Biến đổi khí hậu

Khẳng định quan điểm ứng phó biến đổi khí hậu

Khánh Ly (thực hiện) 30/11/2023 - 08:12

(TN&MT) - Hội nghị lần thứ 28 của các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đối khí hậu (COP28) là một trong những hội nghị quốc tế lớn nhất và quan trọng nhất trong năm 2023. Xung quanh các nội dung trọng tâm của Hội nghị và sự tham gia của Đoàn Việt Nam, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT).

PV: Thưa ông, ông có thể chia sẻ về các nội dung quan trọng mà các Bên sẽ cùng thảo luận, đàm phán tại COP28?

z4927197499053_2a0b0e606818827d1f9d56a48b593422.jpg
Ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT)

Ông Phạm Văn Tấn: Năm 2023, đại diện 197 quốc gia bao gồm người đứng đầu Chính phủ và các nhà lãnh đạo thế giới, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, nhóm thanh niên và các bên liên quan khác sẽ tham dự Hội nghị COP28. Mục tiêu lớn nhất của Hội nghị là tiếp tục thúc đẩy các Bên giảm mạnh phát thải khí nhà kính (KNK) và đưa phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ, thông qua xây dựng các tiêu chuẩn, biện pháp giảm phát thải và đảm bảo việc thực hiện.

Tiếp nối các kết quả tại COP27 năm 2022, COP28 sẽ thảo luận xây dựng tuyên bố loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng như là biện pháp trọng tâm thực hiện giảm phát thải để đạt mục tiêu ở ngưỡng 1,5oC vào cuối thế kỷ. Về thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), Hội nghị tiếp tục hoàn thiện khung mục tiêu thích ứng toàn cầu và tiếp tục thảo luận về các giải pháp để giải quyết vấn đề tổn thất và thiệt hại, cơ chế vận hành và đóng góp nguồn lực cho Quỹ Tổn thất và thiệt hại đã được thành lập tại COP27.

Về tài chính khí hậu, Hội nghị sẽ tiếp tục xem xét tiến độ thực hiện mục tiêu huy động 100 tỷ đô la mỗi năm lẽ ra phải đạt được vào năm 2020; thảo luận mục tiêu huy động nguồn lực đến năm 2025 và dài hạn. Bên cạnh đó, các Bên sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định và hướng dẫn chi tiết để các quốc gia thực hiện các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon theo Thỏa thuận Paris.

Lần đầu tiên, các Bên sẽ đánh giá tiến độ thực hiện Thỏa thuận Paris một cách toàn diện trên toàn thế giới. Hội nghị COP28 sẽ thảo luận kết quả tổng hợp nỗ lực thích ứng với BĐKH, giảm phát thải KNK, đóng góp về tài chính, công nghệ và tăng cường năng lực thực hiện ứng phó với BĐKH đã được các quốc gia đệ trình thông qua các báo cáo quốc gia, Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) để thấy được tiến triển và những khoảng trống trong thực hiện các mục tiêu toàn cầu về ứng phó với BĐKH.

PV: Mục tiêu mà Đoàn Việt Nam đề ra khi tham dự Hội nghị COP28 là gì, thưa ông?

Ông Phạm Văn Tấn: Việc tham dự COP28 là trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH, Nghị định thư Kyoto, Thỏa thuận Paris. Việt Nam sẽ tích cực tham gia xây dựng các quyết định và hoạt động của Hội nghị COP28, bảo đảm nguyên tắc công bằng, công lý trong ứng phó với BĐKH và lợi ích của các nước đang phát triển trên cơ sở hài hòa với quyền lợi của các quốc gia khác, nhất là với các quốc gia có quan hệ chặt chẽ với Việt Nam.

Đoàn Việt Nam sẽ truyền đạt thông điệp đến cộng đồng quốc tế về những thách thức và tác động tiêu cực của BĐKH đối với Việt Nam, vai trò chủ động và tích cực của Việt Nam trong ứng phó với BĐKH. Có thể khẳng định, Việt Nam đã thực hiện được rất nhiều việc và đã rất nghiêm túc triển khai thực hiện các cam kết đã đưa ra tại Hội nghị COP26, COP27. Đây là tiền đề quan trọng để Việt Nam đưa ra tiếng nói mạnh mẽ về các vấn đề có liên quan đến thực hiện cam kết, chuyển đổi năng lượng - là những nội dung quan trọng tại Hội nghị COP28 năm nay.

z29099888145439c04c68c590fffec39693db9b79af03d-1636169613222888911061-1660967155495744772409.jpg
Chuyển đổi năng lượng - những nội dung quan trọng tại Hội nghị COP28 năm nay

Đoàn cũng đặt mục tiêu tăng cường sự tham gia của khối doanh nghiệp. Các hoạt động thúc đẩy hợp tác với các đối tác song phương, đa phương, các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính cũng sẽ được triển khai nhằm huy động hỗ trợ thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050, thực hiện NDC, các chương trình, đề án, dự án thực hiện cam kết của Việt Nam về ứng phó với BĐKH.

PV: Đoàn Việt Nam sẽ tham gia nhiều cuộc đàm phán trong khuôn khổ COP28. Ông có thể chia sẻ về quan điểm xuyên suốt của Việt Nam về ứng phó BĐKH tại Hội nghị lần này, thưa ông?

Ông Phạm Văn Tấn: Theo quan điểm của phía Việt Nam, các hoạt động giảm phát thải KNK cần tuân thủ quy tắc trách nhiệm chung nhưng có phân biệt và khả năng tương ứng của mỗi quốc gia, theo Công ước và Thỏa thuận Paris về BĐKH. Kết quả COP28 cần phản ánh sự khác biệt rõ ràng về các hành động giảm phát thải KNK và các phương thức thực hiện giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển.

Thỏa thuận Paris không quy định việc đạt phát thải ròng bằng “0” của tất cả các quốc gia vào năm 2050. Để đạt mục tiêu này, các quốc gia phát triển cần nâng cao hơn nữa các mục tiêu giảm phát thải KNK giai đoạn đến năm 2025 và 2030. Kết quả giảm phát thải KNK cần giúp xây dựng sự tự tin và lòng tin giữa các quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi về hợp tác quốc tế.

Về thích ứng với BĐKH, COP28 cần đưa ra Khung mục tiêu thích ứng toàn cầu rõ ràng và khả thi, đảm bảo nguồn lực cho thích ứng với BĐKH, không chỉ bao gồm các mục tiêu tăng cường năng lực và chia sẻ thông tin mà cần tập trung vào việc cung cấp các phương tiện thực hiện. Việt Nam ủng hộ việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ cấu tổ chức, cách thức vận hành, quản lý Quỹ Tổn thất và thiệt hại theo định hướng đề ra từ Hội nghị COP27.

Việt Nam cũng kêu gọi việc xây dựng lộ trình cụ thể đảm bảo cân bằng giữa tài chính cho thích ứng, giảm nhẹ và tăng gấp đôi tài chính cho thích ứng với BĐKH vào năm 2025; tăng cường cam kết của các quốc gia phát triển thông qua cung cấp tài chính khí hậu. Bên cạnh đó, các quyết định COP28 liên quan tới kết quả đánh giá nỗ lực toàn cầu lần thứ nhất cần tăng mức mục tiêu tham vọng của tất cả các trụ cột trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris.

Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ và đang tích cực triển khai các hành động khí hậu, kêu gọi các nước phải thực hiện các cam kết bằng những hành động cụ thể để đóng góp vào nỗ lực chung của toàn cầu.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Khánh Ly (thực hiện)