Môi trường

Cả hệ thống chính trị và người dân cùng vào cuộc

Trung Nguyên 30/11/2023 - 08:07

(TN&MT) - Kể từ sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tuyên bố cam kết của Việt Nam về đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 tại COP26 (năm 2021), Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương Việt Nam đã có những hành động quyết liệt và cụ thể nhằm đạt mục tiêu này.

Cùng với sự tiên phong của khối doanh nghiệp, nhận thức cộng đồng về ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) cũng đang chuyển biến tích cực, tạo sự đồng thuận trong triển khai các định hướng, chính sách quan trọng của Việt Nam.

Nâng cao mục tiêu giảm phát thải

Một năm sau cam kết phát thải ròng bằng “0”, tại Hội nghị COP27, Việt Nam đã đệ trình NDC cập nhật lần thứ 2 tới Liên hợp quốc. So với báo cáo trước đó, NDC cập nhật tăng mức đóng góp giảm phát thải cao nhất từ 27% lên 43,5% so với kịch bản phát triển thông thường vào năm 2030. Nội dung NDC cũng phản ánh những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP26, bao gồm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; giảm 30% phát thải khí mê-tan so với năm 2020, tăng cường các nỗ lực thích ứng với BĐKH, chuyển đổi năng lượng…

Năm 2022, dưới sự chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia đã họp chính thức 3 phiên và một số cuộc họp đột xuất khác để chỉ đạo kịp thời nhiều vấn đề lớn liên quan tới việc xây dựng, ban hành Đề án, Chiến lược, Kế hoạch hành động triển khai kết quả Hội nghị COP26. Cùng với cập nhật NDC, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, sửa đổi cơ chế, chính sách, pháp luật ứng phó với BĐKH và chuyển đổi năng lượng; lồng ghép các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính (KNK) trong Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia, làm gia tăng đáng kể vị trí và đóng góp của năng lượng tái tạo trong tổng thể năng lượng điện của Việt Nam.

Các hoạt động đổi mới công tác truyền thông được đẩy mạnh để toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp thống nhất nhận thức và đồng hành cùng Chính phủ trong thực hiện cam kết tại COP26; tiếp tục tham gia và thực hiện các sáng kiến, thỏa thuận quốc tế; đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh phục vụ ứng phó với BĐKH và phát triển kinh tế các-bon thấp.

z4927197712610_673f1448861e0e10d919b3d2c0288ffb.jpg

Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, Bộ TN&MT đã nỗ lực triển khai các nhiệm vụ và đã đạt được một số kết quả quan trọng. Cụ thể, Bộ TN&MT đã trình Chính phủ ban hành Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050. Trên cơ sở khung pháp lý về giảm phát thải KNK, ứng phó với BĐKH trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, Bộ TN&MT đã xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt Nghị định 06/2022/NĐ-CP về quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-dôn; Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường cùng các Thông tư, văn bản hướng dẫn để làm căn cứ triển khai các hoạt động giảm phát thải KNK, giúp Việt Nam đáp ứng đầy đủ nghĩa vụ thực hiện Thỏa thuận Paris và đạt được mục tiêu NDC.

Đặc biệt, trong năm 2022, dấu ấn quan trọng nhất của Việt Nam trong hành trình chống BĐKH, thực hiện cam kết giảm phát thải KNK là việc đàm phán và thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) cùng với Nhóm các đối tác quốc tế (IPG) (bao gồm: Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Đan Mạch và Na Uy).

Thông qua JETP, các đối tác quốc tế sẽ giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Năm 2023, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai Tuyên bố JETP, trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, phân công trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức liên quan. Ngoài ra, Bộ đã phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thiện Đề án phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam; thúc đẩy hợp tác với các nước, các tổ chức, định chế tài chính quốc tế và khu vực tư nhân để vận động hỗ trợ thực hiện cam kết tại COP26, các chương trình hợp tác song phương và đa phương, hỗ trợ khối doanh nghiệp phát triển công nghệ ít phát thải.

Doanh nghiệp, địa phương đồng lòng

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã tổ chức quán triệt các cam kết tại Hội nghị COP26, tăng cường năng lực, nhận thức của đội ngũ cán bộ và tuyên truyền đến các doanh nghiệp, nhân dân; tổ chức triển khai các chiến lược, kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH.

Trên cơ sở danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (trong đó, có 1.912 cơ sở có mức phát thải KNK hàng năm từ 3.000 tấn CO2 trở lên), các địa phương cũng đã triển khai hướng dẫn các cơ sở xây dựng kế hoạch, lộ trình giảm phát thải KNK phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh; rà soát, cập nhật danh mục cơ sở trên địa bàn.

Nhiều địa phương đã thực hiện các giải pháp thích ứng với BĐKH trong nông nghiệp; kêu gọi đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời, điện gió trên địa bàn. Các địa phương có biển đã tiến hành giao các khu vực biển để thực hiện các dự án điện gió gần bờ theo thẩm quyền như Cà Mau: 8 dự án; Bạc Liêu: 3 dự án; Trà Vinh: 5 dự án; Sóc Trăng: 3 dự án; Bến Tre: 4 dự án; Tiền Giang: 1 dự án…, đồng thời xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn quản lý.

Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty đã áp dụng các biện pháp giảm phát thải khí mê-tan trong các hoạt động; xây dựng mô hình phát triển ngân hàng xanh; đầu tư, cải tiến công nghệ xử lý ô nhiễm, tái chế, xử lý chất thải; triển khai các giải pháp thu hồi và lưu giữ các-bon, đầu tư hệ thống thu hồi khí CO2…

Chia sẻ về các hoạt động của Đoàn Việt Nam tại COP28, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết, tại Hội nghị lần này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự kiến sẽ công bố một số sáng kiến, cam kết mới của Việt Nam để cùng cộng đồng quốc tế ứng phó tốt nhất với BĐKH trong thời gian tới.

Trung Nguyên