Tài nguyên nước

Hậu Giang: Nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước

Lê Hùng (thực hiện) 14/12/2023 - 08:35

(TN&MT) - Tỉnh Hậu Giang xác định công tác quản lý, sử dụng, bảo vệ hiệu quả tài nguyên nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để hiểu hơn về vấn đề này, phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Lê Quốc Việt - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang.

ong-le-quoc-viet-gd-so-tn-mt-hau-giang.jpg
Ông Lê Quốc Việt - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hậu Giang

PV: Để quản lý hiệu quả tài nguyên nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Hậu Giang đã triển khai các giải pháp nào, thưa ông?

Ông Lê Quốc Việt: Thời gian qua, để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tỉnh Hậu Giang đã triển khai thực hiện nhiều dự án, nhiệm vụ về điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:50.000; quy hoạch phân bổ nước dưới đất; phê duyệt danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ và danh mục hồ, ao đầm không được trám lấp.

Cũng với đó, tỉnh Hậu Giang cũng đã phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực cấp nước sinh hoạt cho các công trình khai thác nước và vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; đồng thời, đầu tư, nâng cấp mạng lưới quan trắc chất lượng nước mặt, diễn biến nguồn nước dưới đất; xây dựng hồ chứa nước ngọt và các giếng khoan dự phòng để phục vụ cấp nước sinh hoạt và phòng ngừa xảy ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên nước.

Tỉnh Hậu Giang còn tập trung triển khai điều tra cơ bản tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với một số nhiệm vụ quan trọng như: cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trên các sông, kênh chính trên địa bàn tỉnh; điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt; xác định các đặc trưng cơ bản, đánh giá diễn biến, lập bản đồ tài nguyên nước mặt trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Xây dựng hệ thống giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước; kiểm kê tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2025 và theo dự kiến đến cuối năm 2023 tỉnh Hậu Giang sẽ triển khai thực hiện thêm nhiệm vụ điều tra, đánh giá, xác định và công bố dòng chảy tối thiểu trên sông, kênh rạch chính trên địa bàn tỉnh.

Hiện tại, tỉnh Hậu Giang đang phối hợp chặt chẽ với Bộ TN&MT triển khai thực hiện Đề tài Khoa học về Nghiên cứu xây dựng công nghệ lưu giữ nước ngọt trong các tầng chứa nước ngầm Vùng Đồng bằng sông Cửu Long trên địa bàn tỉnh Hậu Giang; đồng thời, phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan triển khai Dự án Nghiên cứu về cung cấp nước ngọt sinh hoạt cho Đồng bằng sông Cửu Long” trên địa bàn tỉnh. Những Đề tài, Dự án nghiên cứu này sẽ là cơ hội để tỉnh Hậu Giang tiếp cận công nghệ bổ cập nước dưới đất, là một trong những giải pháp chủ động nguồn nước, phục vụ thiết thực cho công tác quản lý nguồn nước trong tương lai.

PV: Xin ông cho biết, công tác cấp phép khai thác, sử dụng nguồn nước mặt, nước ngầm được thực hiện như thế nào trong thời gian qua?

Ông Lê Quốc Việt: Tỉnh Hậu Giang luôn quan tâm chỉ đạo việc cấp phép tài nguyên nước theo quy hoạch, quy định pháp luật và đảm bảo thẩm định giải quyết thủ tục hành chính, trả kết quả đúng và trước hẹn; đồng thời, phê duyệt vùng hạn chế khai thác nước dưới đất. Theo đó, trong các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất chỉ ưu tiên cấp phép khai thác cho các công trình phục vụ cấp nước sạch cho sinh hoạt, phòng chống thiên tai và các ngành nghề đặc thù có yêu cầu cao về chất lượng nước như chế biến nông sản, thủy sản xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Sở TN&MT cũng đã tham mưu UBND tỉnh Hậu Giang cấp trên 350 giấy phép về tài nguyên nước, bao gồm cả giấy phép gia hạn, điều chỉnh, thay thế. Đến thời điểm hiện tại, có 47 giấy phép khai thác sử dụng nước mặt, 44 giấy phép khai thác sử dụng nước dưới đất đang còn hiệu lực. Nhìn chung, các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước thuộc trường hợp phải cấp phép đã được cấp giấy phép theo quy định và hiện nay chưa có xảy ra tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quản lý, sử dụng nguồn nước.

a3-bai-pv-gd-viet.jpg
Tỉnh Hậu Giang đang tiếp tục thực hiện các giải pháp đảm bảo đủ nguồn nước để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ngày càng ổn định, bền vững.

PV: Để đảm bảo nguồn tài nguyên nước, phục vụ phát kinh tế - xã hội, tỉnh Hậu Giang sẽ tập trung thực hiện các giải pháp nào, thưa ông?

Ông Lê Quốc Việt: Thời gian tới, để đảm bảo nguồn tài nguyên nước, phục vụ mục tiêu phát triển ngày càng bền vững trước những tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, Sở TN&MT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh Hậu Giang triển khai đồng bộ, hiệu quả phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước mặt trên các tuyến sông, kênh rạch cũng như nguồn nước dưới đất, đồng thời, chủ động phòng chống, khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; tích hợp tài nguyên nước vào trong quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cùng với đó, tỉnh Hậu Giang tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, dự án về điều tra cơ bản tài nguyên nước; thực hiện tốt công tác theo dõi, giám sát chất lượng nguồn nước mặt, nước dưới đất; quản lý việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo giấy phép đã cấp và theo dõi, đánh giá diễn biến chất lượng nguồn nước, mực nước; tạo lập cơ sở dữ liệu tài nguyên nước; đồng thời, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nguồn nước và hoạt động khai thác, sử dụng, xả nước thải vào nguồn nước để kịp thời nhắc nhở, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước.

Tỉnh Hậu Giang cũng sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; hạn chế khai thác nước dưới đất, trám lấp các giếng khoan không còn sử dụng để bảo vệ nguồn nước; phối hợp chặt chẽ với các địa phương giáp ranh nhằm chia sẻ thông tin và thực hiện đồng bộ các quy định của phát luật về khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước trên các lưu vực sông, kênh rạch liên tỉnh, góp phần giúp tỉnh Hậu Giang nói riêng, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung phát triển kinh tế - xã hội ngày càng bền vững.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Lê Hùng (thực hiện)