Chính sách chi trả DVMTR tại Kon Tum: Người dân có thu nhập, rừng được bảo vệ tốt
(TN&MT) - Được hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), ý thức và trách nhiệm của người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng tại tỉnh Kon Tum đã ngày một nâng lên, diện tích rừng được bảo vệ ngày càng tăng, đời sống của người làm nghề rừng được cải thiện. Chính sách này đã khẳng định là giải pháp bảo vệ rừng hiệu quả và bền vững.
Thực hiện chính sách chi trả DVMTR, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy là một trong những địa phương được giao quản lý, bảo vệ diện tích rừng tương đối lớn. Ngoài 55 hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao bảo vệ 1.337,56ha rừng, tháng 12/2022, xã Đăk Ruồng có thêm 2 cộng đồng dân cư được giao đất, giao rừng 45,48ha để quản lý bảo vệ.
Theo ông Đỗ Dũng Sỹ - Chủ tịch UBND xã Đăk Ruồng, để chính sách chi trả DVMTR triển khai trên địa bàn xã thực sự có hiệu quả, những người dân được lựa chọn để tổ chức giao khoán quản lý, bảo vệ rừng đều là những người có uy tín, đi đầu trong các hoạt động tại thôn, làng, được tập huấn công tác quản lý, bảo vệ rừng và có ý thức về bảo vệ rừng rất cao.
Chính những người dân này sẽ là tuyên truyền viên tốt nhất và có hiệu quả nhất cho những người dân còn lại trong thôn. Nhờ đó, ý thức của người dân đã nâng lên rất nhiều so với trước. Chỉ cần có dấu hiệu vi phạm, người dân đã báo sớm cho thôn, xã để ngăn chặn kịp thời. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn xã không phát hiện vụ vi phạm nào về Luật Lâm nghiệp.
Ngoài ra, nhờ được tuyên truyền, vận động, nhiều diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp trước đây, người dân sử dụng để canh tác, thì nay đã chuyển đổi sang trồng rừng. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn xã Đăk Ruồng đã tăng thêm được 80ha rừng. Dự kiến đến năm 2025, hơn 15ha rừng trồng năm 2021 sẽ bắt đầu cung ứng và được chi trả tiền DVMTR.
Không chỉ nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng, chính sách chi trả DVMTR còn mang lại nguồn thu nhập khá lớn cho người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Năm 2022, 55 hộ gia đình, cá nhân được giao đất, giao rừng trên địa bàn xã Đăk Ruồng đã nhận được 1,127 tỷ đồng tiền DVMTR.
Như hộ gia đình ông A Thoi - bà Y Chín (thôn 12, xã Đăk Ruồng), được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ 30ha rừng cung ứng DVMTR. Năm 2022, bà Y Chín nhận được 24,9 triệu đồng tiền DVMTR. Với số tiền này, bà Y Chín đã có tiền tu sửa lại nhà, cho con cái đi học và mua cây giống để phát triển nông nghiệp, phát triển kinh tế gia đình.
Theo bà Y Nga - Trưởng thôn 12, xã Đăk Ruồng, cộng đồng thôn 12 cũng được nhận khoán quản lý bảo vệ 28,71ha rừng từ diện tích rừng do UBND xã Đăk Ruồng quản lý. Trong năm 2022, thôn nhận được khoảng 20,4 triệu đồng tiền DVMTR. Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, đến ngày 30/12/2022, UBND huyện Kon Rẫy đã có Quyết định giao đất, giao rừng 28,71ha rừng trên cho cộng đồng thôn 12 quản lý.
Bà Y Nga khẳng định: "Chính sách chi trả DVMTR đã mang về nguồn thu ổn định cho những hộ gia đình tham gia quản lý, bảo vệ rừng và cộng đồng dân cư thôn 12. Vì thế, ai cũng nâng cao trách nhiệm của mình trong quản lý, bảo vệ rừng để tiếp tục được hưởng tiền DVMTR".
Ông Đỗ Dũng Sỹ nói: "Với địa phương có tỉ lệ người dân tộc thiểu số cao, chủ yếu làm nông nghiệp như Đăk Ruồng, tiền DVMTR chi trả cho người dân từ 20,4 triệu đồng/năm/hộ là một nguồn thu nhập tương đối lớn, giúp người dân có vốn đầu tư phát triển nông nghiệp và chăn nuôi. Nhờ vậy, những năm gần đây, kinh tế của người dân được nâng lên khá nhiều, tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Đăk Ruồng cũng giảm đáng kể, từ hơn 11% năm 2022 xuống còn 4,8% năm 2023".
"Kết hợp với nguồn từ Chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn thu từ chính sách chi trả DVMTR đã góp phần tăng thu nhập cho người dân. Vật chất, tinh thần, văn hóa cũng được nâng lên, giúp xã Đăk Ruồng hoàn thành 19/19 tiêu chí và được đánh giá đạt Nông thôn mới nâng cao năm 2023", ông Sỹ phấn khởi cho biết.