TP.HCM: Nỗ lực nâng tỷ lệ cây xanh đô thị
(TN&MT) - TP.HCM hiện đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để đạt mục tiêu đến năm 2025, diện tích cây xanh đô thị đạt không dưới 0,65m2/người, hướng tới năm 2030 không dưới 1m2/người theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI.
Diện tích cây xanh còn thấp
Tại Chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” với chủ đề “Quản lý và phát triển công viên, cây xanh công cộng” do Thường trực HĐND TP.HCM tổ chức mới đây, ông Đặng Phú Thành - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết: Hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 11.369ha đất công viên và cây xanh. Trong đó, từ năm 1975 đến nay, thành phố đã nâng cấp, sửa chữa, cải tạo và xây dựng mới các công viên, cây xanh công cộng trên địa bàn thành phố với khoảng 405 công viên, với diện tích 508ha. Trong đó, thành phố đã có công viên lớn như: Công viên Gia Định, Gò Vấp; Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc, Khánh Hội và cầu Sài Gòn…
Theo Chương trình phát triển công viên cây xanh công cộng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 - 2030, từ năm 2020 đến năm 2025, TP.HCM sẽ phát triển thêm 150ha đất công viên, cây xanh công cộng; giai đoạn năm 2026 đến năm 2030, thành phố sẽ phát triển thêm 450ha đất công viên, cây xanh công cộng. Mục tiêu này nhằm hoàn thành chỉ tiêu đến 2025 đạt diện tích cây xanh đô thị đạt không dưới 0,65m2/người, hướng tới năm 2030, không dưới 1m2/người theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI.
Tuy nhiên, tới thời điểm này, tỷ lệ cây xanh đô thị trên đầu người còn thấp, đạt 0,55m2/người. Đến nay, TP.HCM mới có 21,74ha công viên, cây xanh tăng thêm, đạt khoảng 14,5% so với chỉ tiêu đến năm 2025 phát triển thêm 150ha công viên cây xanh tăng thêm, dự kiến 2025 cũng chỉ đạt trên 100ha, được 75% kế hoạch đặt ra.
Ông Nguyễn Thanh Nhã - Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM cho biết: Trong mỗi cự ly, mỗi chung cư đều công bố theo quy chuẩn và các công viên này đều khắp các quận, huyện… Theo đồ án quy hoạch phân khu, hiện có 600/600 đồ án quy hoạch trên địa bàn thành phố và có đầy đủ tiện ích công viên, cây xanh và các đồ án này đã được phê duyệt. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều đồ án trong số này chưa triển khai trên thực địa, nên tỷ lệ cây xanh tăng thêm chưa đạt yêu cầu đặt ra. Ngoài ra, hiện nay, nhiều công viên cây xanh tại TP.HCM được sử dụng sai mục đích, lấn chiếm vào nhiều mục đích như kinh doanh, buôn bán, tổ chức sự kiện..., khiến các mảng xanh và khu vui chơi của người dân bị thu hẹp đáng kể.
Cần quyết liệt các giải pháp
Để hoàn thành mục tiêu Chương trình phát triển công viên cây xanh công cộng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 - 2030, Thường trực HĐND TP.HCM đã đề nghị UBND thành phố cần triển khai nhiều biện pháp quyết liệt hơn. Trong đó, thành phố cần tăng cường xã hội hóa, thu hút mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế và lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội để tổ chức thực hiện tốt đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Chính phủ và kế hoạch trồng 10 triệu cây xanh của TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025.
Cùng với đó, Sở Xây dựng TP.HCM cũng cần đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn thành phố. Đồng thời, Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM khẩn trương nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chuẩn cơ cấu xây dựng đất đối với các loại hình công viên công cộng trên địa bàn; hướng dẫn lập, phê duyệt phương án sử dụng tổng mặt bằng và quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đối với từng công viên hiện hữu.
Thường trực HĐND TP.HCM cũng đề nghị UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện cần rà soát các khu đất có nguồn gốc là đất công được quy hoạch đất cây xanh, nhưng đang sử dụng vào mục đích khác, để thực hiện thu hồi, đầu tư xây dựng công viên công cộng theo đúng quy hoạch; đôn đốc, yêu cầu chủ đầu tư của các dự án phát triển khu dân cư trên địa bàn đẩy nhanh tiến độ thi công, xây dựng hoàn thành hệ thống công viên, cây xanh theo quy hoạch được duyệt và bàn giao cho cơ quan quản lý nhà nước theo quy định.
Đối với Trung tâm Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM - đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý trực tiếp hệ thống công viên, cần xác lập ranh mốc và triển khai số hóa thông tin, dữ liệu phục vụ công tác quản lý đối với các công viên công cộng trên địa bàn được giao quản lý; nghiên cứu lập phương án sử dụng tổng mặt bằng các công viên đang quản lý để làm cơ sở tổ chức xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp, khai thác các dịch vụ trong công viên theo quy định.