Trong nước

Xây dựng Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh trở thành trung tâm phát triển công nghiệp của vùng và cả nước

Tuyết Trang 10/12/2023 - 14:33

Đó là phát biểu tham luận của ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tại hội nghị đánh giá kết quả 1 năm thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác phát triển giữa 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh tổ chức tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An) sáng 10/12/2023.

Ông Đỗ Minh Tuấn nêu rõ: Ba tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh là vùng đất “địa linh, nhân kiệt”, có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng, luôn giữ vai trò trọng yếu cả về chính trị, quân sự và kinh tế. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do tác động của yếu tố thị trường, các chuỗi cung ứng bị đứt gãy, giá nguyên, nhiên vật liệu tăng mạnh, cùng với đó là sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, diễn biến phức tạp, xung đột quân sự các khu vực trên thế giới... song, sản xuất công nghiệp trên địa bàn 3 tỉnh vẫn tiếp tục ổn định và từng bước phát triển, góp phần quan trọng đưa tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 của các tỉnh ước đạt lần lượt là 7,01%; 7,14% và 8,05%.

anh-2.jpg
Toàn cảnh Hội nghị

Cùng với tập trung phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh của mỗi tỉnh, 3 tỉnh đã xây dựng, củng cố mối quan hệ liên kết, hợp tác, cùng phát triển trong lĩnh vực công nghiệp. Nhiều sản phẩm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã sử dụng các sản phẩm, nguyên, nhiên liệu đầu vào của tỉnh Nghệ An, tỉnh Hà Tĩnh và ngược lại, từ đó đã hình thành các mối liên kết ngành trong sản xuất. Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 9/1/2023 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra định hướng Xây dựng khu vực ven biển Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh trở thành trung tâm phát triển công nghiệp của vùng và cả nước.

Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Nghệ An, tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đều xác định định hướng, mục tiêu phát triển của 3 tỉnh trên cơ sở phát triển công nghiệp là yếu tố cốt lõi.

Đây là những cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng, đồng thời là những định hướng lớn để 3 tỉnh tiếp tục đẩy mạnh liên kết phát triển, tập trung huy động các nguồn lực để đầu tư và sớm trở thành trung tâm lớn về công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo của vùng và cả nước.

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu trên, cùng với việc tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển, đưa lĩnh vực công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo của 3 tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh cần hợp tác, liên kết cùng phát triển là xu thế tất yếu, từ đó cùng nhau tạo ra không gian phát triển mới, có tính gắn kết, đặc biệt cho phép các địa phương có thể tối ưu hóa kết quả nhờ vào lợi thế quy mô kinh tế trong điều kiện nguồn lực hạn chế.

anh-1.jpg
Ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa

Đa dạng hóa phương pháp, hình thức phối hợp xúc tiến đầu tư, tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ, ưu tiên nguồn lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư; tập trung thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghiệp lớn, có công nghệ đứng đầu các chuỗi giá trị, sản xuất, các đối tác có công nghệ cao, công nghệ mới như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các quốc gia châu Âu...

Về công tác quy hoạch và kết nối hạ tầng, 3 tỉnh cần tăng cường phối hợp nghiên cứu, từng bước triển khai quy hoạch trong các khu kinh tế, khu công nghiệp của mỗi tỉnh đảm bảo sự hỗ trợ lẫn nhau một cách hiệu quả, đồng bộ về kết cấu hạ tầng để tối ưu hóa nguồn lực và phát huy hiệu quả đầu tư. Trong đó, trước hết phải tập trung ưu tiên nguồn lực đẩy mạnh kết nối hạ tầng giao thông trong vùng, hoàn thiện tuyến đường bộ ven biển, tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, mở rộng không gian phát triển. Quan tâm đầu tư, phát triển kết nối hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển, khu vực Cảng Nghi Sơn, Cảng Cửa Lò, Cảng Sơn Dương - Vũng Áng và dịch vụ logistic, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp của 3 tỉnh và các tỉnh lân cận thông thương hàng hóa và xuất, nhập khẩu. Tiếp tục phối hợp cơ cấu lại ngành công nghiệp, phân bổ không gian công nghiệp theo các hành lang kinh tế Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An và Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh.

Phối hợp đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là phối hợp phát triển nguồn lực gắn với định hướng phát triển của 3 tỉnh nói chung và định hướng thu hút đầu tư của từng khu vực, ngành nghề nói riêng, ưu tiên đào tạo chuyên sâu, có chất lượng các ngành, nghề gắn với thế mạnh của từng tỉnh. Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động phối hợp, tạo điều kiện trong việc thu hút và sử dụng nguồn nhân lực của nhau, nhất là nhân lực vào làm việc trong khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất; dành nguồn lực để đầu tư các công trình nhà ở xã hội tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp và đô thị.

Tuyết Trang