quân từ 300 đến 400 triệu đồng/năm.

Thời gian tới, Sở TN&MT tích cực tham mưu UBND tỉnh Quảng Ninh đẩy mạnh việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách, chiến lược tăng trưởng xanh, thích ứng với BĐKH, cũng như khuyến khích các mô hình phát triển trong sản xuất kinh tế nông, lâm nghiệp theo hướng tiết kiệm điện, nước phù hợp với định hướng phát triển mới nhằm xây dựng và củng cố nền kinh tế các-bon thấp có khả năng chống chịu và thích ứng cao với các tác động của BĐKH - ông Nguyễn Như Hạnh cho biết thêm.

Phạm Hoạch