Môi trường

Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Sơn La khóa XV:Cử tri quan tâm giải pháp khắc phục ô nhiễm sơ chế cà phê

Nguyễn Nga 08/12/2023 - 15:12

(TN&MT) - Sáng 8/12, Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Sơn La khóa XV bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó, cử tri đặc biệt quan tâm giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường do hoạt động sơ chế cà phê.

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Văn Khiêm, Tổ đại biểu huyện Thuận Châu đã chất vấn về giải pháp khắc phục tình trạng tái diễn ô nhiễm môi trường do chế biến cà phê, nhất là trong thời gian tới, khi cây cà phê sẽ tiếp tục tăng về diện tích và sản lượng?

2(1).jpg
Đại biểu Nguyễn Văn Khiêm, Tổ đại biểu huyện Thuận Châu chất vấn Giám đốc Sở TN&MT.

Trả lời nội dung này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phùng Kim Sơn thông tin: Toàn tỉnh hiện có 5 cơ sở sản xuất cà phê tươi quy mô lớn đáp ứng đầy đủ yêu cầu về bảo vệ môi trường với công suất khoảng 102.000 tấn/năm, chiếm khoảng hơn 30% sản lượng cà phê toàn tỉnh.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện Thuận Châu, Mai Sơn còn một số cơ sở chế biến cà phê nhỏ lẻ đáp ứng được các yêu cầu với công suất trung bình khoảng 300-500 tấn/năm. Phần lớn sản lượng cà phê quả tươi còn lại được sơ chế tại các hộ gia đình, chủ yếu tại các huyện Mai Sơn, Sốp Cộp, Thuận Châu; sau đó bán lại cà phê nhân cho các doanh nghiệp thu mua lớn.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích cà phê toàn tỉnh niên vụ 2023-2024 là 20.708ha, sản lượng ước đạt 32.493 tấn cà phê nhân.

Tuy nhiên, theo số liệu ước tính của Hiệp hội cà phê Sơn La, tổng diện tích cây cà phê ước tính đã vượt 30.000 ha, dự kiến niên vụ 2023-2024, sản lượng khoảng 300.000 tấn cà phê tươi.

Ảnh hưởng từ hoạt động chế biến cà phê quả tươi chủ yếu là chất thải rắn từ vỏ bã cà phê và nước thải từ hoạt động ngâm ủ lên men, rửa nhân cà phê sau lên men trong quy trình chế biến bằng phương pháp ướt.

Như vậy, do số lượng các cơ sở chế biến có đầy đủ thủ tục pháp lý, hệ thống thu gom xử lý chất thải đạt quy chuẩn còn ít, không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Dẫn đến, phần lớn cà phê tươi đang được chế biến tại các cơ sở hộ gia đình không có hệ thống thu gom xử lý chất thải đạt quy chuẩn, gây ô nhiễm môi trường. Biểu hiện rõ nhất là hiện nay đang xảy ra tình trạng ô nhiễn nguồn nước mặt, nước dưới đất trên địa bàn xã Chiềng Ban, Chiềng Mai, Mường Bon, Mường Bằng... huyện Mai Sơn.

1(1).jpg
Giám đốc Sở TN&MT Sơn La Phùng Kim Sơn nêu giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường do hoạt động sơ chế cà phê.

Để đảm bảo tiêu thụ cà phê cho người dân gắn với công tác bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như phân cấp quản lý về môi trường (cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã); thành lập đoàn kiểm tra giám sát 24/24h; ký cam kết trong công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên nước.

Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục tập trung tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chính sách mới về bảo vệ môi trường đến người dân, doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường.

Hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở chế biến cà phê quy mô lớn thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường. Duy trì các Tổ công tác giám sát các cơ sở chế biến cà phê quy mô tập trung.

Duy trì phương thức giám sát qua hình thức trực tuyến, liên tục - camera giám sát truyền trực tiếp qua App điện thoại về các thiết bị di động thông minh để cập nhật; kiên quyết xử lý dứt điểm các điểm ô nhiễm cục bộ; giải quyết kịp thời, thỏa đáng các kiến nghị, phản ánh của nhân dân và các cơ quan thông tấn báo chí về ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, đề nghị Sở Kế hoạch và đầu tư tham mưu UBND tỉnh ban hành cơ chế chính sách thu hút nhà đầu tư hoạt động quy mô lớn để thu mua, chế biến cà phê quy mô tập trung. Sở Công thương khẩn trương triển khai quy trình thành lập, lựa chọn Chủ đầu tư CCN Hoàng Văn Thụ thành phố Sơn La để thu hút các nhà đầu tư chế biến cà phê quy mô tập trung.

Đề nghị Công an tỉnh triển khai các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về môi trường trong chế biến cà phê.

Đặc biệt, UBND cấp huyện chủ động, tích cực, tăng cường quản lý, giám sát, xử lý kịp thời các cơ sở chế biến cà phê không đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường; Chỉ cho phép cơ sở hoạt động có công xuất phù hợp với khả năng lưu trữ chất thải. Nghiêm cấm mọi hành vi xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường. Kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu trong việc để xảy ra ô nhiễm môi trường trên địa bàn quản lý.

Với các cơ sở chế biến cà phê quy mô lớn có phương án, lộ trình nâng dần công suất để giảm lượng cà phê được sơ chế tại các hộ gia đình cá nhân. Các cơ sở chế biến quy mô nhỏ đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, lưu giữ, xử lý nước thải, chất thải rắn trong phạm vi cơ sở, tuyệt đối không được đưa nước thải ra môi trường dưới mọi hình thức; Lắp đặt hệ thống camera giám sát tại khu vực xử lý chất thải của cơ sở...

3(1).jpg
Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La Nguyễn Thái Hưng kết luận nội dung trả lời chất vấn của Giám đốc Sở TN&MT.

Kết luận nội dung này, Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La Nguyễn Thái Hưng đã ghi nhận nhiều biện pháp tích cực mà UBND tỉnh, ngành TN&MT và các địa phương đã và đang triển khai. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, hạn chế tại một số địa phương.

Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo vệ môi trường, HĐND tỉnh đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tăng cường hoạt động các tổ kiểm tra, giám sát về môi trường với các cơ sở chế biến nông sản. Huy động sự vào cuộc của các ngành, địa phương trong việc kiểm soát chặt chẽ các dự án, cơ sở có nguồn thải thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm thuộc phạm vi quản lý.

Tăng cường quan trắc môi trường, nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường... Đặc biệt lưu ý công tác kiểm tra, giám sát với các cơ sở chế biến nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình, các cơ sở không đảm bảo về bảo vệ môi trường.

Đề nghị Chủ tịch UBND các cấp tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả cam kết bảo vệ môi trường hàng năm với UBND cấp trên. Chấp hành chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất để kịp thời phát hiện, đề xuất biện pháp xử lý với các trường hợp vi phạm.

Cùng với đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức nhân dân về bảo vệ môi trường. Phát huy vai trò các tổ chức chính trị xã hội, của cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường...

Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Sơn La khóa XV diễn ra trong 2 ngày 7-8/12; đã đánh giá toàn diện tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023; quyết định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Tại Kỳ họp, HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua 32 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch đầu tư phát triển và phân bổ vốn; cơ chế, chính sách; nhóm nghị quyết thường niên và các nội dung khác.

Cùng với phiên chất vấn Giám đốc Sở TN&MT, cử tri đã tiến hành chất vấn Giám đốc Sở Tư pháp về thực trạng và giải pháp thực hiện hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh; chất vấn Giám đốc Sở Nội vụ liên quan đến một số vấn đề về công tác bổ nhiệm, xếp lương, tổ chức thi/xét thăng hạng cho giáo viên trên địa bàn tỉnh...

Nguyễn Nga