Ngành TN&MT

Tăng cường quản lý có hiệu quả đối với đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh

Thúy Nhi 29/11/2023 - 13:23

Tại Nghị quyết về "tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4" vừa được thông qua nêu rõ, sẽ tăng cường quản lý có hiệu quả đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh; giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Sáng 29/11, Quốc hội họp phiên bế mạc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Tại phiên bế mạc, Quốc hội đã thực hiện biểu quyết thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn.

Sau khi nghe Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua nghị quyết bằng hình thức điện tử.

Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 474 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 95,95 %). Với đa số ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn.

291120231026-1.jpg
Các Đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết

Tại Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn nêu rõ, việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đã được các cơ quan triển khai nghiêm túc, có trách nhiệm, với nhiều giải pháp đồng bộ, tạo chuyển biến tích cực và đạt được kết quả cụ thể ở hầu hết các lĩnh vực, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KT-XH hằng năm theo nghị quyết của Quốc hội.

Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Nghị quyết nêu rõ, trong năm 2024, hoàn thành phê duyệt Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; ban hành các quy chuẩn quốc gia về môi trường và quy định về hoạt động lấn biển.

Triển khai thực hiện các biện pháp phân loại rác thải tại nguồn, xử lý rác thải, chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế, giảm thiểu chôn lấp rác thải; tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường. Khẩn trương ban hành Bộ định mức kinh tế kỹ thuật về phân loại rác thải tại nguồn, thu gom, vận chuyển, xử lý rác sinh hoạt. Nâng cao hiệu quả hoạt động quan trắc môi trường; đề xuất các chính sách, nguồn lực ưu tiên, xây dựng và triển khai các phương án xử lý ô nhiễm môi trường, nhất là vấn đề rác thải, nước thải, ô nhiễm tại các làng nghề, các khu, cụm công nghiệp, các lưu vực sông, hệ thống thủy lợi... Kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm việc khai thác khoáng sản trái phép. Tăng cường khả năng dự báo, cảnh báo về thiên tai; triển khai các biện pháp công trình và phi công trình để phòng, chống hiệu quả tình trạng sụt lún, sạt lở đất.

Tăng cường quản lý có hiệu quả đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh; giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số. Phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành việc xây dựng hệ thống thông tin đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu đất đai theo chuẩn thống nhất trên phạm vi cả nước gắn với cơ sở dữ liệu dân cư.

Thúy Nhi