Bất động sản

Kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ đảo chiều từ Quý II/2024

Thục Vy 19/12/2023 - 20:13

(TN&MT) - Thị trường bất động sản (BĐS) đang dần xuất hiện nhiều tín hiệu tích cực, dự báo sẽ đảo chiều từ Quý II/2024.

bds-1111(1).jpg
Thời điểm đảo chiều của thị trường BĐS có thể sẽ xuất hiện từ Quý II - Quý IV/2024

Theo nhận định của các chuyên gia BĐS, sau hơn 2 năm thị trường BĐS đã rơi vào tình trạng gần như “đóng băng”, song với sự vào cuộc tháo gỡ khó khăn cho BĐS của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương, gần đây, nhiều gam màu sáng đã ló dạng. Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho rằng, thị trường BĐS Việt Nam trong năm 2023 đã xuất hiện các động thái tích cực và tương đồng với thời điểm đảo chiều của chu kỳ trước.

Ở thời điểm hiện tại, về mặt lãi suất, từ đầu 2023, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động và 4 lần hạ lãi suất điều hành. Nhiều Ngân hàng đã giảm mạnh 3% - 5% lãi suất huy động so với đầu năm. Về mặt tăng trưởng tín dụng, hạn mức tăng trưởng tín dụng 2023 là 14%-15% so với 14% của 2022. Tuy nhiên, tính đến ngày 22/11/2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 8,21%, thấp hơn so với chỉ tiêu định hướng đầu năm.

Cùng với đó, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được thông qua tháng 11/2023 và sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2025. Thị trường BĐS cũng sẽ hưởng lợi từ các động thái của Chính phủ như Quyết định thành lập 5 Tổ công tác tháo gỡ đầu tư công, gói hỗ trợ 2% lãi suất - tương đương 40.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội… Ông Quốc Anh dự báo, thời điểm đảo chiều của thị trường BĐS có thể sẽ xuất hiện từ Quý II - Quý IV/2024. Sau đó, thị trường BĐS sẽ bước vào chu kỳ mới và trải qua 4 giai đoạn như: thăm dò, củng cố, khởi sắc và ổn định,

Trong đó, giai đoạn thăm dò dự kiến sẽ diễn ra vào nửa cuối năm 2024 với thanh khoản nhỏ lẻ đến từ sản phẩm chung cư đáp ứng nhu cầu ở thực. Tiếp theo sẽ là giai đoạn củng cố, dự kiến rơi vào Quý IV/2024 đến Quý I/2025, trong điều kiện các công cụ, chính sách tiền tệ được đẩy mạnh ở diện rộng, giúp tháo gỡ khó khăn về nguồn tiền. Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở có hiệu lực từ đầu 2025 sẽ góp phần khơi thông nguồn tiền, tháo gỡ pháp lý để định hướng và tạo động lực cho thị trường phát triển bền vững.

Ở góc nhìn tương tự, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cũng nhận định, hiện nay, tình hình kinh tế đang được phục hồi đã tác động rõ nét lên thị trường BĐS. Nợ xấu BĐS tăng từ mức 1,72% cuối năm ngoái lên mức 2,89% vào tháng 9 năm nay. Rõ ràng là tăng nhưng nó vẫn ở mức dưới 3%, trong tầm kiểm soát.

"Theo chỉ số VN-Index, lĩnh vực BĐS được các nhà đầu tư đánh giá khá tích cực, giá cổ phiếu BĐS đã tăng gần 10%. Đặc biệt, những chính sách liên quan đến lĩnh vực BĐS đã được Quốc hội thông qua như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) sẽ có hiệu lực vào quý I/2025. Điều này kỳ vọng sẽ mang lại nhiều năng lượng tích cực cho ngành địa ốc. Dự báo, thị trường BĐS có thể sẽ khởi sắc ngay từ những quý đầu năm 2024" - TS. Cấn Văn Lực phân tích.

Theo TS. Cấn Văn Lực, để đón đầu xu hướng BĐS trong thời gian tới, các doanh nghiệp BĐS cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại, bao gồm cơ cấu lại hoạt động, sản phẩm, thị trường, danh mục đầu tư và dự án. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần phải quyết liệt câu chuyện cơ cấu giá, giảm giá bán BĐS. Ngoài ra, trong bối cảnh mới với nhiều thay đổi như hiện nay, các doanh nghiệp BĐS cần phải định vị một hướng mới cho mình sau thời gian khó khăn, qua đó thích ứng tốt với thị trường và phát triển bền vững trong tương lai.

Đưa ra góc nhìn về thị trường BĐS, ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch FiinGroup nhận định, sẽ có những cơ hội và thách thức đan xen trong năm 2024 đối với doanh nghiệp BĐS. Chỉ khi chủ đầu tư chấp nhận giảm giá, ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất và cơ quan quản lý đồng hành cùng doanh nghiệp trên diện rộng, hỗ trợ pháp lý dự án, tạo điều kiện thì khi đó, thị trường BĐS sẽ có điểm mở.

Thục Vy