Môi trường

Sơn La: Đề ra nhiệm vụ trọng tâm về bảo vệ môi trường năm 2024

Nguyễn Nga 19/12/2023 - 18:20

(TN&MT) - Năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai kịp thời các nội dung theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, tạo chuyển biến căn bản, hiệu quả trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường trên toàn tỉnh.

Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường và biến đổi khí hậu, trong năm, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu ban hành và trình UBND tỉnh ban hành trên 1.400 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ quản lý nhà nước về môi trường và biến đổi khí hậu.

1(2).jpg
Năm 2023, tỉnh Sơn La tiếp tục chú trọng, nâng cao hiệu quả công tác thanh, kiểm tra lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Tham mưu triển khai hiệu quả 3 chỉ tiêu về môi trường trong hệ thống phát triển KT-XH của tỉnh, với 2 chỉ tiêu đạt 100% theo kế hoạch, gồm: Tỷ lệ CTR khu vực đô thị được thu gom đạt 92,5%; khu vực nông thôn đạt 84%; 1 chỉ tiêu dự kiến vượt mục tiêu là tỷ lệ CTR đô thị được xử lý đạt 92,5%/58%.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường. Tổ chức thành công 2 chiến dịch ra quân hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường, Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam năm 2023; Chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn với sự tham gia của hơn 900 người.

Đẩy mạnh CCHC lĩnh vực môi trường, trên 95% hồ sơ các thủ tục hành chính về môi trường được giải quyết đúng thời hạn; chất lượng thẩm định các thủ tục hành chính về môi trường ngày càng được nâng lên, tuân thủ nghiêm cơ chế liên thông một cửa trong giải quyết thủ tục hành chính.

Chú trọng sàng lọc các đối tượng để đề xuất triển khai các hoạt động thanh tra, kiểm tra một cách trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ các vấn đề môi trường có thể phát sinh trong giai đoạn vận hành các dự án đầu tư.

Trong năm, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai kiểm tra việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường với 11 đơn vị. Đồng thời, tăng cường phòng ngừa, kiểm soát các dự án, công trình có nguy cơ gây ô nhiễm ngay từ giai đoạn thẩm định các thủ tục hành chính về môi trường, xử lý nghiêm trong trường hợp phát hiện các tổ chức, cá nhân thực hiện không đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường, chậm nộp hồ sơ cấp giấy phép môi trường.... Qua đó, đã phát hiện, xử lý 5 tổ chức có hành vi vi phạm với tổng tiền phạt trên 561 triệu đồng.

Chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động chế biến nông sản. Tiến hành xác minh 5 thông tin phản ánh ô nhiễm; ban hành 18 văn bản xác minh, chỉ đạo xác minh thông tin phản ánh ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh. Giám sát việc thực hiện trách nhiệm các chủ dự án sau khi được UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường với 9 dự án.

img_5485.jpg
Lan tỏa thông điệp Phòng, chống rác thải nhựa tới cộng đồng dân cư.

Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt có nhiều kết quả tích cực, bước đầu tạo tiền đề để tiến tới thực hiện các quy định về phân loại chất thải rắn tại nguồn. Tăng cường quản lý nhà nước về đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu; kiểm tra đôn đốc, hướng dẫn về bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và huyện nông thôn mới; chủ động rà soát xây dựng chương trình quan trắc môi trường phù hợp quy định hiện hành.

Có thể nói, năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai kịp thời các nội dung theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020; 100% các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc có hành vi vi phạm đều được kiểm soát, xử phạt hành chính về lĩnh vực môi trường;

100% các cơ sở thuộc đối tượng thu phí về bảo vệ môi trường và ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường đã thực hiện đầy đủ; 100% cán bộ làm quản lý về bảo vệ môi trường từ cấp huyện, xã và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được tập huấn, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường, góp phần vào việc phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh.

Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, dự báo năm 2024 và trong 3 năm tới, Sơn La sẽ có nhiều cơ hội, thời cơ tăng tốc phát triển nhanh, bền vững; đồng nghĩa với nhiều thách thức, khó khăn đan xen về sự phát triển của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới sẽ làm gia tăng áp lực phát thải tới môi trường.

Biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh ngày càng rõ rệt làm thay đổi tập quán sản xuất dẫn đến các vấn đề mới nảy sinh trong khai thác, sử dụng tài nguyên, ảnh hưởng đến công tác bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai.

2.jpg
Các phong trào, hoạt động ra quân bảo vệ môi trường được triển khai rộng khắp trên toàn tỉnh.

Xác định rõ những thách thức trong công tác bảo vệ môi trường, thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành, hướng tới tạo ra những thay đổi trong nhận thức, hành động của nhân dân. Tăng cường tuyên truyền thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn theo cơ chế xã hội hóa; hướng dẫn phân loại CTRSH tại nguồn phù hợp với mục đích quản lý, xử lý.

Nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo phục hồi môi trường, giấy phép môi trường các dự án đầu tư. Tập trung vào công tác chuyển đổi số quốc gia theo hướng số hóa, tái sử dụng dữ liệu; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Tăng cường hậu kiểm, thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ các vấn đề môi trường có thể phát sinh. Tiếp tục rà soát, yêu cầu các cơ sở sản xuất thực hiện đầu tư hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục theo quy định; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm nhằm đảm bảo tính nghiêm minh, kịp thời và thượng tôn pháp luật.

Lồng ghép nhiệm vụ ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển tổng thể của tỉnh. Từng bước triển khai thực hiện kiểm kê khí nhà kính, ưu tiên thực hiện trước với các cơ sở phát thải lưu lượng lớn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, khuyến khích, thúc đẩy chuyển giao công nghệ xanh, thân thiện môi trường...

Nguyễn Nga