Biển đảo

Gấp rút hoàn thiện hệ thống các Khu bảo tồn biển

Minh Thư 07/12/2023 - 08:37

(TN&MT) - Trong những năm gần đây, việc thiết lập các khu bảo tồn biển (KBTB) đã được Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm như một giải pháp nhằm phát huy giá trị tài nguyên biển, bảo vệ môi trường và phát triển nền kinh tế biển xanh.

Tuy nhiên, cho đến nay mạng lưới các KBTB vẫn chưa được hình thành đầy đủ, hầu hết các hoạt động bảo tồn biển mới mang tính chất địa phương, chưa có tính chất hệ thống. Chính vì vậy, việc tiếp tục vận hành và xây dựng hệ thống các KBTB mang thương hiệu quốc gia là việc làm cấp bách.

KBTB nuôi dưỡng nguồn gen, phát triển thương hiệu biển

Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có đa dạng sinh học (ĐDSH) cao của thế giới với nhiều kiểu hệ sinh thái, các loài sinh vật và nguồn gen phong phú, đặc hữu. ĐDSH của các hệ sinh thái biển là nền tảng cho việc phát triển bền vững một số ngành kinh tế biển dựa vào tài nguyên thiên nhiên như du lịch, thủy sản, y dược biển. Vì vậy, việc xây dựng ĐDSH biển trở thành thương hiệu cho Việt Nam trong hội nhập quốc tế là thực sự cần thiết trong thời điểm hiện nay.

Ngày 26/5/2010, tại Quyết định số 742/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch hệ thống KBTB Việt Nam đến năm 2020 với danh mục 16 KBTB. Đến nay, cả nước đã thành lập và đưa vào hoạt động được 11 mạng lưới KBTB trong tổng số 16 KBTB tại Việt Nam gồm: Cát Bà, Bạch Long Vỹ, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, vịnh Nha Trang, Núi Chúa, Hòn Cau, Côn Đảo, Phú Quốc, Cô Tô - Đảo Trần. Hiện còn 4 khu chưa có hồ sơ phê duyệt là Hòn Mê, Sơn Chà - Hải Vân, Phú Quý, Nam Yết.

z4949813746616_f3d62b3498dc8ad1f1be518a0209301f.jpg
Khu Bảo tồn biển vịnh Nha Trang dần được phục hồi sau thời gian bị suy thoái nghiêm trọng

Tổng diện tích vùng biển đã được bảo tồn đạt 174.748,85ha diện tích biển được bảo tồn và quản lý, chiếm khoảng 0,175% vùng biển tự nhiên Việt Nam, chưa đạt mục tiêu 0,24% theo QĐ 742/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trước nhiều khó khăn, thách thức như ô nhiễm môi trường, khai thác đánh bắt cá quá mức, ĐDSH biển bị đe dọa, đã làm cho công tác bảo tồn biển, gìn giữ ĐDSH biển, ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm môi trường biển cũng như bảo vệ và khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên biển trở nên cấp bách. Trong xu thế hội nhập quốc tế về bảo tồn biển, năm 2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII)đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu phát triển diện tích các KBTB 2030 là 6%, 2045 là 10%. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, trong đó ưu tiên và chú trọng hoạt động bảo tồn thiên nhiên biển và xem nó như một trong những giải pháp để phát triển bền vững kinh tế biển đất nước trong tương lai. Việc duy trì được tính đa dạng hệ sinh thái và các loài sinh vật biển chính là bảo toàn “nguồn vốn tự nhiên”, tạo ra sự phát triển ổn định cho kinh tế biển Việt Nam. Vì vậy, bảo tồn biển và phát triển kinh tế là hai mặt của một vấn đề trong việc phát triển bền vững hướng tới hình thành nền kinh tế biển xanh.

Cần gấp rút thành lập và vận hành hiệu quả hệ thống các KBTB

Để phát huy hiệu quả những tiềm năng vốn có của biển, đồng thời xây dựng nền kinh tế biển xanh, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển, theo TS. Phạm Thị Thùy Linh - Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chúng ta cần tăng cường công tác quản lý và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phục hồi trữ lượng nguồn lợi đặc biệt các loài kinh tế quan trọng, loài đặc hữu, loài quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng.

Đồng thời phải xây dựng kế hoạch tăng quy mô, diện tích các khu vực biển được bảo tồn và bảo vệ nguồn lợi thủy sản góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.

Bên cạnh đó, cần thành lập mới và hoạt động hiệu quả hệ thống mạng lưới các KBTB góp phần bảo vệ hệ sinh thái biển, ven biển và ven đảo; gắn bảo tồn với phát triển du dịch sinh thái biển, góp phần bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái biển và các nguồn tài nguyên biển; bảo vệ không gian di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, phát triển kinh tế du lịch biển.

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý KBTB; xây dựng cơ chế, chính sách phục vụ công tác quản lý và phát triển bền vững, hiệu quả hệ thống KBTB.

Mặt khác, cần tiếp tục củng cố, kiện toàn hệ thống cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức của các ban quản lý KBTB theo hướng thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; Nâng cao hiệu quả chỉ đạo, phối hợp thực hiện giữa các cơ quan Trung ương với địa phương về công tác quản lý bảo tồn biển.

Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, phải có chính sách/dự án chuyển đổi nghề, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh KBTB và khu bảo tồn đất ngập nước ven biển, cộng đồng ngư dân khai thác thủy sản tại vùng ven bờ; điều chỉnh cơ cấu nghề nghiệp khai thác thủy sản phù hợp với nguồn lợi, ngư trường, giảm áp lực khai thác thủy sản ở vùng ven bờ.

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư cho các hoạt động bảo tồn biển, phục hồi hệ sinh thái biển; chính sách cho cộng đồng cư dân tham gia quản lý KBTB được hưởng lợi từ dịch vụ bảo vệ môi trường biển; đồng thời phát triển các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch thân thiện với môi trường tại các KBTB và khu bảo tồn đất ngập nước ven biển.

Minh Thư