Kinh tế

Quảng Ngãi thông tin loạt sự kiện lớn đánh dấu chặng đường phát triển mới

Hà Anh 12/12/2023 - 18:09

Chiều 12/12, UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức họp báo chuyên đề về “Lễ Công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Khởi công dự án đường Hoàng Sa – Dốc Sỏi; Lễ kỷ niệm 10 năm VSIP Quảng Ngãi”.

Ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, lễ Công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Khởi công dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi chính thức tổ chức vào ngày ngày 24/12/2023.

qngai1.jpg
Ông Trần Phước Hiền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi phát biểu tại họp báo

Theo đó, Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nội dung thể hiện tư duy mới, tầm nhìn mới phù hợp với định hướng phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước, của vùng giai đoạn 2021- 2030; từ đó mở ra những cơ hội phát triển mới và định hình các giá trị mới cho tỉnh Quảng Ngãi trong thời kỳ quy hoạch.

Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi được tiếp cận một cách hệ thống, đa chiều; dựa trên sự phát triển bền vững cân bằng giữa 3 yếu tố: kinh tế - xã hội - môi trường. Từ đó, quan điểm lập Quy hoạch từ 5 khía cạnh: Biến thách thức thành cơ hội; Phát triển bền vững; Phát triển tập trung; Tập trung vào phát triển hạ tầng; Yếu tố liên kết vùng.

Dựa trên việc phân tích và trao đổi ở các cấp độ, tỉnh Quảng Ngãi đưa ra 3 tầm nhìn chiến lược: Quảng Ngãi phát triển dựa trên những ưu thế riêng có của mình - hướng đến mô hình phát triển kiểu mẫu bền vững; Quảng Ngãi - một điểm đến mới, chuyên sâu trên cung kinh tế trọng điểm miền Trung; Quảng Ngãi phát huy lợi thế riêng có để trở thành Trung tâm hậu cần cảng biển, kinh tế biển - đảo, hành lang kinh tế Đông Tây.

Mục tiêu phát triển đến năm 2030, Quảng Ngãi phấn đấu là tỉnh phát triển khá của cả nước, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước. Nâng cao tính tự chủ và khả năng thích ứng với những biến động của nền kinh tế. Tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Từng bước hình thành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung. Xây dựng được thương hiệu về các loại hình dịch vụ chất lượng cao, với điểm nhấn là du lịch. Nhân rộng mô hình nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn. Phát triển và hoàn thiện hạ tầng phục vụ phát triển các đô thị xanh, đô thị thông minh. Phấn đấu đạt được các chỉ tiều về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Hình thành Trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất và phát triển huyện đảo Lý Sơn trở thành Trung tâm du lịch biển - đảo….

qngai2.jpg
Quang cảnh họp báo

Cũng thời điểm này, Quảng Ngãi tổ chức khởi công dự án đường Hoàng Sa- Dốc Sỏi Dự án Đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi được HĐND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư. Dự án thuộc nhóm A, là công trình giao thông đường bộ cấp I; có tổng chiều dài tuyến 26,88Km với điểm đầu tuyến giao với đường Trì Bình - Dung Quất, thuộc huyện Bình Sơn và điểm cuối tuyến kết nối với đường Hoàng Sa, tại nút giao đầu cầu Đập dâng sông Trà Khúc thuộc địa phận TP. Quảng Ngãi. Dự án có tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng;nguồn vốn Trung ương và ngân sách tỉnh; thời gian thực hiện năm 2022- 2027.

Được biết, Dự án Đường Hoàng Sa-Dốc Sỏi là công trình quan trọng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chọn là công trình trọng điểm của tỉnh chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030. Dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh theo quy hoạch được duyệt; đồng thời hình thành trục dọc giao thông quan trọng của tỉnh kết nối nhanh, thuận lợi từ sân bay Chu Lai, KKT Dung Quất đến TP Quảng Ngãi và các địa phương phía Nam trong tương lai. Từ đó tạo thành hành lang phát triển kinh tế chủ đạo, làm động lực để thu hút đầu tư và khai thác tối đa tiềm năng phát triển kinh tế đối với khu vực phía Đông của các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh và TP Quảng Ngãi. Đặc biệt là giảm lưu lượng phương tiện trên tuyến Quốc lộ 1, nhất là trong giờ cao điểm hiện đang bị quá tải; đảm bảo quốc phòng - an ninh; phát triển, mở rộng, nâng tầm đô thị. Khi tuyến đường hoàn thành cũng sẽ tạo ra quỹ đất khá lớn để thu hút đầu tư xây dựng đô thị, công nghiệp và dịch vụ, tạo việc làm và thu nhập cho người dân.

Dịp này, Quảng Ngãi cũng đồng thời tổ chức Lễ Kỷ niệm 10 năm Dự án Khu công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ VSIP Quảng Ngãi (VSIP Quảng Ngãi). Đây là dự án thứ 5 của VSIP tại Việt Nam và đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu ngày 23/4/2012, điều chỉnh lần thứ 1 ngày 30/6/2015. Dự án khoảng 660ha (trong đó, đất KCN khoảng 615ha và đất Khu dịch vụ hỗn hợp khoảng 45ha), tổng vốn đầu tư khoảng 139.854.000 USD; trong đó vốn góp để thực hiện dự án là 27.970.800 USD.Dự án bắt đầu đi vào hoạt động từ Quý I/2013.

Tại sự kiện này, Quảng Ngãi cũng trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án cấp mới vào KCN VSIP Quảng Ngãi trong năm 2023 với tổng vốn đăng ký khoảng 69,3 triệu USD) dự án Nhà máy sản xuất vải Sedo- Dung Quất, dự án Nhà máy sản xuất vật dụng trang trí bể cá cảnh Yusee- Techlink Quảng Ngãi, dự án Nhà máy sản xuất hàng thể thao vật liệu mới kỹ thuật Hui Feng Quảng Ngãi và dự án Nhà máy sản xuất vải Z-Wovens Quảng Ngãi) và 2 dự án đầu tư mở rộng với tổng vốn tăng thêm khoảng 10,8 triệu USD (dự án Nhà máy gia công và sản xuất nệm Gesin Việt Nam - Dung Quất và dự án Nhà máy bao bì YFY tại Quảng Ngãi).

Hà Anh