Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đôn đốc giải ngân các chương trình MTQG tại 10 địa phương
Sáng 11/12, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp trực tuyến với 10 địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) đạt dưới 50% kế hoạch năm 2023.
Các địa phương dự họp gồm: Điện Biên, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Đắk Nông, Bình Thuận, Kiên Giang.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến ngày 30/11/2023, tiến độ giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của Điện Biên khoảng 583,187 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 46% kế hoạch; Hòa Bình khoảng 300 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 48% kế hoạch; Hà Tĩnh khoảng 105,708 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 38% kế hoạch; Quảng Bình khoảng 175,742 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 48% kế hoạch; Quảng Nam khoảng 422,959 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 44% kế hoạch; Bình Định khoảng 148,330 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 44% kế hoạch; Phú Yên khoảng 93 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 43% kế hoạch; Đắk Nông khoảng 240 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 39% kế hoạch; Bình Thuận khoảng 128,120 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 49% kế hoạch; Kiên Giang khoảng 80 tỷ đồng, đạt tỉ lệ 40% kế hoạch.
Đối với vốn đầu tư công năm 2022 kéo dài sang năm 2023, tỉ lệ giải ngân của các địa phương đạt từ 58-100%, trong đó, Bình Thuận đã hoàn thành giải ngân vốn năm 2022, Phú Yên đạt 96% và Đắk Nông đạt 84%.
Lý giải nguyên nhân chậm giải ngân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết một số quy định về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG phải sửa đổi, bổ sung, cập nhật nhiều do trong thực tiễn thực hiện vẫn còn phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập; một số văn bản trả lời kiến nghị trong thực hiện chương trình MTQG chưa thực sự rõ ràng dẫn đến việc chỉ đạo thực hiện gặp khó khăn.
Bên cạnh đó, hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều, hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo tại một số địa phương phần đông có thành viên bị bệnh tật, khuyết tật, thiếu đất để xây dựng chuồng trại, thiếu lao động để tham gia dự án,... nên không đáp ứng điều kiện để tham gia dự án, phương án sản xuất, dịch vụ theo quy định như phải bảo đảm về cơ sở vật chất, lao động, tư liệu sản xuất và cam kết bảo đảm phần đối ứng thực hiện dự án, phương án; một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức và hỗ trợ người khác vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bộ KH&ĐT cũng cho biết chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lần đầu được triển khai nên có nơi còn lúng túng; cán bộ tham mưu tại các đơn vị, địa phương thường làm công tác kiêm nhiệm nên chưa thực sự nắm chắc các nội dung của văn bản hướng dẫn đã làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai chương trình; một số mục tiêu, nhiệm vụ thuộc chương trình chưa được triển khai thực hiện, cần rà soát, điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn, mặt bằng pháp lý.
Các chỉ tiêu như: Chỉ tiêu về tỉ lệ dân số có sổ khám, chữa bệnh điện tử, dân số được quản lý sức khỏe, người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa; chỉ tiêu về nước sạch nông thôn... khó thực hiện.
Việc huy động bảo đảm nguồn lực để thực hiện chương trình MTQG đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên, nhiều địa phương còn gặp khó khăn trong cân đối nguồn lực đối ứng từ ngân sách địa phương thực hiện các chương trình.
Việc giao dự toán chỉ thường xuyên ngân sách Trung ương chi tiết theo dự án thành phần, lĩnh vực chi đã làm hạn chế sự chủ động của các địa phương trong phân bổ, sử dụng nguồn lực phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tiễn của địa phương ở từng thời điểm.
Năng lực quản lý, tổ chức triển khai thực hiện chương trình MTQG ở các địa phương chưa đồng đều, bên cạnh đó, tình trạng thiên tai lũ lụt ở một số khu vực trong 6 tháng cuối năm 2023 có diễn biến phức tạp, khó dự báo; các địa phương cũng cần thời gian nhất định để triển khai thực hiện, giải ngân vốn ngay sau khi các chính sách được sửa đổi, bổ sung.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu 10 địa phương phải cố gắng, phấn đấu, nỗ lực, quyết liệt cao hơn bởi trong thực tế cùng điều kiện tương đồng nhưng vẫn có những địa phương đạt tỉ lệ giải ngân cao hơn.
Phó Thủ tướng nêu rõ thực trạng một số địa phương có tỉ lệ vốn của 3 chương trình MTQG không đáng kể so với tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản nhưng tỉ lệ giải ngân cũng còn thấp do chưa có sự quan tâm đúng mức.
Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương khi có vướng mắc, cần chủ động tìm hiểu kinh nghiệm của các địa phương khác, trao đổi trực tiếp với các bộ, ngành thông qua đường dây nóng đã thiết lập; chú trọng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để vừa rút ngắn được thời gian chuẩn bị hồ sơ dự án, vừa bảo đảm chất lượng, hiệu quả đầu tư các dự án, vừa bảo vệ được cán bộ.
Các địa phương phải đặc biệt quan tâm nâng cao năng lực tổ chức thực hiện, chuẩn bị hồ sơ dự án… cho cán bộ cấp cơ sở để có thể đảm đương được công việc sau khi được phân cấp, cần thiết có thể lập các tổ công tác xuống tận cơ sở để hướng dẫn như nhiều địa phương đã triển khai có hiệu quả.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành Trung ương tiếp tục rà soát, trao đổi các vấn đề còn vướng mắc, kịp thời hỗ trợ các địa phương tăng tốc giải ngân vốn của các chương trình MTQG.
Phó Thủ tướng cho biết, dự kiến tháng 1/2024, Quốc hội sẽ họp để tháo gỡ 8 nhóm vướng mắc liên quan đến triển khai các chương trình MTQG, trong đó có những nội dung như: Vốn sự nghiệp; phân cấp cho địa phương quyết định danh mục dự án đầu tư; về thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng; chủ trương để điều chỉnh Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi…