Môi trường

Hợp tác giữa các quốc gia giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí và lắng đọng axit

Hoài Thu 04/12/2023 - 08:37

(TN&MT) - Hiện nay, tình trạng ô nhiễm không khí và lắng đọng axit đã và đang làm suy thoái môi trường sống tự nhiên cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người. Đây là vấn đề cấp bách của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Vì vậy, sự hợp tác giữa các Quốc gia trong việc giải quyết tình trạng này đóng vai trò quan trọng và mang ý nghĩa chiến lược.

Chia sẻ tại Hội nghị liên Chính phủ của Mạng lưới Giám sát lắng đọng axit vùng Đông Á (EANET) lần thứ 25 do Viện Khoa học Khí tượng thuỷ văn và Biến đổi khí hậu (KTTV&BĐKH), Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa tổ chức, bà Marlene Nilsson - Phó Giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết: Nhằm thúc đẩy các hoạt động bền vững, chia sẻ kiến thức và xây dựng năng lực cần thiết để bảo vệ môi trường chung, Mạng lưới EANET đã thực hiện nhiều nhiệm vụ giám sát và tham gia nghiên cứu, xây dựng năng lực và thiết lập tiêu chuẩn mới cho cơ chế khu vực, cũng như hoạch định chính sách ở các nước thành viên EANET hướng tới một môi trường lành mạnh và con người khỏe mạnh hơn.

anh-chup-man-hinh-2023-12-03-luc-18.47.13.png
Bà Marlene Nilsson – Phó Giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP)

Theo bà Marlene Nilsson, việc nghiên cứu, giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm không khí cần được dựa trên những dữ liệu có sẵn và các nguồn thông tin phù hợp, thông qua tiến hành nghiên cứu kiểm kê phát thải và phân bổ nguồn phát thải để hiểu rõ nhất vấn đề ô nhiễm không khí, đồng thời xác định các nguồn ô nhiễm không khí chính. Những nghiên cứu như vậy bao gồm phân tích khí tượng và lập mô hình ô nhiễm không khí để hiểu được diễn biến của ô nhiễm không khí so với tác động của nó đối với sức khỏe và hệ sinh thái.

Bên cạnh đó, Mạng lưới giám sát lắng đọng axit ở Đông Á (EANET) đang thực hiện một số dự án nhằm nâng cao năng lực của các quốc gia thành viên EANET về quản lý chất lượng không khí, bằng cách hỗ trợ nghiên cứu và đào tạo các quan chức Chính phủ, phát triển chính sách, hướng dẫn sử dụng cảm biến chi phí thấp và phát triển các tiêu chuẩn môi trường về hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC).

UNEP còn hỗ trợ các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc giải quyết ô nhiễm không khí, thông qua các quy trình của Hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc, nơi các nghị quyết toàn cầu về cải thiện chất lượng không khí được thông qua, cũng như thông qua hỗ trợ kỹ thuật cung cấp cho các quốc gia và thành phố. UNEP cũng chủ trì Ban Thư ký của Liên minh Khí hậu và Không khí sạch, nơi cung cấp hỗ trợ kỹ thuật đáng kể cho các quốc gia và thành phố để giải quyết các chất gây ô nhiễm khí hậu trong thời gian ngắn.

Tại phiên họp thứ 25 của Cuộc họp liên chính phủ về EANET đưa ra việc hoạch định chính sách ở các nước thành viên EANET, nhằm thúc đẩy công việc của EANET hướng tới bảo vệ môi trường sống xanh, cải thiện sức khoẻ con người và xác định các hành động của EANET năm 2024 trong việc giải quyết các vấn đề về chất lượng không khí.

anh-chup-man-hinh-2023-12-03-luc-18.47.44.png
Ông Bert Fabian – Điều phối viên Ban Thư ký EANET đánh giá Kế hoạch trung hạn

Ở một góc độ khác, đánh giá kế hoạch trung hạn của EANET giai đoạn 2021 - 2025 và đề xuất các điểm hành động của NC, ông Bert Fabian - Điều phối viên Ban Thư ký EANET cho biết, EANET đã sử dụng các hoạt động ở cấp dự án để hỗ trợ tham gia nghiên cứu vấn đề rộng hơn về giám sát và quản lý chất lượng không khí, nhằm tích hợp vào đề xuất giữa kỳ (MTP) giai đoạn 2026 – 2030, trong đó, để phát triển kế hoạch quản lý và cung cấp thông tin cho quá trình chuyển đổi các phương án hành động, cần dựa trên những bài học kinh nghiệm từ các sáng kiến cấp dự án của các nước thành viên, và quan trọng hơn là dựa trên kết quả hay việc áp dụng phương pháp tiếp cận vào việc thiết kế, triển khai và đánh giá các hoạt động cốt lõi của Cơ chế Quỹ Dự án EANET.

Cùng với đó, việc phối hợp với UNEP sẽ giúp EANET phát triển và mở rộng phạm vi sử dụng năng lực kỹ thuật và chiến lược cho các hoạt động chung của EANET, tăng cường mối liên kết với các quốc gia và khu vực trong việc quản lý chất lượng không khí toàn cầu, xử lý vấn đề lắng đọng axit và nâng cao năng lực thể chế, chính sách trong khu vực.

Đồng thời, nhằm tạo cơ hội phát triển cộng đồng Mạng lưới Giám sát lắng đọng axit, EANET cần xây dựng các chiến lược, công cụ cải thiện khả năng hiển thị và tìm kiếm trang web cho cộng đồng thực hành trực tuyến, chuẩn bị kế hoạch ứng phó quản lý bao gồm các hoạt động được đề xuất và các yêu cầu về phân bổ nguồn lực.

Thay mặt ông Mohan Kumar Sammathuria - Chủ tịch Ủy ban tư vấn khoa học phiên họp thứ 23 (SAC 23), đại diện Ban Thư ký EANET báo cáo về kết quả phiên họp, trong đó, nội dung báo cáo nhấn mạnh chủ yếu về tầm quan trọng của hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết các thách thức môi trường và đề xuất những phương án phù hợp cho Hội nghị Môi trường Liên Hợp Quốc sẽ diễn ra vào năm 2024, với chủ đề xoay quanh biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường.

anh-chup-man-hinh-2023-12-03-luc-18.45.22.png
Đại diện Ban Thư ký EANET thay mặt Chủ tịch Ủy ban tư vấn khoa học SAC 23 báo cáo về kết quả phiên họp

Nhằm giải quyết tình trạng về lắng đọng axit và ô nhiễm không khí, quan hệ đối tác với các sáng kiến của tổ chức sẽ giúp thúc đẩy, bổ sung xây dựng nhiều giải pháp cho chất lượng không khí.

Qua đó, các hoạt động chính của EANET được thực hiện vào năm 2023 bao gồm Kế hoạch tóm tắt Giám sát các Quốc gia tham gia Mạng lưới lắng đọng axit năm 2023, các hoạt động khảo sát, so sánh giữa các phòng thí nghiệm, soạn thảo báo cáo dữ liệu năm 2022, cùng các hoạt động của Dự án đã hoàn thành năm 2022, 2023 trong việc nghiên cứu, nâng cao năng lực, đào tạo theo nhóm chủ đề kiểm kê phát thải, dự báo chất lượng không khí,…

Trong đó, giám sát địa điểm nền là rất quan trọng đối với quy mô khu vực của EANET, vì vậy, để đề xuất cho chương trình hoạt động năm 2024, việc xây dựng các trạm từ xa/ ở nền là chìa khoá cho các công tác nghiên cứu, nhằm phát hiện ra những chất gây ô nhiễm, từ đó phát triển các khả năng xử lý và đóng góp vào chu trình phát hiện ni – tơ, giải quyết vấn đề về lắng đọng khí quyển. Năm 2023, Philipines đã đề cử thêm 3 trạm quan trắc tự động mới vào EANET, SEC giúp giám sát và đưa ra đánh giá tổng hợp rõ nét nhất đối với chất lượng của không khí, sử dụng cảm biến chi phí thấp và phát triển các tiêu chuẩn môi trường cho các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi.

Tại Việt Nam, việc nghiên cứu, phát triển dữ liệu về thành phần hoá học PM và mô hình thụ thể PM 2.5 là rất quan trọng bởi, đặc điểm thành phần hữu cơ của PM 2.5 ở Việt Nam cho thấy sự góp phần đáng kể của nguồn đốt sinh khối, giúp chuyển đổi được năng lượng sinh học từ các nguồn năng lượng tái tạo (rác thải hữu cơ, rơm, củi,…) để sản xuất năng lượng nhiệt hoặc điện. Bằng cácg đốt các vật liệu sinh học này trong môi trường không khí có kiểm soát để tạo ra nhiệt độ cao và áp suất, sinh ra năng lượng.

SAC và EANET nhấn mạnh việc sử dụng lò đốt sinh khối ở Việt Nam sẽ có ảnh hưởng lớn đến ngành công nghiệp sản xuất năng lượng tái tạo, giúp giảm thiểu lượng khí thải độc hại vào môi trường và góp phần bảo vệ sức khoẻ con người cũng như môi trường sống. Do đó, cần nghiên cứu các cách thực hiện phát triển nguồn đốt sinh khối một cách hiệu quả và bền vững.

Hoài Thu