Việt Nam - Hàn Quốc tăng cường chia sẻ, phối hợp trong lĩnh vực khoáng hoá carbon
(TN&MT) - Ngày 5/12, Diễn Đàn Doanh Nghiệp Hàng Đầu về Khoáng Hóa Carbon Việt Nam - Hàn Quốc lần thứ 7 đã được tổ chức tại Hà Nội.
Sự kiện có sự tham dự của các đại diện đến từ Vụ Khoa học và Công nghệ Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Hàn Quốc, đại diện cơ quan quản lý ở Việt Nam và đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng hoá carbon.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Yang Ki Sung, Tham tán phụ trách Khoa học và Công nghệ của Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam đã gửi lời cảm ơn tới sự hỗ trợ và tham gia tích cực của phía Việt Nam vào quá trình xúc tiến dự án hợp tác về khoáng hoá carbon giữa 2 nước.
Tiếp lời tham tán Yang Ki Sung, ông Đặng Mỹ Cung, Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ TN&MT) cho biết khoáng hóa carbon là vấn đề được cả 2 phía Việt Nam và Hàn Quốc quan tâm. Theo đó, ông mong muốn trong tương lai, hai nước sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai các hoạt động chuyển giao công nghệ.
Diễn đàn lần này, với chủ đề "Hợp tác điều tra và đánh giá về than và các sản phẩm phụ liên quan đến than Việt Nam làm nguyên liệu sản xuất nguyên tố đất hiếm và các nguyên tố quan trọng khác”, nằm trong chương trình Nghiên cứu Khoa học của Đại sứ quán Hàn Quốc - Mỹ (ESFP) tại Việt Nam. Chương trình này là một sự kiện đáng chú ý, đặc biệt trong bối cảnh quốc tế ngày càng nhận thức được vai trò quan trọng của các nguyên tố đất hiếm trong sản xuất hàng tiêu dùng, quốc phòng và các công nghệ năng lượng xanh đang nở rộ hiện nay.
Theo ông Trịnh Hải Sơn - Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, chương trình hợp tác hướng tới khám phá, hiện thực hoá việc sử dụng than và các sản phẩm liên quan làm nguồn cung cấp các nguyên tố đất hiếm và các nguyên tố quan trọng khác.
Sáng kiến này có thể mở ra những con đường hợp tác mới, đóng góp đáng kể vào mục tiêu và kế hoạch của Chính phủ Hàn Quốc, Việt Nam và Mỹ, không chỉ phù hợp với cam kết chung của các quốc gia về phát triển bền vững mà còn mang đến cơ hội khai thác nguồn nguyên tố đất hiếm mới từ vật liệu phế thải được tạo ra từ than đá, có thể có tác động biến đổi đối với các ngành công nghiệp khác nhau.
Trong bối cảnh hiện nay việc phát triển công nghệ tái chế tro than để thu hồi nguyên tố đất hiếm có thể mở ra một hướng đi mới đầy tiềm năng về một chuỗi cung ứng đất hiếm mới trên toàn cầu. Bằng cách tái chế tro than, sản phẩm phụ của quá trình sản xuất điện đốt than, chúng ta sẽ giúp bảo vệ môi trường và giảm phát thải carbon. Đặc biệt, nếu việc chuyển giao công nghệ liên quan cho khu vực tư nhân dẫn đến thương mại hóa sẽ đặt nền móng cho công nghiệp xanh. Điều này phù hợp với một trong những điểm trọng tâm của nghị sự COP28 đang diễn ra tại Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE).
Chia sẻ về kinh nghiệm phía Hàn Quốc, bà Ahn Ji Whan, Giám đốc Trung tâm Hàng đầu Khoáng hóa Carbon, Bộ Khoa học và Công nghệ Thông tin truyền thông Hàn Quốc cho biết cùng với dòng chảy sự phát triển khoa học và công nghệ trên thế giới, từ những năm 2000, ngành công nghiệp sản xuất, sáng chế liên quan đến công nghệ sinh học, tái chế đã có bước phát triển lớn, đặc biệt là công nghệ liên quan đến xử lý chất thải hay loại bỏ kim loại nặng, hướng tới bảo vệ môi trường. Đồng thời, cũng có nhiều quốc gia đang mở rộng nghiên cứu trong lĩnh vực này, đó cũng là tiền đề cho Hàn Quốc mở rộng sự phối hợp này với Việt Nam.
Với sự phát triển này, các công nghệ tái chế, chiết xuất, thu hồi nguyên tố, hướng tới thu hồi các nguyên tố quan trọng như nguyên tố đất hiếm, cũng đang nhận được sự quan tâm đặc biệt trên toàn thế giới.
Hiện tại trên khắp Hàn Quốc đã có 24 trung tâm, viện nghiên cứu hoạt động trong lĩnh vực khoáng hoá carbon. Hàn Quốc cũng là một trong số ít những quốc gia có các nghiên cứu sâu về công nghệ khoáng hoá carbon để thu hồi nguyên tố. Phía Hàn Quốc cũng đã có cơ hội làm việc với Đại học Harvard của Mỹ để thực hiện nghiên cứu và chia sẻ các thành tựu chung.
Với kinh nghiệm này, phía Hàn Quốc mong muốn chia sẻ công nghệ và phối hợp với Việt Nam để cả hai nước cùng tham gia thực hiện nghiên cứu chung. Thông qua nghiên cứu, phía Hàn Quốc hướng tới thương mại hoá các kết quả, mang lại lợi ích về mặt kiến thức và kinh tế cho cả 2 quốc gia.
“Chúng tôi mong muốn chia sẻ nghiên cứu, kinh nghiệm để 2 bên cùng tìm ra điểm chung và cùng phát triển”, bà Ahn Ji Whan nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ diễn đàn, ông Lại Quang Tuấn, Nghiên cứu viên tại Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản và Nghiên cứu sinh tại Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Hàn Quốc đã chia sẻ, phân tích về một số thách thức và chiến lược thực hiện thu hồi nguyên tố đất hiếm trong than.
Cũng tại sự kiện, các chuyên gia từ hai nước đã trình bày, cung cấp một số phân tích toàn diện về các khó khăn khác trong việc phát triển các công nghệ khoáng hóa carbon tại Việt Nam.