Khoáng sản

Hợp tác quốc tế về địa chất, khoáng sản: Quy định rõ trong Dự thảo Luật

Mai Đan 14/12/2023 - 08:36

(TN&MT) - Bộ TN&MT đã đưa hội nhập và hợp tác quốc tế về địa chất, khoáng sản trở thành một trong những nội dung quan trọng của Dự thảo Luật, trong đó quy định rõ ràng về nguyên tắc và trách nhiệm trong hội nhập và hợp tác quốc tế về địa chất, khoáng sản.

Bộ TN&MT đang khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản để trình Chính phủ và Quốc hội thông qua theo đúng kế hoạch. Bộ đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Dự thảo cho phù hợp với tình hình thực tiễn nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của Luật Khoáng sản 2010.

img_5036.jpg
Việt Nam - Hàn Quốc tăng cường hợp tác toàn diện chuyển giao công nghệ về địa chất và khoáng sản

Những khó khăn có thể kể đến như công tác hợp tác điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến một số loại khoáng sản ở nước ngoài chưa được thực hiện đáng kể, chủ yếu một số doanh nghiệp tư nhân. Các doanh nghiệp lớn khi đầu tư ra nước ngoài chưa có kinh nghiệm, chưa nắm bắt tình hình địa chất, luật pháp nên hiệu quả thấp.

Hơn nữa, cũng phải thừa nhận một thực tế rằng chính sách, giải pháp phù hợp, hiệu quả để khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác, chế biến khoáng sản, cũng như khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài vào các hoạt động khoáng sản nhằm hiện đại hóa ngành khai khoáng còn hạn chế.

Để góp phần giải quyết những thách thức trên, ngay từ khi xây dựng Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, Bộ TN&MT đã đưa hội nhập và hợp tác quốc tế về địa chất, khoáng sản trở thành một trong những nội dung quan trọng của Dự thảo Luật, trong đó quy định rõ ràng về nguyên tắc và trách nhiệm trong hội nhập và hợp tác quốc tế về địa chất, khoáng sản.

Cụ thể, Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản quy định hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và quản lý hoạt động khoáng sản phải đặt trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ; chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; tuân thủ pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, bảo đảm phù hợp với đường lối và chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Đồng thời, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và quản lý hoạt động khoáng sản phải bảo đảm nguyên tắc hợp tác bình đẳng, đôi bên cùng có lợi trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, tôn trọng pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Bên cạnh đó, tranh chấp quốc tế về địa chất, khoáng sản được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, theo thông lệ, pháp luật quốc tế và pháp luật của các bên liên quan.

anh-1-mou-vn-bl.jpg
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác (MOU) giữa Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản và Viện Địa chất Ba Lan - Viện Nghiên cứu quốc gia, Ba Lan

Quyết định số 866/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng nhấn mạnh, mục tiêu đối với công tác chế biến là tập trung nguồn lực trong nước và đẩy mạnh hợp tác quốc tế đầu tư chế biến sâu các loại khoáng sản như: bô-xít, titan, đất hiếm, niken, crômit…

Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản cũng quy định trách nhiệm trong hội nhập và hợp tác quốc tế về địa chất, khoáng sản gồm: Nhà nước khuyến khích việc chủ động hội nhập quốc tế về nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ trong lĩnh vực điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, kiểm soát hoạt động khoáng sản và áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong khai thác, chế biến khoáng sản.

Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân chủ động thực hiện các yêu cầu, điều kiện và tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và hoạt động khoáng sản được quốc tế công nhận và áp dụng rộng rãi để nâng cao năng lực cạnh tranh trong thương mại quốc tế.

Về phía Bộ TN&MT, Bộ là cơ quan đầu mối tổng hợp hoạt động hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và quản lý hoạt động khoáng sản.

Trong khi đó, bộ, ngành và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có hoạt động hợp tác quốc tế về điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và quản lý hoạt động khoáng sản có trách nhiệm hằng năm đánh giá tình hình hoạt động hợp tác quốc tế của cơ quan mình, gửi báo cáo về Bộ TN&MT để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Không chỉ được quy định trong Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, hợp tác quốc tế về địa chất, khoáng sản còn được đề cập nhiều lần trong Quyết định số 334/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Quyết định này, để hoàn thiện hệ thống pháp luật về điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng, cần hoàn thiện chính sách khuyến khích hợp tác, đầu tư nước ngoài sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong khai thác, chế biến khoáng sản nhằm làm chủ công nghệ tiên tiến chuyển giao từ các nước phát triển, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển so với các nước tiên tiến về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực địa chất, khoáng sản, nhất là đối với những khoáng sản quan trọng, nhằm tăng dự trữ khoáng sản trong nước.

Quyết định cũng nêu rõ để tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại và hợp tác quốc tế về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, học tập kinh nghiệm trong nghiên cứu, điều tra không gian ngầm, điều tra các khoáng sản ẩn sâu, điều tra di sản địa chất, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất - khoáng sản và quản trị tài nguyên khoáng sản...

Để tổ chức thực hiện Chiến lược, Bộ TN&MT có trách nhiệm tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, điều tra không gian ngầm, điều tra các khoáng sản ẩn sâu, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chất - khoáng sản và quản trị tài nguyên khoáng sản; hợp tác nghiên cứu công nghệ khai thác than nâu vùng đồng bằng sông Hồng.

Mong rằng, với sự quan tâm thúc đẩy hợp tác quốc tế về địa chất, khoáng sản của Bộ TN&MT và các bộ, ngành liên quan, ngành khai khoáng Việt Nam sẽ có bước chuyển biến tích cực và tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Mai Đan