Thẩm định kết quả đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển khu B1 tỉnh Sóc Trăng
(TN&MT) - Sáng 4/12 tại Hà Nội, ông Trần Bình Trọng, Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định “Báo cáo kết quả đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển khu B1” thuộc Dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long”.
Dự án do Bộ TN&MT triển khai xây dựng, phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh, giao Cục Địa chất Việt Nam, trực tiếp là Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển chủ trì cùng các đơn vị phối hợp thực hiện.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Tiến Thành - Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển cho biết, công tác đánh giá tài nguyên khoáng cản cát biển tại khu B1 tỉnh Sóc Trăng là nhiệm vụ cấp bách, điều kiện thi công trên biển phức tạp, yêu cầu hoàn thành gấp. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo sát sao, quyết liệt của Bộ TN&MT, Cục Địa chất Việt Nam và sự cố gắng nỗ lực của đơn vị thực hiện, Liên đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ, đáp ứng tiến độ, chất lượng, an toàn, đạt mục tiêu đề ra.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Vũ Tất Tuân - Chủ nhiệm dự án thuộc Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển cho biết: Liên đoàn đã đánh giá rõ và tin cậy về địa hình, địa mạo; địa chất; tài nguyên cát biển; địa chất môi trường, tai biến địa chất, thủy thạch động lực. Trên cơ sở đó, Liên đoàn đề xuất diện tích 32km2 chuyển sang giai đoạn khai thác với tài nguyên cấp 222 là 143 triệu m3.
Liên đoàn cũng đề xuất triển khai công tác khai thác cát biển tại khu vực đề xuất, trước khai thác cần thực hiện công tác đánh giá tác động môi trường đầy đủ theo quy định, đặc biệt là mô hình tác động. Đồng thời, triển khai khu B2, B4 làm vật liệu xây dựng trong năm 2024.
Các ủy viên phản biện và thành viên Hội đồng đã đánh giá cao kết quả đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển khu B1, đồng thời góp ý cho một số nội dung của dự án. PGS.TS. Nguyễn Phương - Tổng hội Địa chất Việt Nam, ủy viên phản biện cho biết, báo cáo kết quả đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển khu B1 đủ cơ sở để đánh giá chất lượng và tính tài nguyên cát làm vật liệu san lấp ở cấp 333, bước đầu đánh giá khả năng sử dụng trong lĩnh vực san lấp; đồng thời đã đề xuất khu vực chuyển sang khai thác và sơ bộ đánh giá hiện trạng môi trường vùng biển khu B1 và đề xuất giải pháp khắc phục. Về cơ bản, báo cáo đã hoàn thành mục tiêu và nhiệm vụ theo dự án được phê duyệt.
PGS.TS. Hoàng Văn Long, Viện Dầu khí Việt Nam, cũng là ủy viên phản biện đánh giá, giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành đầy đủ các nội dung nghiên cứu theo đề cương và kế hoạch thi công đã được phê duyệt. Sản phẩm của dự án đầy đủ, đúng chủng loại. Hơn nữa, kết quả thu được đạt mục tiêu đề ra, phục vụ cho các yêu cầu trực tiếp từ thực tế sản xuất là cung cấp vật liệu san lấp cho các dự án đường cao tốc vùng Đông Nam Bộ. Sản phẩm và kết quả thu được đạt yêu cầu về chuyên môn, đầy đủ thông tin và đạt được mức độ tin cậy tương ứng với mạng lưới điều tra ở khu vực B1.
Góp ý cho báo cáo, ông Lê Văn Lượng, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia, thành viên Hội đồng thẩm định đã đề cập đến những kết quả nổi bật như: chất lượng khoan tốt; lấy và phân tích mẫu đảm bảo độ tin cậy; tính được tài nguyên ở mỏ; đề xuất được diện tích có triển vọng; kiến nghị công suất, thời gian, phương pháp khai thác.
Ông cho rằng đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ cần nghiên cứu bổ sung lĩnh vực sử dụng trước khi đưa vào khai thác, sử dụng cát. Đồng thời, đơn vị lưu ý khoáng sản titan sa khoáng đi kèm cát, các vị trí có hàm lượng cao, cần tiến hành thu hồi để tránh lãng phí tài nguyên.
Ông Nguyễn Trường Giang, Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam, thành viên Hội đồng kiến nghị Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển bổ sung, tiếp tục nghiên cứu đánh giá tác động môi trường nước biển, tác động vùng bờ, mức độ biến đổi tích tụ đáy biển; đồng thời, xem lại việc đánh giá tài nguyên 222 theo quy định.
Kết luận cuộc họp, ông Trần Bình Trọng, Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng thẩm định đánh giá, báo cáo được lập trên cơ sở tài liệu điều tra, thi công các công tác địa chất, địa vật lý, khoan và các công tác khác theo đề án đã được Bộ TN&MT phê duyệt đủ độ tin cậy, phù hợp với quy định kỹ thuật; làm rõ đặc điểm địa hình, địa mạo đáy biển, thủy động lực và đặc điểm địa chất, môi trường, tai biến địa chất khu vực nghiên cứu; dự báo việc khai thác ở diện tích lựa chọn với độ sâu đến 3m sẽ có tác động, ảnh hưởng đến vùng biển 0 - 10m nước nhưng không lớn, không có nguy cơ làm xói lở bờ biển hoặc gây ra sự cố môi trường.
Theo Cục trưởng Trần Bình Trọng, Liên đoàn đã lựa chọn được khu vực diện tích 32 km2 có khoáng sản cát làm vật liệu san lấp với tài nguyên cấp 222 là 142,5 triệu m3, khả thi để chuyển sang giai đoạn thăm dò khai thác.
Bên cạnh đó, kết quả năm 2023 của dự án còn tạo cơ sở khoa học để bổ sung, hoàn thiện quy định kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật về điều tra, đánh giá, thăm dò khoáng sản cát biển; đồng thời củng cố, nâng cao năng lực điều tra địa chất, khoáng sản biển…
Với những ý kiến trên, Hội đồng thẩm định đã thông qua kết quả báo cáo, với yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung theo góp ý của các ủy viên phản biện và thành viên Hội đồng.
Cụ thể, Hội đồng kiến nghị Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển biên tập lại báo cáo theo kết quả, bản vẽ và tài liệu kèm theo diện tích B1 theo Biên bản kết luận của Hội đồng, khẩn trương lập báo cáo giải trình tiếp thu kèm theo.
Đồng thời, bổ sung các văn bản pháp lý phê duyệt, quy định kỹ thuật của đề án; tiêu chuẩn, quy chuẩn về vật liệu san lấp nền đường (TCVN:9436); bổ sung tài liệu tham khảo, trích dẫn đầy đủ nguồn; biên tập rõ mục tiêu, nhiệm vụ, chỉ tập trung cho diện tích B1 đã thực hiện năm 2023; cân nhắc, lưu ý về pháp lý và môi trường…