Cùng chia sẻ giải pháp kiểm soát và kiểm kê khí nhà kính tại Việt Nam
(TN&MT) - Ngày 15/12, Tổ chức Chứng nhận SGS Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Bảo vệ Môi trường & Ứng phó Biến đổi Khí hậu (CEPVN) tổ chức Hội thảo Kỹ thuật về Phát triển bền vững tại TP. Hà Nội với chủ đề: “Giải pháp ESG: Hành trình Net Zero và Tín chỉ carbon”.
Tham dự Hội thảo có đại diện các cơ quan, Sở, ban ngành tại Hà Nội, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, các Trung tâm, Viện nghiên cứu, cùng các lãnh đạo và cấp quản lý các doanh nghiệp trên địa bàn và các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Hải Phòng…
Khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Nam Trân - Giám đốc điều hành hoạt động Chứng nhận và Dịch vụ, SGS Việt Nam cho biết, kể từ khi mục tiêu hướng đến phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 được chính thức đưa vào Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (BĐKH), việc kiểm soát và báo cáo kiểm kê khí nhà kính (KNK) đã trở thành một hoạt động bắt buộc của rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
Trong đó, các cơ sở, lĩnh vực thuộc danh mục của Quyết định 01/2022/QĐ-TTg đã và đang tìm hiểu, thực hiện những hoạt động cần thiết để đo lường, kiểm kê và báo cáo KNK theo quy định. Tuy vậy, ở cấp độ doanh nghiệp, đây vẫn là một vấn đề tương đối mới và rất cần có những hướng dẫn kỹ thuật để tuân thủ thực hiện.
Song song đó, trong bối cảnh thị trường carbon trong nước sẽ bắt đầu thí điểm từ năm 2025, vận hành chính thức từ năm 2028, vấn đề trao đổi và bù trừ tín chỉ carbon cũng đang thu hút sự quan tâm rất lớn từ các doanh nghiệp. Đây vừa là thách thức và cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận các giải pháp xanh, giảm phát thải đồng thời nhận lại những giá trị thực tế từ các tín chỉ carbon này.
Với mục tiêu cung cấp những thông tin cần thiết giúp các doanh nghiệp xây dựng chiến lược kiểm soát phát thải KNK, tiếp cận thị trường tín chỉ carbon, SGS Việt Nam đã luôn đồng hành cùng chuyên gia cấp cao của Trung tâm Bảo vệ Môi trường & Ứng phó Biến đổi Khí hậu (CEPVN) mang đến hội thảo kỹ thuật: “Giải pháp ESG: Hành trình Net Zero và Tín chỉ carbon”.
Bà Nam Trân mong muốn diễn đàn này sẽ là cơ hội để các cơ quan nhà nước, các tổ chức, hiệp hội ngành nghề và các doanh nghiệp cùng nhau trao đổi về những vấn đề kỹ thuật cụ thể trong hoạt động kiểm kê khí nhà kính; cách thức tham gia vào thị trường carbon thông qua việc thực hiện cơ chế trao đổi, bù trì tín chỉ carbon; đồng thời tìm ra giải pháp toàn diện cho cam kết thực thi phát triển bền vững thông qua những chương trình chứng nhận ESG.
Trình bày về Chiến lược giảm phát thải KNK và Net Zero, ông Tô Thanh Sơn - Giám đốc Phát triển bền vững SGS Việt Nam đề cập đến Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về Quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-dôn, trong đó, bắt đầu từ năm 2024, các cơ sở phải thực hiện kiểm kê khí KNK 2 năm một lần và đến năm 2026, cần phải xây dựng, phê duyệt kế hoạch giảm nhẹ phát thải KNK giai đoạn 2026 - 2030 theo các quy trình được hoạch định như: Thiết lập Ủy ban kiểm kê KNK; xác định yêu cầu và tiêu chuẩn cần áp dụng theo yêu cầu của doanh nghiệp; xác định ranh giới tổ chức, ranh giới báo cáo và xác định các KNK do tổ chức phát thải.
Đồng thời, Việt Nam cũng như các tổ chức trong và ngoài nước cần tạo lập các kế hoạch hành động, thiết lập mục tiêu ngắn hạn, dài hạn dựa trên sáng kiến mục tiêu khoa học (SBTi) theo nội các nội dung về cam kết, xây dựng mục tiêu theo quy định của SBTi, nộp hồ sơ, trao đổi thông tin qua hình thức công bố đại chúng trên nền tảng website của SBTi và định kỳ công bố báo cáo phát thải KNK hàng năm.
Bên cạnh đó, ông Tô Thanh Sơn cũng đưa ra giải pháp ESG (sử dụng các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị để tạo báo cáo đánh giá tính bền vững các doanh nghiệp và quốc gia) trong việc cải thiện quản lý rủi ro, thu hút vốn đầu tư xanh, đổi mới và khả năng thích ứng, tạo tác động tích cực đến môi trường và đóng góp cho các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu, nhằm bảo tồn sự cân bằng sinh thái, tránh cạn kiệt tài nguyên.
Qua đó, báo cáo ESG giúp tăng giá trị doanh nghiệp, gia tăng dịch vụ đảm bảo chất lượng, tăng cường sự minh bạch trong hoạt động quản trị doanh nghiệp cũng như giảm lượng phát thải CO2 trong toàn bộ chuỗi giá trị, chống tác động của BĐKH,… được các doanh nghiệp tại Việt Nam đã và đang tham gia quá trình sử dụng trong năm 2022 gồm Công ty Vinamilk, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Bảo Việt,…
Ông Phạm Hồng Quân - Nhà sáng lập và cố vấn chiến lược - Trung tâm Bảo vệ môi trường và Ứng phó BĐKH, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam đã đưa ra chìa khóa thực hiện mục tiêu Net Zero, trong đó cần thiết phải tập trung vào thị trường các - bon tại Việt Nam qua việc thu hút đối tượng tham gia thị trường này, bao gồm các cơ sở thuộc danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải KNK phải kiểm kê, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh hạn ngạch phát thải KNK, tín chỉ các - bon.
Đối với thị trường các - bon, việc thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các - bon là cơ sở để triển khai các chương trình, dự án giảm nhẹ phát thải KNK, từ đó xây dựng các hoạt động trao đổi trên thị trường các - bon hoặc bù cho lượng phát thải KNK vượt quá hạn ngạch được phân bổ theo Thỏa thuận Paris qua cơ chế hợp tác thông qua chuyển giao các kết quả giảm nhẹ quốc tế; Nghị định thư Kyoto qua cơ chế đồng thực hiện, cơ chế buôn bán quyền phát thải, cơ chế phát triển sạch; Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản qua cơ chế tín chỉ chung (JCM),…
Tiếp đó, cần thành lập dự án tạo ra tín chỉ các - bon theo từng lĩnh vực như thương mại, quản lý chất thải rắn, thị trường các - bon rừng,…. Cùng với đó, xây dựng Lộ trình thị trường các - bon Việt Nam theo từng giai đoạn đến năm 2028 có thể tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các - bon và quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ các - bon trong nước với thị trường các - bon khu vực và thế giới.
Trong Hội thảo nhận được nhiều ý kiến trao đổi của các đại biểu đến từ các Sở, ban, ngành, cơ quan, tổ chức và thu hút sự tham gia của hơn 200 cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội cũng như các tỉnh lân cận về hành trình hướng tới Net Zero, giảm phát thải KNK.