Chính sách chi trả DVMTR ở Yên Bái: Động lực để người dân thêm gắn bó với rừng
(TN&MT) - Những năm gần đây, chính sách chi trả phí dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) ở Văn Chấn (Yên Bái) đã có tác động tích cực tới nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân sống gần rừng, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng của toàn huyện đạt 58,9%.
Xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn có gần 6.350ha rừng được giao khoán bảo vệ. Trong đó, có hơn 2.625ha rừng được hưởng chính sách chi trả DVMTR, với 5 ban bảo vệ rừng và 785 hộ gia đình tham gia bảo vệ rừng tại 5 thôn bản.
Theo bà Bàn Thị Náy - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Lành, huyện Văn Chấn: Năm 2022, xã được Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái chi trả 1,7 tỷ đồng, trong đó thôn Tà Lành có diện tích rừng được chi trả nhiều nhất, gần 1.200ha, với kinh phí 759 triệu đồng. Từ nguồn tiền đó, cộng đồng thôn đã tổ chức chi trả cho các hộ gia đình tham gia bảo vệ, cùng với đó, thống nhất với người dân trong thôn, trích nguồn quỹ được chi trả xây dựng các công trình phúc lợi như làm đường giao thông nông thôn, bổ sung cơ sở vật chất cho nhà văn hóa.
Riêng năm 2022, nhân dân ở các thôn bản đã làm hàng chục km đường giao thông liên thôn, liên xã với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng, góp phần hoàn thiện tiêu chí số 2 về giao thông nông thôn trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Với đặc thù của địa phương có tới 85% đồng bào dân tộc Dao sinh sống, việc thực hiện chi trả DVMTR ở Nậm Lành cũng có tác động tích cực tới công tác, giảm nghèo của nhiều hộ dân trong xã.
Ông Triệu Tòn Liều - Trưởng thôn Nậm Kịp cho biết: Từ khi được Nhà nước chi trả tiền từ chăm sóc, bảo vệ rừng, người dân trong thôn có thêm nguồn thu nhập nên việc trồng rừng được quan tâm hơn, rừng được bảo vệ tốt hơn. Mỗi năm, nhân dân trong thôn trồng mới, trồng dặm, trồng bổ sung trên 50ha rừng các loại, cùng với các nguồn thu nhập khác từ rừng đã giúp một số hộ tăng thu nhập thoát nghèo, có nguồn kinh phí tái trồng và chăm sóc rừng theo từng năm.
Cùng với Nậm Lành, Cát Thịnh là xã có diện tích rừng lớn nhất huyện Văn Chấn với diện tích rừng được giao khoán bảo vệ hơn 7.000ha, rừng trồng hơn 2.000ha trải dài ở 17 thôn bản, trong đó 6 thôn vùng cao 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống, đời sống kinh tế của người dân còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu dựa vào kinh tế từ rừng mang lại.
Bên cạnh các nguồn thu khác từ rừng, chính sách chi trả DVMTR đã góp phần tạo việc làm, cải thiện sinh kế, ổn định đời sống cho hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc trên địa bàn xã. Năm 2022, xã Cát Thịnh được chi trả 3.264 triệu đồng tiền DVMTR trên diện tích 5.000ha, từ số tiền được chi trả trên, nhiều hộ gia đình đã mua sắm trang thiết bị, tu sửa nhà cửa, cho con cái học hành, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo, tiếp tục trồng rừng kinh tế và bảo vệ rừng hằng năm.
Ông Đinh Trọng Quyết - Chủ tịch UBND xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn chia sẻ: Từ khi có nguồn thu từ chính sách chi trả DVMTR, nhiều hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư có thêm động lực để tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, công tác tuần tra, truy quét các điểm nóng, xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng được thực hiện tốt hơn rất nhiều. Hơn nữa, người dân có thêm nguồn thu thêm gắn bó với rừng.
Hiện toàn huyện Văn Chấn đang duy trì hơn 34.800ha rừng giao khoán bảo vệ, trong đó diện tích rừng được chi trả DVMTR là gần 31.700ha, với kinh phí chi trả hơn 19,2 tỷ đồng. Trong đó, diện tích rừng do UBND cấp xã giao khoán bảo vệ là 23,246ha, kinh phí chi trả 14,2 tỷ đồng, diện tích của các chủ rừng và hộ gia đình là hơn 8.442ha, kinh phí chi trả gần 5 tỷ đồng. Với lợi ích kinh tế từ rừng mang lại, từ đầu năm đến nay, nhân dân trên địa bàn huyện đã trồng mới hơn 3.200ha rừng, đạt 100% kế hoạch giao, nâng tỷ lệ che phủ rừng của toàn huyện đạt 58,9%.
Cùng với đó, công tác tuần tra, kiểm soát lâm sản được tăng cường, qua đó đã phát hiện, xử lý 29 vụ, tịch thu hơn 13m3 gỗ, xử phạt hành chính gần 140 triệu đồng. Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về Luật Lâm nghiệp tới người dân được tăng cường, duy trì hoạt động có hiệu quả của 213 tổ, đội xung kích phòng cháy chữa cháy rừng ở các thôn bản với hơn 2.264 thành viên. Tổ chức ký cam kết về bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng cho gần 27.300 người, đạt tỷ lệ 91%.
Ông Phạm Thái Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững huyện Văn Chấn cho biết: Hằng năm, UBND huyện giao Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Yên Bái rà soát, kiểm tra, xác định diện tích rừng được chi trả tiền DVMTR. Phối hợp với Phòng Tài chính Kế hoạch huyện thẩm định phương án sử dụng tiền DVMTR của các xã, thị trấn, đồng thời giám sát việc chi trả tiền DVMTR theo đúng phương án đã được UBND huyện phê duyệt.
Có thể thấy, chính sách chi trả DVMTR ở Văn Chấn thời gian qua đã có tác động kép trong bài toán bảo vệ rừng ở Văn Chấn, không chỉ đời sống của chủ rừng, hộ gia đình được nâng lên, mà công tác bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng cũng được quan tâm, chú trọng, đảm bảo các diện tích rừng phát triển bền vững qua từng năm. Thông qua chính sách, đã tạo ra mối liên kết bền vững giữa người sử dụng với người cung ứng DVMTR. Các chủ rừng, người bảo vệ rừng hiểu được giá trị DVMTR đem lại, thấy được trách nhiệm và quyền lợi của việc cung ứng dịch vụ, giúp người dân yên tâm gắn bó với rừng.