Năng lực khác nhau nhưng hướng đến mục tiêu chung
(TN&MT) - Việt Nam đã cùng với gần 170 nước tham gia Phiên đàm phán thứ 3 xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa tại Trụ sở Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Thủ đô Nairobi, Kenya. Tại phiên đàm phán này, lần đầu tiên Việt Nam cùng với các nước chính thức thảo luận nội dung của Thỏa thuận sau khi Dự thảo số 0 được Ủy ban đàm phán liên chính phủ đưa ra vào tháng 9/2023.
Kêu gọi sự chung tay
Bà Inger Andersen - Giám đốc điều hành UNEP đã một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của Thỏa thuận - văn kiện ràng buộc pháp lý để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa trên phạm vi toàn cầu theo Nghị quyết số 5/14 được thông qua tại Hội nghị Môi trường Liên hợp quốc lần thứ 5 (UNEA 5) tại Nairobi.
Bà Inger Andersen nhấn mạnh, cần có cách tiếp cận toàn diện để giải quyết toàn bộ vòng đời của nhựa, từ polyme đến sản xuất sản phẩm, đóng gói và thải bỏ, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng nhằm hạn chế khai thác, sử dụng nguyên liệu thô; đồng thời tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên và đảm bảo thải bỏ an toàn chất thải nhựa nhằm bảo vệ hệ sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa được đề xuất nhằm mục đích loại bỏ các sản phẩm nhựa không cần thiết và có hại, thúc đẩy thiết kế lại để sử dụng ít nhựa hơn và tăng cường hệ thống tái chế, quản lý chất thải; kêu gọi các mục tiêu, luật pháp, ưu đãi và hợp tác quốc tế, đề cao vai trò của khu vực tư nhân trong quá trình chuyển đổi. Bà Inger lấy châu Phi làm ví dụ minh họa việc tiên phong trong giảm thiểu nhựa sử dụng một lần và kêu gọi đón nhận "tinh thần Nairobi" để tạo ra một công cụ mạnh mẽ, có tính biến đổi cho một tương lai tốt đẹp hơn.
Tại Hội nghị, ông William Ruto - Tổng thống Kenya mô tả, ô nhiễm nhựa là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng đối với nhân loại, do đó, Phiên đàm phán tại Nairobi mang đến cơ hội kêu gọi toàn cầu chung tay thực hiện các sáng kiến về đổi mới như: giảm sản xuất nhựa, điều kiện tiếp cận theo chương trình, đầu tư vào các chính sách quản lý chất thải rắn, chỉ chuyển đổi bằng cách tích hợp các công việc, đặc biệt là trong môi trường không chính thức để đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi từ ý tưởng về vòng đời.
Việt Nam đề xuất quy định linh hoạt, phù hợp năng lực mỗi quốc gia
Tham gia Phiên đàm phán lần này, Đoàn đàm phán của Việt Nam có cơ hội chia sẻ những quan điểm của mình liên quan đến vấn đề giải quyết ô nhiễm nhựa. Đoàn công tác phía Việt Nam nhấn mạnh đến sự tham gia và trách nhiệm chung của các quốc gia về vấn đề xử lý ô nhiễm nhựa. Quan điểm chung được đề xuất là đưa ra các nguyên tắc về trách nhiệm chung nhưng có sự khác biệt và năng lực tương ứng vào quá trình chuyển đổi công bằng, giảm nghèo; trách nhiệm giữa các thế hệ và phát triển bền vững. Việt Nam cũng cơ bản nhất trí với sự cần thiết của thỏa thuận nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa bao gồm trong môi trường biển.
Sau Phiên đàm phán thứ 3, Bản dự thảo hiện nay đã tập hợp khá đầy đủ ý kiến đóng góp của tất cả các nước tham gia, với nhiều ý kiến mâu thuẫn. Tuy nhiên, quan điểm của Việt Nam vẫn đề xuất mọi quy định trong Thỏa thuận phải linh hoạt, phù hợp với năng lực, điều kiện quốc gia, mỗi quốc gia tự đề ra mục tiêu, thời hạn và cách thức thực hiện Thỏa thuận để có tính khả thi cao nhất.
Mục tiêu của thỏa thuận đặt ra thời hạn 2040 chấm dứt ô nhiễm nhựa bao gồm môi trường biển là một thời hạn vô cùng tham vọng trong thời điểm hiện nay. Song vì mục tiêu phát triển bền vững và bảo vệ môi trường khỏi khủng hoảng ô nhiễm, Việt Nam vẫn kiên trì và tích cực thực hiện các nội dung tăng cường năng lực, chuyển giao công nghệ để sẵn sàng thực thi Thỏa thuận một cách hiệu quả, phù hợp với mục tiêu chung toàn cầu.