TP. Huế: Nỗ lực "xóa" rác thải nhựa
(TN&MT) - TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đang hướng đến đô thị giảm nhựa trong tương lai gần, bằng cách triển khai nhiều giải pháp "xóa" rác thải nhựa, qua đó nâng cao trách nhiệm của mỗi người dân trong bảo vệ môi trường, tăng tỷ lệ tái chế, góp phần làm cho vùng đất Cố đô thêm sáng - xanh - sạch.
Đa dạng cách làm
Sau khi mở rộng địa giới hành chính, lượng rác thải sinh hoạt ở TP. Huế đang gia tăng nhanh, khoảng 407,2 tấn/ngày, trong đó, rác thải nhựa chiếm hơn 15,4%, gây sức ép về môi trường và mỹ quan đô thị, vì thế, vấn đề phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đang là yêu cầu cấp bách được TP. Huế chú trọng và đẩy mạnh triển khai. Trong đó, Dự án "Huế - Đô thị Giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam" do Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) xây dựng, tài trợ và thực hiện là một điển hình.
Qua 1 năm triển khai chương trình phân loại CTRSH tại nguồn trong khuôn khổ dự án, tại TP. Huế, đến nay đã có 468 thùng lưu chứa 240l bố trí tại 156 điểm công cộng trên địa bàn 23 phường; 156 thùng 120l đặt tại các đơn vị trường học, các cơ quan, tổ chức nhằm tạo điều kiện để thực hiện phân loại rác.
UBND TP. Huế đã chỉ đạo Phòng TN&MT in, cung cấp 70.000 tờ rơi tuyên truyền phân loại rác tại nguồn để các phường, xã cấp phát cho các hộ gia đình. Tổ chức WWF - Việt Nam hỗ trợ xây dựng, cấp phát cho lực lượng tuyên truyền viên cấp phường tài liệu, video hướng dẫn, 1.500 quyển sổ tay hướng dẫn tuyên truyền về phân loại CTRSH tại nguồn.
Dự án đã tổ chức các sự kiện truyền thông lớn về phân loại rác tại nguồn và giảm rác thải nhựa. Nổi bật như chiến dịch "Người dùng hiện đại, không ngại giảm nhựa" tuyên truyền kêu gọi người dân mang theo đồ đựng cá nhân khi mua sắm và hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần, chiến dịch đã thu hút hàng chục doanh nghiệp đồng hành và hàng ngàn người dân hưởng ứng. Sự kiện Hue Plogging 2023 - đi bộ nhặt rác - thu hút 300 người tham gia xóa điểm nóng tại biển Hải Dương và tuyên truyền về việc giảm thiểu rác thải nhựa. Sự kiện tôn vinh người làm “nghề ve chai” và cuộc thi "Tôi trân quý người làm nghề ve chai" 2023 thu hút sự tham gia của hàng trăm hội viên phụ nữ nhằm nêu bật vai trò của những người thu gom rác tự do trong việc phân loại rác và giảm thiểu rác nhựa thất thoát ra môi trường...
Tại các trường học ở TP. Huế, nhiều hoạt động đa dạng như rung chuông vàng, thi vẽ tranh về phân loại rác và giảm nhựa, hội trại với chủ đề bảo vệ môi trường, tổ chức thu gom rác thải ven biển... đã diễn ra thường xuyên. Các tiết dạy học về môi trường, giảm nhựa, phân loại rác đã được giáo viên lồng ghép vào các môn học chính khóa.
Thông qua Dự án "Huế - Đô thị Giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam", đã có 43 trường học áp dụng thí điểm mô hình trường học giảm nhựa; hơn 29.500 túi phân loại được phân phát tại các hộ gia đình; 260 thùng đựng rác nguy hại được đầu tư đồng bộ ở 24 phường, xã để thu gom rác, bao bì thuốc bảo vệ thực vật; 53 mô hình Ngôi nhà xanh để vận động người dân tăng cường thu gom rác tái chế...
Bên cạnh đó, Trung tâm Thông tin Môi trường được thành lập tại 46 Trần Phú, TP. Huế vào tháng 5/2022 gồm 3 khu vực chính gồm khu trung tâm, khu trưng bày và khu trò chơi trải nghiệm với nhiều hình ảnh, tư liệu, video về phân loại rác tại nguồn, các sáng kiến tái chế rác thải nhựa... Trung tâm đã tổ chức nhiều hoạt động như Ngày hội Tái chế, sự kiện hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới, cuộc thi "Anh hùng giảm nhựa" và tôn vinh người thu gom rác,... thu hút hàng ngàn người đến tham quan.
Dự án cũng hợp tác với Trung tâm Giám sát, Điều hành đô thị thông minh Thừa Thiên - Huế (Hue IOC) thí điểm kết nối đồng bộ 17 camera ở các phường, xã với hệ thống điều hành đô thị thông minh của Trung tâm nhằm phát hiện các trường hợp vi phạm về môi trường và xả rác không đúng nơi quy định trên địa bàn TP. Huế. Ngoài ra, lắp đặt thêm 29 camera giám sát hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường, xả rác thải bừa bãi tại 10 phường, xã khác.
Hình thành đô thị giảm nhựa
Phó Chủ tịch UBND TP. Huế Trần Song cho rằng, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế nói chung và TP. Huế nói riêng đã tổ chức, tham gia nhiều hoạt động để bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa, nổi bật là phong trào "Ngày Chủ nhật xanh - nói không với rác thải nhựa". Dù đã có nhiều nỗ lực, song công tác thu gom rác thải nhựa vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc do nhiều hộ dân chưa nhận thức và quan tâm đến phong trào chống rác thải nhựa nên thành phố vẫn đang đối mặt với thách thức về môi trường, đặc biệt là vấn đề quản lý chất thải rắn. Do đó, Dự án "Huế - Đô thị Giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam" sẽ hỗ trợ thành phố bảo vệ các dòng sông và hệ sinh thái các vùng đất ngập nước và ven biển không bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa, thông qua các biện pháp can thiệp với sự tham gia của các bên liên quan bao gồm các khối công tư, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng địa phương.
"TP. Huế cam kết đến năm 2024 sẽ trở thành đô thị giảm nhựa với 70% chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý, đồng thời rác tái chế từ bãi chôn lấp được đẩy mạnh thu hồi, mong muốn đưa Huế trở thành một điểm đến không rác nhựa vào năm 2030, qua đó cũng góp phần quảng bá, giữ vững hình ảnh của Huế với các danh hiệu “Thành phố bền vững môi trường Asean"; "Thành phố Xanh quốc gia", đô thị Huế "Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường"..., ông Song chia sẻ.
Theo bà Hoàng Ngọc Tường Vân - đại diện WWF - Việt Nam tại Huế, dự án đang thực hiện rất tốt và đơn vị sẽ cam kết hỗ trợ TP. Huế thực hiện bằng cách khuyến khích và tạo điều kiện tham gia cho các bên liên quan, cung cấp các hướng dẫn triển khai và hỗ trợ nguồn lực, sắp tới sẽ hỗ trợ nghiên cứu giải pháp sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc phát hiện các hành vi vi phạm vệ sinh môi trường thông qua giám sát camera; xây dựng các bản đồ số điểm nóng rác thải nhựa và bản đồ số các điểm cung cấp dịch vụ như nhà hàng, khách sạn "xanh"... Tất cả nhằm đạt được mục tiêu không còn rác thải nhựa ngoài môi trường tự nhiên ở TP. Huế vào năm 2030.