GFANZ mong muốn hỗ trợ các ưu tiên lớn về chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam
(TN&MT) - Liên minh Tài chính Glasgow vì Mục tiêu Phát thải ròng bằng “0” (GFANZ) mong muốn hỗ trợ các dự án ưu tiên chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam ông ông Mark Carney, Chủ tịch GFANZ và đại diện lãnh đạo các định chế tài chính là thành viên GFANZ cho biết tại cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28) vừa qua.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) của Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Quốc vụ khanh Vương quốc Anh và đại diện các nước đối tác và GFANZ công bố tại COP28.
Nhân dịp này, Bộ trưởng trân trọng cảm ơn GFANZ đã cùng với Nhóm các đối tác quốc tế (IPG) phối hợp chặt chẽ trong quá trình xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP. Bộ trưởng đề nghị GFANZ cùng hợp tác, hỗ trợ Việt Nam triển khai JETP và các cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại COP26.
Bộ trưởng hoan nghênh việc Nhóm đối tác quốc tế và GFANZ đã bày tỏ mong muốn hỗ trợ cho các ưu tiên lớn để chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam với nguồn lực cam kết ban đầu 7,5 tỷ USD. Sau COP26, đã có nhiều định chế tài chính là thành viên của GFANZ như HSBC, Standard Chartered… tiếp cận và cam kết các gói tài chính nhằm hỗ trợ Việt Nam triển khai các hành động chuyển đổi năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để đạt được mục tiêu tăng khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 đã đề ra, nhu cầu tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam giai đoạn 2022-2040 là rất lớn, cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị các thành viên của Liên minh tiếp tục huy động hỗ trợ thêm với điều kiện ưu đãi hơn nữa để đẩy nhanh lộ trình thực hiện JETP.
Đồng thời, thúc đẩy hợp tác với các đối tác quốc tế, đặc biệt là hợp tác phát triển tài chính xanh bền vững là một trong những ưu tiên của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường hợp tác với một số định chế tài chính hàng đầu như Citibank, Standard Chartered, HSBC và một số ngân hàng trong nước hàng đầu nhằm triển khai các hành động cụ thể, hỗ trợ các doanh nghiệp, thành phần tư nhân triển khai các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Tại cuộc tiếp, Bộ trưởng đã trực tiếp trả lời và cung cấp các thông tin liên quan đến các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam, trong đó nhấn mạnh, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành những chủ trương, chính sách, các chiến lược, kế hoạch để triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng theo hướng tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững trên nguyên tắc công bằng, công lý, huy động sự tham gia của khu vực tư nhân và các tổ chức tài chính, tín dụng quốc tế.
Về phần mình, các thành viên GFANZ mong muốn và cam kết sẽ tham gia thực chất, hiệu quả vào các dự án chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam theo Kế hoạch huy động nguồn lực đã được công bố.