Bình Chánh (TP.HCM): Nỗ lực xóa điểm ô nhiễm rác thải
(TN&MT) - Bên cạnh việc giao nhiệm vụ thường xuyên cho các xã, thị trấn, UBND huyện Bình Chánh (TP.HCM) còn định kỳ tổ chức các đợt ra quân tổng vệ sinh môi trường trên toàn địa bàn, nhằm mục tiêu xóa toàn bộ các điểm ô nhiễm rác thải trong khu dân cư.
Thiếu nhân sự phụ trách môi trường
Theo UBND huyện Bình Chánh, mỗi ngày, trên địa bàn huyện thu gom và xử lý khoảng 500 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Cũng như một số huyện ngoại thành khác, công tác bảo vệ môi trường tại Bình Chánh hiện đang gặp phải một số khó khăn như: chất thải phát sinh từ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và sinh hoạt tập trung trên nền cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện; cơ sở sản xuất, chăn nuôi còn xen cài trong khu dân cư và diễn biến phức tạp; một số khu vực dân cư phân tán chưa tiếp cận được dịch vụ thu gom rác. Ngoài ra, nhận thức và ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư và doanh nghiệp còn hạn chế nhất định.
Bà Phan Thị Cẩm Nhung - Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết: Những năm qua, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn luôn được Huyện ủy, UBND huyện Bình Chánh quan tâm và chỉ đạo kịp thời. Theo đó, huyện cũng đã kiểm tra, xử lý nghiêm và kịp thời các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, hạn chế thải bỏ chất thải công nghiệp ra môi trường, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Tuy vậy, theo UBND huyện Bình Chánh, bên cạnh những mô hình hay, sáng kiến mới trong công tác bảo vệ môi trường của những đơn vị, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân chấp hành tốt các quy định về bảo vệ môi trường thì vẫn còn tình trạng vứt rác thải không đúng nơi quy định, ra đường phố, kênh rạch, những khu đất trống, nơi công cộng..., gây ô nhiễm môi trường, làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước và kênh rạch, gây ngập lụt khi triều cường hay mưa lớn.
"Hiện tại, nhân sự thực hiện bảo vệ môi trường tại các xã, thị trấn chưa đảm bảo về số lượng và chất lượng, phần lớn là kiêm nhiệm, không đảm bảo về chuyên môn và tập trung cho công tác này. Đặc biệt, thiếu nhân sự tại các xã điểm về môi trường, cơ sở ô nhiễm và nguy cơ ô nhiễm tập trung nhiều tại các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Lê Minh Xuân, Tân Nhựt... Bên cạnh đó, việc triển khai các công trình nạo vét, cải thiện chất lượng nguồn nước kênh rạch trên địa bàn huyện vẫn còn chậm, nhiều công trình đang ở giai đoạn lập thủ tục đầu tư, điều chỉnh dự án" - bà Phan Thị Cẩm Nhung cho hay.
Nỗ lực xóa điểm đen ô nhiễm rác thải
Thời gian qua, Bình Chánh đã tích cực thực hiện Cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường” và Chương trình “Giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020 - 2025”. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện Cuộc vận động này chính là việc xóa các điểm đen về ô nhiễm rác thải. Theo đó, bên cạnh các kế hoạch cụ thể được giao cho UBND các xã, thị trấn, huyện còn định kỳ tổ chức các đợt ra quân tổng vệ sinh môi trường trên toàn địa bàn.
Mới nhất, ngày 26/11/2023, UBND huyện Bình Chánh đã tổ chức ra quân tổng vệ sinh môi trường, xử lý các điểm xả rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định trên địa bàn 16 xã, thị trấn với gần 4.600 người tham gia. Theo đó, 32 điểm tồn đọng rác thải sinh hoạt đã được xóa, 50 tấn rác được thu gom, 6.000 cây xanh được trồng mới.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Phan Thị Cẩm Nhung, nhằm phát huy hiệu quả sau các đợt ra quân tổng vệ sinh môi trường, xử lý các điểm xả rác không đúng nơi quy định, huyện Bình Chánh đã kêu gọi các ngành, các cấp, doanh nghiệp, cơ quan tổ chức và cộng đồng cùng chung tay nâng cao nhận thức và hành động để bảo vệ môi trường. Nói không với hành vi xả rác đúng nơi quy định, đảm bảo phân loại, chuyển giao rác cho đơn vị thu gom đúng quy định. Đặc biệt, Bình Chánh đã triển khai các giải pháp công nghệ để tiếp nhận thông tin phản ánh, tố giác của người dân trên địa bàn về các hành vi vi phạm về vệ sinh, môi trường thông qua phần mềm ứng dụng “Bình Chánh trực tuyến” và các kênh thông tin đường dây nóng của Thành phố, Cổng thông tin 1022.
Ngoài ra, công tác kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất phát sinh công nghiệp được thực hiện chặt chẽ. Hoạt động xả nước thải gây ô nhiễm môi trường tại 26 cơ sở đã chấm dứt. Các giải pháp nhằm đảm bảo việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm của các đơn vị vi phạm đang được triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, hoạt động xử lý nước thải tại các khu công nghiệp, khu dân cư xây mới cũng được giám sát chặt chẽ qua hệ thống quan trắc liên tục tự động. Dữ liệu quan trắc được truyền trực tiếp về Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường để giám sát trực tuyến.