Môi trường

Phổ biến chính sách EPR cho doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam

Phạm Oanh 01/12/2023 - 17:07

(TN&MT) - Ngày 1/12, Văn phòng Hội đồng EPR Quốc gia đã phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI), Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo phổ biến chính sách và quy định EPR cho các thành viên của JCCI.

Tại Hội thảo, Tiến sĩ Phan Tuấn Hùng – Giám đốc Văn phòng Hội đồng EPR Quốc gia cho biết, EPR là một công cụ kinh tế tuân theo nguyên tắc thị trường và một cách tiếp cận chính sách mới nhằm tìm kiếm giải pháp tài chính để xử lý vấn đề chất thải, đồng thời EPR thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, đem lại cơ hội kinh tế, việc làm cho xã hội và giúp Chính phủ đạt được các mục tiêu về môi trường. Nếu thực hiện đúng, đầy đủ các yêu cầu của EPR sẽ giúp chúng ta đảm bảo sự khép kín, tuần hoàn tài nguyên giữa nguồn nguyên liệu đầu vào và chất thải sinh ra trong quá trình hoạt động sản xuất, hướng tới mục tiêu không phát thải (zero waste).

anh-1(3).jpg
Tiến sĩ Phan Tuấn Hùng – Giám đốc Văn phòng Hội đồng EPR Quốc gia phát biểu tại Hội thảo

Theo đại diện của Văn phòng Hội đồng EPR Quốc gia, Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định nhà sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm Tái chế sản phẩm, bao bì - áp dụng đối với sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế (Điều 54) và Trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải - áp dụng đối với sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế, gây khó khăn cho thu gom, xử lý chất thải (Điều 55).

Về trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì: Nhà sản xuất, nhập khẩu 6 nhóm sản phẩm, bao bì bao gồm: săm lốp, pin và ắc quy, dầu nhớt, các sản phẩm có bao bì (như thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, xi măng, chất tẩy rửa và chế phẩm dùng trong gia dụng, nông nghiệp, y tế); điện và điện tử; phương tiện giao thông thì phải có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì theo một tỷ lệ tái chế bắt buộc và theo quy cách tái chế bắt buộc (tùy theo từng loại sản phẩm, bao bì cụ thể).

Nhà sản xuất, nhập khẩu có thể tự tổ chức tái chế hoặc có thể đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ hoạt động tái chế. Nhà sản xuất, nhập khẩu 04 nhóm sản phẩm, bao bì (săm lốp, pin và ắc quy, dầu nhớt và các sản phẩm có bao bì) phải thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2024; nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử phải thực hiện trác nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2025 và nhà sản xuất, nhập khẩu phương tiện giao thông (ô tô, xe máy) phải thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2027.

Về trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải: nhà sản xuất, nhập khẩu 6 nhóm sản phẩm, bao bì có trách nhiệm đóng góp tài chính hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải, bao gồm: thuốc bảo vệ thực vật, pin sử dụng một lần, tã bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt dùng một lần, kẹo cao su, thuốc lá, một số sản phẩm, hàng hóa chứa thành phần nhựa tổng hợp (như bóng bay, đồ chơi trẻ em, giầy dép, quần áo, đồ nhựa dùng một lần, đồ dùng một lần, đồ nội thất, vật liệu xây dựng, túi nilong khó phân hủy kích thước nhỏ…). Nhà sản xuất, nhập khẩu phải đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải từ ngày 1/1/2022.

anh-2(3).jpg
Toàn cảnh Hội thảo

Tiền đóng góp của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam được quản lý, sử dụng công khai, minh bạch và đúng mục đích. Theo đó, tiền đóng góp của nhà sản xuất, nhập khẩu chỉ dùng để hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động tái chế sản phẩm, bao bì hoặc hoạt động thu gom, xử lý chất thải (không sử dụng vào mục đích khác), khác với thuế hay phí bảo vệ môi trường.

Cũng tại Hội thảo, ông Kubo Yoshitomo, Phó trưởng đại diện Văn phòng Việt Nam của JICA cho biết, Chính phủ Nhật Bản nói chung và các doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng luôn ủng hộ và mong muốn được hỗ trợ xây dựng các chính sách về bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Đối với chính sách EPR, đây là chính sách tiến bộ và cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản đã chủ động tiếp cận và sẵn sàng thực thi nghiêm túc, đầy đủ.

Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến chính sách và việc thực thi chính sách EPR cho đại diện Văn phòng Hội đồng EPR Quốc gia. Trong đó, vấn đề được quan tâm và trao đổi nhiều nhất là việc phân định và định nghĩa thế nào là doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu có trách nhiệm thực hiện trách nhiệm EPR. Theo đại diện của Văn phòng Hội đồng EPR Quốc gia, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm phải thực hiện hiện trách nhiệm EPR là các doanh nghiệp chịu trách nhiệm về hàng hóa đưa ra thị trường theo đúng quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa…

Phạm Oanh