Thế giới

Biến đổi khí hậu đe dọa cuộc chiến toàn cầu chống lại bệnh sốt rét

Mai Đan 01/12/2023 - 14:54

(TN&MT) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa cảnh báo biến đổi khí hậu và các tác động của nó, đặc biệt là thời tiết khắc nghiệt và sóng nhiệt sẽ gây tác động đáng kể đến tiến độ của cuộc chiến chống bệnh sốt rét.

Số ca sốt rét gia tăng gây nhiều tác động

Công bố Báo cáo Sốt rét Thế giới năm 2023 khi các quốc gia tập trung tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc, COP28, WHO cho biết mặc dù khả năng tiếp cận phòng chống sốt rét đã mở rộng hơn nhưng ngày càng có nhiều người mắc bệnh.

WHO ghi nhận 249 triệu trường hợp mắc bệnh sốt rét vào năm 2022, tăng 2 triệu so với năm 2021 và vượt mức 233 triệu người vào năm 2016. Điều đó chủ yếu là do sự gián đoạn sức khỏe cộng đồng do COVID-19 gây ra, khủng hoảng nhân đạo, tình trạng kháng thuốc cũng như tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu.

image1170x530cropped-17-.jpg
Người mẹ ở vùng nông thôn Uganda đặt đứa con một tuổi vào giường trong màn chống muỗi. Ảnh: UNICEF

Báo cáo của WHO cũng đề cập sâu đến mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và bệnh sốt rét, lưu ý những thay đổi về hành vi và tỷ lệ sống sót tăng lên của muỗi Anopheles thông qua nhiệt độ, độ ẩm và lượng mưa tăng lên.

Theo WHO, các hiện tượng thời tiết cực đoan, như sóng nhiệt và lũ lụt, cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự lây truyền và gánh nặng bệnh tật. Cơ quan này dẫn chứng, trận lũ lụt thảm khốc năm 2022 ở Pakistan đã khiến số ca sốt rét ở nước này tăng gấp 5 lần. Ethiopia, Nigeria, Papua New Guinea và Uganda cũng ghi nhận số ca sốt rét gia tăng đáng kể.

Theo ông Peter Sands, Giám đốc điều hành Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, lao phổi và sốt rét, số ca mắc sốt rét đã tăng mạnh sau các trận lụt ở Pakistan và bão ở Mozambique năm 2021. Ông nhấn mạnh: “Bất cứ đâu có hiện tượng thời tiết cực đoan thì nơi đó bệnh sốt rét gia tăng.” Sự gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan tạo ra những hồ nước lớn cho muỗi sinh sản chính là nơi sống của những người nghèo dễ bị tổn thương. Ông Sands khẳng định biến đổi khí hậu cũng đang thay đổi địa bàn hoạt động của muỗi. Những vùng cao nguyên ở châu Phi, tại Kenya và Ethiopia, từng là nơi muỗi không thể sống được, giờ đã trở thành những ổ dịch sốt rét.

WHO cũng tuyên bố biến đổi khí hậu có thể có tác động gián tiếp đến xu hướng sốt rét, do các yếu tố như giảm khả năng tiếp cận các dịch vụ sốt rét thiết yếu và sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng màn tẩm thuốc và vắc xin.

Ngoài ra, sự dịch chuyển dân số liên quan đến biến đổi khí hậu cũng có thể dẫn đến gia tăng các ca sốt rét khi những cá nhân không có khả năng miễn dịch di cư đến các vùng đang có dịch bệnh.

Nỗ lực phối hợp giải quyết hàng loạt mối đe dọa

Trong khi biến đổi khí hậu gây ra rủi ro lớn, WHO cũng nhấn mạnh cần phải thừa nhận vô số mối đe dọa khác đối với cuộc chiến chống lại bệnh sốt rét.

“Biến đổi khí hậu gây ra rủi ro đáng kể, nhưng chúng ta cũng phải đối mặt với những thách thức như khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe hạn chế, các cuộc xung đột cũng như những tình huống khẩn cấp đang diễn ra, tác động kéo dài của COVID-19 đối với việc cung cấp dịch vụ, nguồn tài trợ không đầy đủ và việc thực hiện không đồng đều các biện pháp can thiệp chống sốt rét của chúng ta”, Giám đốc Khu vực châu Phi của WHO Matshidiso Moeti cho biết.

Theo bà Matshidiso Moeti, để hướng tới một tương lai không có bệnh sốt rét, chúng ta cần nỗ lực phối hợp để giải quyết những mối đe dọa này nhằm thúc đẩy sự đổi mới, huy động nguồn lực và các chiến lược hợp tác.

Báo cáo đã trích dẫn những thành tựu như việc triển khai theo từng giai đoạn vắc xin sốt rét đầu tiên được WHO khuyến nghị, RTS, S/AS01, ở ba quốc gia châu Phi. Theo WHO, một đánh giá đã cho thấy tỷ lệ mắc bệnh sốt rét nghiêm trọng giảm đáng kể và tỷ lệ tử vong ở trẻ nhỏ do mọi nguyên nhân giảm 13% ở những khu vực đã tiêm vắc xin so với những khu vực chưa tiêm vắc xin.

ka2wrkyg5bndlh6xv34djgt5vu.jpg
Bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết ngồi trong màn chống muỗi tại Bệnh viện Dịch vụ Chính phủ Sindh ở Karachi, Pakistan. Ảnh: Reuters

Ngoài ra, vắc xin sốt rét an toàn và hiệu quả thứ hai, R21/Matrix-M, đã được phê duyệt vào tháng 10/2023, dự kiến sẽ tăng nguồn cung và cho phép triển khai vắc xin trên quy mô lớn trên khắp châu Phi, nơi tập trung hầu hết các ca bệnh.

WHO nhấn mạnh cần phải có một “trục xoay quan trọng” trong cuộc chiến chống lại bệnh sốt rét, với việc tăng cường nguồn lực, tăng cường cam kết chính trị, các chiến lược dựa trên dữ liệu và đổi mới tập trung vào việc phát triển các sản phẩm hiệu quả và giá cả phải chăng hơn.

Tổ chức này kêu gọi: “Mối đe dọa gia tăng của biến đổi khí hậu đòi hỏi các nỗ lực chống lại bệnh sốt rét ngày càng mạnh mẽ hơn, phù hợp với nỗ lực giảm tác động của biến đổi khí hậu. Sự tham gia của toàn xã hội là rất quan trọng để xây dựng các phương pháp tiếp cận tích hợp”.

Biến đổi khí hậu đe dọa tiến trình chống lại bệnh sốt rét, đặc biệt là ở các khu vực dễ bị tổn thương. Các nỗ lực bền bỉ và kiên cường chống lại bệnh sốt rét là cần thiết hơn bao giờ hết, cùng với các hành động khẩn cấp nhằm làm chậm tốc độ nóng lên toàn cầu và giảm tác động của nó.

Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO

Trước đó, ông Peter Sands, Giám đốc điều hành Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, lao phổi và sốt rét từng cảnh báo, biến đổi khí hậu và xung đột đang ảnh hưởng đến nỗ lực giải quyết ba căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất thế giới là AIDS, lao phổi và sốt rét.

Theo báo cáo kết quả năm 2023 của Quỹ này, các nỗ lực và sáng kiến quốc tế nhằm chống lại những căn bệnh này phần lớn đã phục hồi sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, ông Peter Sands cho rằng những thách thức ngày càng tăng của biến đổi khí hậu và xung đột khiến thế giới có thể sẽ bỏ lỡ mục tiêu chấm dứt những căn bệnh nguy hiểm trên vào năm 2030 nếu không có “những giải pháp đặc biệt”.

Mai Đan