Trong nước

Lạng Sơn: HĐND tỉnh xem xét nhiều nội dung quan trọng phát triển kinh tế - xã hội

Hoàng Nghĩa 07/12/2023 - 18:23

(TN&MT) - Trong 2 ngày 7 và 8/12, HĐND tỉnh Lạng Sơn khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 tổ chức kỳ họp thứ 21 (kỳ họp thường lệ cuối năm) để xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng của tỉnh trong thời gian tới.

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Đoàn Thị Hậu cho biết, năm 2023, là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng Toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2021 – 2025). Bên cạnh những kết quả tích cực thì cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế, thậm chí cả những yếu kém chưa được khắc phục, chưa làm cho nhân dân, cử tri và doanh nghiệp hài lòng.

img_8542.jpg
Chủ tịch HĐND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thị Hậu phát biểu khai mạc Kỳ họp.

Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh thực hiện chức năng giám sát đối với UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn thông qua hoạt động xem xét, thảo luận đối với các báo cáo của UBND tỉnh, các cơ quan tư pháp trình; thực hiện chất vấn, trả lời chất vấn đối với UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn. Đồng thời thực hiện chức năng xem xét quyết định, thông qua 33 nghị quyết theo đề xuất của UBND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh…

Chủ tịch HĐND tỉnh Lạng Sơn đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, phân tích, thảo luận đóng góp các ý kiến xác đáng vào các báo cáo, tờ trình, dự thảo trình tại kỳ họp, để các nghị quyết được thông qua đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, có tính khả thi cao; đề xuất các giải pháp căn cơ, đột phá khắc phục hiệu qua hơn các tồn tại, hạn chế đã được nhận định đánh giá trong các báo cáo trình tại kỳ họp… vì sự phát triển chung của tỉnh và niềm tin, sự mong đợi của cử tri và Nhân dân.

Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Hồ Tiến Thiệu cho biết, năm nay tỉnh đã hoàn thành 16/18 chỉ tiêu kinh tế – xã hội mà Nghị quyết HĐND tỉnh đã đề ra; môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, 653 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đạt 130,6% kế hoạch, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước;

Công tác chuyển đổi số được tổ chức triển khai toàn diện và đạt nhiều kết quả tích cực: sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử tăng 4,3% so với thời điểm 31/12/2022 (đứng thứ 2 toàn quốc), số giao dịch thành công tăng 4% (đứng thứ 4 toàn quốc), tỷ lệ hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số đạt 93% (đứng thứ 3 toàn quốc)…

img_8528.jpg
Quang cảnh Kỳ họp.

Công tác quản lý tài nguyên được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định. Đã phê duyệt điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất năm 2023 đối với 8 huyện, điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất của 7 loại đất để triển khai một số dự án, công trình quan trọng, cấp bách có tác động lan tỏa để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tài nguyên khoáng sản và tài nguyên nước được thực hiện theo quy định. Đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của 14 dự án, cấp giấy phép môi trường 12 dự án; phê duyệt trữ lượng khoáng sản 2 mỏ, đóng cửa 2 mỏ; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản 1 mỏ và 2 công trình đất san lấp với số tiền 1.473,9 triệu đồng. Cấp 21 giấy phép tài nguyên nước, phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước 08 công trình, tổng số tiền 647,2 triệu đồng.

Công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đạt hiệu quả. Trong đó cấp 225 giấy cho tổ chức, đạt 125% kế hoạch, cấp 11.200 giấy cho hộ gia đình, cá nhân, đạt 112% kế hoạch; giao đất cho 78 tổ chức, diện tích 69,7 ha; cho 6 tổ chức thuê đất, diện tích 101,09 ha.

Công tác giải phóng mặt bằng được tập trung triển khai quyết liệt, UBND tỉnh thường xuyên tổ chức họp chuyên đề đánh giá tiến độ thực hiện theo định kỳ hằng tháng, quý, tuy nhiên tiến độ giải phóng mặt bằng nhiều dự án còn chậm so với kế hoạch đề ra.

Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên và môi trường được tăng cường. Đã triển khai 5 cuộc thanh tra, 14 cuộc kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường; xử phạt vi phạm hành chính đối với 13 tổ chức có vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và khoáng sản với tổng số tiền trên 990 triệu đồng.

Công tác bảo vệ môi trường được quan tâm triển khai tích cực. Đã thực hiện quan trắc chất lượng môi trường trên địa bàn 11 huyện, thành phố, với quy mô 163 điểm. Hiện trạng chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh tương đối tốt, đa số các chỉ tiêu phân tích tại các vị trí quan trắc đều nằm trong hoặc thấp hơn giới hạn cho phép. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đúng quy định đạt 96,4%.

img_8501.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Hồ Tiến Thiệu báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023.

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cũng cho biết, năm 2024, tỉnh đặt mục tiêu: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) từ 7 - 7,5%; Cơ cấu kinh tế: Nông lâm nghiệp chiếm 23 - 24%, công nghiệp - xây dựng 24 - 25%, dịch vụ 47 - 48%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4 - 5%; Tổng sản phẩm bình quân đầu người trên địa bàn đạt 65 - 66 triệu đồng; Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 7.485 tỷ đồng; Trồng rừng mới 9.000 ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 64,6%; Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 98,5%. Tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom và xử lý đạt 96,6%; tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 100%.

Hoàng Nghĩa