Môi trường

Cần nhân rộng mô hình “bẫy rác” trên sông Hồng

Bảo Hà 06/12/2023 - 14:14

Sau 3 năm triển khai Dự án “Giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa trên sông Hồng”, kết quả bước đầu đã thu được hơn 15.000kg rác thải. Trong đó, phần lớn là rác thải nhựa được thu gom từ các "bẫy rác" đặt trên sông Hồng, đã được phân loại và xử lý đảm bảo an toàn.

bay-rac-giao-huong.png
"Bẫy rác" thuộc xã Giao Hương, huyện Giao Thủy

Đó là một trong số những kết quả của Dự án “Giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa (RTN) trên sông Hồng” triển khai thí điểm tại tỉnh Nam Định nhằm giảm nguồn chất thải nhựa từ đất liền trôi ra đại dương, được Trung tâm Bảo tồn sinh vật Biển và Phát triển cộng đồng (MCD) công bố.

Dự án “Giảm thiểu ô nhiễm RTN trên sông Hồng” được Tổ chức Bảo tồn đại dương (OC) tài trợ, Dự án do Trung tâm MCD chủ trì và phối hợp với Sở TN&MT Nam Định, cùng các đối tác triển khai. Trong đó, “bẫy rác” đã được Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thẩm định chuyên môn và cho phép thí điểm. “Bẫy rác” được đặt ở vùng nước ven bờ sông, phục vụ tăng cường quản lý rác thải khu vực ven sông và cửa sông tại Nam Định.

nghien-cuu-phan-loai-rac-tai-bay-rac-nam-thang.png
Người dân địa phương chung tay cùng nhóm nòng cốt đang tiến hành thu gom rác

Trong đó 5 “bẫy rác” được đặt trên sông Hồng thuộc các xã: Mỹ Tân (Mỹ Lộc), Điền Xá, Nam Thắng (Nam Trực), Xuân Thành (Xuân Trường), Giao Hương (Giao Thủy) và 1 “bẫy rác” đặt trên sông Đào thuộc phường Trần Tế Xương (thành phố Nam Định). Kết quả đã thu gom từ các bẫy rác, phân loại, xử lý 15 tấn rác, trong đó RTN chiếm 51,4%; huy động khoảng 4.500 lượt người trực tiếp tham gia các hoạt động dự án; tập huấn, đối thoại, hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực quản lý rác thải rắn và RTN cho trên 800 lượt người; truyền thông các thông tin liên quan về các hoạt động của dự án, nâng cao nhận thức về các nguồn ô nhiễm, thúc đẩy giải pháp xử lý ô nhiễm RTN đến 19 triệu lượt người.

Chị Phạm Thị Cúc - Nhóm nòng cốt vận hành "bẫy rác" xã Xuân Thành, huyện Xuân Trường cho biết, trước đây rác thải phát sinh từ các địa phương tại nguồn theo các con sông chảy vào lưu vực thuộc Nam Định không được thu gom, lượng rác thải theo dòng chảy ra cửa biển, gây tác động ô nhiễm môi trường, tác động đến các hệ sinh thái rừng ngập mặn, nguồn lợi biển tại khu vực cửa sông ven biển gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan. Từ khi biết đến dự án chúng tôi rất ủng hộ và huy động nhiều người dân chung tay để giảm thải chất nhựa ra biển.

ba-pham-thi-cuc-nhom-nong-cot-van-hanh-bay-rac-xuan-thanh.png
Chị Phạm Thị Cúc - Nhóm nòng cốt vận hành bẫy rác xã Xuân Thành, huyện Xuân Trường chia sẻ về kết quả của Dự án.

Cùng chung quan điểm với chị Cúc, anh Đỗ Văn Thiện - Nhóm nòng cốt vận hành bẫy rác xã Giao Hương, huyện Giao Thủy chia sẻ, từ khi triển khai Dự án “Giảm thiểu ô nhiễm RTN trên sông Hồng” đã cải thiện và quản lý chất thải rắn trên sông, ven sông và cửa sông ở khu vực sông Hồng tại Nam Định, nhân dân địa phương các khu vực có đặt bẫy rác cũng đã thay đổi, nhận thức được việc hạn chế xả rác thải, thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt, giảm thiểu tác động đến môi trường các tuyến sông nhất là sông Hồng trong thời gian qua, tôi hy vọng sẽ nhân rộng mô hình “bẫy rác” đến các địa phương khác.

nhom-nong-cot-van-hanh-bay-rac-xa-giao-huong.png
Rác thải nhựa được thu gom từ các "bẫy rác" đặt trên sông Hồng.

Ông Đỗ Quang Trung - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định đánh giá cao về “Dự án Giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa trên sông Hồng” đã hỗ trợ đáng kể trong việc nâng cao sự quan tâm và nhận thức của cán bộ, người dân Nam Định về ô nhiễm rác thải rắn, rác thải nhựa, nhất là khu vực ven sông, cửa sông, ven biển. Tôi hy vọng thời gian tới Nam Định tiếp tục được hỗ trợ để thực hiện nhiều hơn các chương trình, hoạt động thu gom, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường.

Bảo Hà