Tư vấn pháp luật

Đất đã tặng cho, chia thừa kế thế nào?

Báo TN&MT 29/11/2023 - 18:57

(TN&MT) - Đất đang được sử dụng ổn định và đã được được cấp GCNQSDĐ nhưng bị các anh chị em khởi kiện đòi chia thừa kế thì cần xem xét các điều kiện để yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu thừa kế.

Bố tôi mất năm 1980. Năm 1987, tôi lập gia đình và được mẹ đẻ cho 1 mảnh đất với diện tích 200 m2. Vợ chồng tôi sử dụng, canh tác trên mảnh đất đó.
Năm 1988, vợ chồng tôi xây nhà. Năm 2006, nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử đụng đất (sổ đỏ) đứng tên tôi.
Năm 2021, anh chị em tôi khởi kiện yêu cầu chia thừa kế với mảnh đất 200m2 vì cho rằng đó là di sản mà bố tôi để lại.
Tôi muốn hỏi: “Sổ đỏ” tôi được địa phương cấp có hợp pháp không? Anh chị em của tôi có được quyền yêu cầu thừa kế với mảnh đất 200 m2 không?

(Lê Thị Tuyết Mai, Chương Mỹ, Hà Nội).

Vấn đề bạn hỏi, Văn phòng Luật sư tư vấn như sau:

Trước hết, xem xét tình trạng pháp lý với mảnh đất diện tích 200 m2 bạn đang sử dụng, nhận thấy: Mảnh đất 200 m2 bạn được mẹ đẻ cho đã được bạn và chồng sử dụng ổn định, liên tục; cùng với đó là tài sản gắn liền với đất là nhà được xây dựng năm 1988.

Năm 2006, bạn được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Căn nhà được xây dựng trước khi địa phương cấp GCNQSDĐ. Như vậy, cơ quan có thẩm quyền có thể đã xác lập đồng thời quyền sử dụng với mảnh đất 200 m2 và sở hữu đối với nhà bạn.

Theo quy định của Luật Đất đai, khái niệm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất được hiểu là: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Đây là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.

Thông qua Giấy CNQSDĐ, Nhà nước đã xác nhận bạn có thể thực hiện các quyền, lợi ích của mình với mảnh đất 200 m2 và căn nhà được xây dựng trên mảnh đất. GCNQSDĐ là cơ sở pháp lý quan trọng, chứng cứ chứng minh quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở của bạn.

Ngoài ra, chứng cứ chứng minh tính hợp pháp trong quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở của bạn còn thể hiện qua việc bạn sử dụng mảnh đất diện tích 200 m2 một cách ngay tình, tiên lục, trong quá trình sử dụng mảnh đất và sở hữu nhà ở không có tranh chấp đến trước năm 2020; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất đã được cơ quan địa phương cấp hợp pháp.

Nghị định 43/2014/ NĐ-CP có hướng dẫn về căn cứ xác định việc sử dụng đất ổn định như sau:

Điều 21. Căn cứ xác định việc sử dụng đất ổn định:

1. Sử dụng đất ổn định là việc sử dụng đất liên tục vào một mục đích chính nhất định kể từ thời điểm bắt đầu sử dụng đất vào mục đích đó đến thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc đến thời điểm quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận).

2. Thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được xác định căn cứ vào thời gian và nội dung có liên quan đến mục đích sử dụng đất ghi trên một trong các giấy tờ sau đây:

a) Biên lai nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất;

b) Biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc sử dụng đất, biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc xây dựng công trình gắn liền với đất;

c) Quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực thi hành, quyết định thi hành bản án của cơ quan Thi hành án đã được thi hành về tài sản gắn liền với đất;

d) Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực thi hành; biên bản hòa giải tranh chấp đất đai có chữ ký của các bên và xác nhận của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất;

đ) Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có liên quan đến việc sử dụng đất;

e) Giấy tờ về đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú dài hạn tại nhà ở gắn với đất ở; Giấy chứng minh nhân dân hoặc Giấy khai sinh, giấy tờ nộp tiền điện, nước và các khoản nộp khác có ghi địa chỉ nhà ở tại thửa đất đăng ký;

g) Giấy tờ về việc giao, phân, cấp nhà hoặc đất của cơ quan, tổ chức được Nhà nước giao quản lý, sử dụng đất;

h) Giấy tờ về mua bán nhà, tài sản khác gắn liền với đất hoặc giấy tờ về mua bán đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên liên quan;

i) Bản đồ, sổ mục kê, tài liệu điều tra, đo đạc về đất đai qua các thời kỳ;

k) Bản kê khai đăng ký nhà, đất có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã tại thời điểm kê khai đăng ký.

3. Trường hợp thời điểm sử dụng đất thể hiện trên các loại giấy tờ quy định tại Khoản 2 Điều này có sự không thống nhất thì thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được xác định theo giấy tờ có ghi ngày tháng năm sử dụng đất sớm nhất.

4. Trường hợp không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Khoản 2 Điều này hoặc trên giấy tờ đó không ghi rõ thời điểm xác lập giấy tờ và mục đích sử dụng đất thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về thời điểm bắt đầu sử dụng đất và mục đích sử dụng đất trên cơ sở thu thập ý kiến của những người đã từng cư trú cùng thời điểm bắt đầu sử dụng đất của người có yêu cầu xác nhận trong khu dân cư (thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố) nơi có đất.

Trong trường hợp khởi kiện để chia thừa kế mà các đồng nguyên đơn là các anh chị em của bạn, tòa án vẫn sẽ thụ lý. Tuy nhiên, trong quá trình xem xét, giải quyết vụ án, bạn có thể yêu cầu áp dụng thời hiệu mở thừa kế. Bộ Luật Dân sự 2015 quy định thời hiệu:

Điều 623. Thời hiệu thừa kế:

1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.

2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Tuy nhiên bạn cần lưu ý quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 khi yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện, BLTTDS 2015 quy định:

Điều 184. Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự:

1. Thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự được thực hiện theo quy định của Bộ luật dân sự.

2. Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc.

Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.

Khi bạn yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện, Tòa án có thể ra phán quyết đình chỉ vụ án do hết thời hiệu khởi kiện căn cứ tại Điều 217 BLTTDS 2015.

Về nguyên tắc, trong hoạt động TTDS trách nhiệm chứng minh thuộc về các bên đương sự, tức là anh chị em là đồng thừa kế, đưa ra yêu cầu khởi kiện thì phải có trách nhiệm chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ.

Với bạn, các chứng cứ chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trước tiên là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất, cùng với đó là các giấy tờ chứng minh việc sử dụng đất ngay tình, ổn định trong suốt thời gian bạn sử dụng đất và sở hữu nhà ở.

Báo TN&MT