Xã hội

Đại diện WHO tại Việt Nam: Cần các giải pháp thể chế hóa quy định cấm hoàn toàn thuốc lá mới trong luật

Mai Đan 13/12/2023 - 10:07

(TN&MT) - Trong nhiều năm qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã hỗ trợ các nỗ lực phòng, chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam, trong đó có Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Trong bối cảnh quản lý thuốc lá mới đang còn là bài toán gây tranh cãi, WHO hy vọng Quốc hội Việt Nam sớm có quy định cấm hoàn toàn các loại thuốc lá mới này, cùng với các giải pháp thể chế hóa quy định đó trong Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá sửa đổi trong thời gian tới.

Với quyết tâm dành quyền ưu tiên cho bảo vệ sức khỏe cộng đồng, ngày 18/6/2012, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật có hiệu lực từ ngày 1/5/2013.

Bộ Y tế là cơ quan được Quốc hội và Chính phủ giao làm đầu mối phối hợp với các bộ, ban ngành, các tổ chức chính trị xã hội và các tỉnh, thành phố tổ chức phòng, chống tác hại thuốc lá.

vape3-1568345789933340909213.jpg
Việt Nam cần có các giải pháp thể chế hóa quy định cấm hoàn toàn thuốc lá mới trong Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá sửa đổi trong thời gian tới

Đến nay, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá đã thực hiện được 10 năm, để đánh giá tình hình thực hiện Luật, những kết quả đạt được, những khó khăn thuận lợi trong quá trình thực hiện Luật, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố xây dựng báo cáo đánh giá, tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Đánh giá về những kết quả đã đạt được của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá trong 10 năm qua, TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết, Việt Nam đã giảm được tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở cả người lớn và thanh thiếu niên trong những năm qua. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên giảm một nửa. Đây là những kết quả rất đáng khích lệ.

Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường bên lề Hội nghị tổng kết 10 năm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá vào sáng 12/12 tại Hà Nội, TS. Angela Pratt cho biết trong suốt 10 năm qua, WHO đã hỗ trợ rất tích cực cho Việt Nam trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Theo đó, WHO đã đồng hành cùng Việt Nam trong nỗ lực phòng, chống tác hại của thuốc lá theo nhiều cách khác nhau, đầu tiên là tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật, phối hợp với Bộ Y tế và các Ban Quốc hội trong quá trình xây dựng Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012, hỗ trợ Chính phủ trong quá trình thực hiện và tổng kết, rà soát hiệu quả thực thi.

Đồng thời, WHO đã khuyến nghị các cơ quan hoạch định chính sách và cộng đồng tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về tác hại nghiêm trọng của thuốc lá đối với sức khỏe; phối hợp với các cơ quan truyền thông báo chí, mạng xã hội để phổ biến rộng rãi.

Bên cạnh đó, WHO cũng vận động Việt Nam hướng tới những biện pháp mạnh mẽ nhất, xây dựng các luật, quy định, chính sách, chiến lược, chương trình hành động mới đi kèm với các biện pháp đảm bảo thực thi hiệu quả.

“Chúng tôi nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác vận động cũng như tiếng nói của WHO trong việc bảo vệ người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, khỏi tác hại của thuốc lá, dù là thuốc lá truyền thống hay thuốc lá mới, bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng”, đại diện WHO cho biết thêm.

img_8996.jpg
TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường

Theo vị đại diện này, WHO đã đưa ra những cảnh báo cũng như các giải pháp mạnh mẽ để ngăn ngừa thuốc lá điện tử trong giới trẻ Việt Nam. Bà cho rằng đây là vấn đề quan ngại rất lớn, đáng báo động trong thời gian gần đây đối với cả Việt Nam và WHO. WHO đang nỗ lực để ngăn chặn việc bắt đầu sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới này và đặc biệt mong muốn có thể bảo vệ thế hệ trẻ.

TS. Angela Pratt cho biết: “Chúng ta đang đứng trước một thời điểm chuyển giao quan trọng khi thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng tiềm ẩn nguy cơ tạo ra một thế hệ thanh niên nghiện nicotine hoàn toàn mới ở Việt Nam. WHO mong rằng Quốc hội Việt Nam sớm có quy định cấm hoàn toàn các loại thuốc lá mới này, kèm theo các giải pháp thể chế hóa quy định đó trong Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá được sửa đổi trong thời gian tới”.

Bà nhấn mạnh thông điệp chính: “Những hình thức thuốc lá mới không an toàn, không phải là không có nguy cơ và nên được cấm hoàn toàn”.

Về sự hợp tác với Việt Nam trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá trong thời gian tới, đại diện WHO tại Việt Nam khẳng định, WHO vẫn kiên định cam kết sát cánh với Chính phủ để bảo vệ người dân và nền kinh tế Việt Nam khỏi tác hại thuốc lá trong 10 năm tới và hơn thế nữa, đồng thời giúp đạt được các mục tiêu của đất nước về một Việt Nam khỏe mạnh và an toàn hơn.

Mai Đan