Sơn La: Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động chế biến nông sản
(TN&MT) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành Công văn số 4946/UBND-KT, giao nhiệm vụ cho các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố về việc tăng cường kiểm tra, giám sát với hoạt động chế biến nông sản niên vụ 2023-2024.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Công an tỉnh chỉ đạo các Phòng, đội nghiệp vụ, Công an cấp huyện, xã tăng cường triển khai các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động chế biến nông sản.
Sở TN&MT tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước với các cơ sở chế biến nông sản quy mô lớn. Trường hợp phát hiện các hành vi vi phạm kịp thời xử lý hoặc báo cáo UBND tỉnh xử lý theo đúng thẩm quyền.
Sở TN&MT thực hiện việc đôn đốc, hướng dẫn, hỗ trợ UBND các huyện, thành phố, các cơ sở thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động chế biến nông sản.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, rà soát, đánh giá tổng thể chính xác số liệu về diện tích, sản lượng, tình hình chế biến nông sản niên vụ 2023 – 2034, đảm bảo số liệu theo từng huyện, xã.
Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phát triển vùng nguyên liệu cà phê gắn với chế biến, bảo vệ môi trường. Đề xuất giải pháp khuyến khích đầu tư tăng cường năng lực sơ chế, chế biến cà phê tương xứng với năng suất, sản lượng cà phê trên toàn tỉnh.
Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ chế biến cà phê quả tươi tuân thủ theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được chế biến trên 90%, trong đó, quy mô công nghiệp bằng công nghệ tiên tiến hiện đại đạt trên 70%, có đầu tư hệ thống xử lý nước thải, chất thải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.
Sở Công thương chủ trì, hoàn thành lập, thẩm định, quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp. Đẩy mạnh kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào cụm công nghiệp, trong đó tập trung việc thành lập, lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Hoàng Văn Thụ, thành phố Sơn La để đưa các cơ sở chế biến cà phê vào hoạt động.
UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch hỗ trợ, tiêu thụ nông sản cho người dân đảm bảo phù hợp định hướng của tỉnh, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tiếp tục duy trì các Tổ công tác của huyện, thành phố kiểm tra, giám sát, cương quyết đình chỉ hoạt động sản xuất, xử lý theo đúng quy định với cơ sở không có các hồ sơ thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường, không có các công trình biện pháp thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.
Với các cơ sở đã được phê duyệt hồ sơ thủ tục về môi trường, tiến hành kiểm tra, giám sát toàn bộ hoạt động sản xuất (quy mô, công suất hoạt động, thời gian hoạt động…), khả năng đáp ứng các công trình thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải.
Trường hợp các hồ chứa không còn khả năng thu gom lưu giữ nước thải, yêu cầu tạm dừng ngay hoạt động sản xuất. Nghiêm cấm toàn bộ các hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.
Thường xuyên theo dõi các kiến nghị, phản ánh về ô nhiễm môi trường do hoạt động chế biến nông sản trên các trang mạng xã hội; kịp thời xác minh, xử lý nội dung phản ánh. Trường hợp các thông tin phản ánh sai sự thật, không đúng thực tế, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội, gây bức xúc trong dư luận, kịp thời xử lý các tổ chức, cá nhân theo quy định.
Theo lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh, để đảm bảo tiêu thụ nông sản cho người dân, đồng thời chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quyết liệt.
Trong đó, tập trung các nội dung chính như: Phân cấp công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo Điều 168 Luật Bảo vệ môi trường 2020, Sở TN&MT quản lý các cơ sở chế biến quy mô tập trung, UBND cấp huyện, cấp xã quản lý các cơ sở chế biến quy mô nhỏ, hộ gia đình.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chính sách mới về bảo vệ môi trường đến người dân, doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường.
Ký cam kết tăng cường vai trò, trách nhiệm trong quản lý tài nguyên, môi trường giữa Chủ tịch UBND cấp huyện với Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND xã với Chủ tịch UBND huyện...
Thành lập Đoàn kiểm tra/Tổ công tác giám sát hoạt động sản xuất, bảo vệ môi trường (thời gian 24/24h). Hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở chế biến nông sản quy mô lớn thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường.
Duy trì phương thức giám sát qua hình thức trực tuyến, liên tục - camera giám sát truyền trực tiếp qua App điện thoại về các thiết bị di động thông minh để cập nhật; giải quyết kịp thời, thỏa đáng các kiến nghị, phản ánh của nhân dân và các cơ quan thông tấn báo chí về ô nhiễm môi trường; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Tuy nhiên, hiện nay, ảnh hưởng từ hoạt động sơ chế cà phê quả tươi chủ yếu là chất thải rắn từ vỏ bã cà phê và nước thải từ hoạt động ngâm ủ lên men, rửa nhân cà phê sau lên men trong quy trình chế biến bằng phương pháp ướt.
Song, trên địa bàn tỉnh có 5 cơ sở sản xuất cà phê tươi quy mô lớn đáp ứng đầy đủ yêu cầu về bảo vệ môi trường với công suất khoảng 102.000 tấn/năm, mới đáp ứng khoảng hơn 30% sản lượng cà phê toàn tỉnh. Ngoài ra, trên địa bàn huyện Thuận Châu, Mai Sơn còn một số cơ sở chế biến cà phê nhỏ lẻ đáp ứng yêu cầu với công suất trung bình khoảng 300-500 tấn/năm.
Như vậy, phần lớn sản lượng cà phê quả tươi còn lại được sơ chế tại các hộ gia đình, chủ yếu tại huyện Mai Sơn, Sốp Cộp, Thuận Châu; sau đó bán lại cà phê nhân cho các doanh nghiệp thu mua lớn. Do đó, dẫn đến tình trạng sản lượng lớn cà phê tươi đang được chế biến tại các cơ sở hộ gia đình không có hệ thống thu gom xử lý chất thải, bã vỏ cà phê và nước thải chưa được xử lý xả trực tiếp ra môi trường.
Bên cạnh đó, thế mạnh của tỉnh là sản xuất chế biến nông sản; nhu cầu sơ chế, chế biến nông sản là tất yếu, nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp, hợp tác xã để hình thành các nhà máy sơ chế, chế biến nông sản là rất lớn.
Tuy nhiên, công tác quy hoạch, đầu tư các cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề chế biến nông sản gắn với đầu tư hệ thống xử lý môi trường tập trung còn hạn chế. Các cơ sở chế biến nông sản tiếp tục hình thành tự phát, thiếu quy hoạch, không được đầu tư bài bản cho hệ thống xử lý chất thải, dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường, nguồn nước.
Số lượng công chức làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường còn ít, trong khi các cơ sở sản xuất cà phê chủ yếu hoạt động vào ban đêm, từ 22 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng, dẫn đến hạn chế trong công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là các cơ sở hộ gia đình chế biến nhỏ lẻ.