Đánh giá tài nguyên cát biển làm vật liệu san lấp là nhiệm vụ cấp bách
(TN&MT) - Sáng 29/11 tại Hà Nội, Cục Địa chất Việt Nam báo cáo Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên kết quả đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển khu B1 của Dự án “Đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long” (dự án).
Dự án do Bộ TN&MT triển khai xây dựng, phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh, giao Cục Địa chất Việt Nam, trực tiếp là Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển chủ trì cùng các đơn vị phối hợp thực hiện.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Vũ Tất Tuân - Chủ nhiệm dự án thuộc Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển cho biết: Mục tiêu của Dự án là đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển làm vật liệu xây dựng thông thường, đáp ứng kịp thời về nguồn vật liệu san lấp và cát xây dựng cho các dự án đường cao tốc, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, cảng biển, khu vực cụm công nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Các mục tiêu cụ thể là đánh giá tài nguyên cát biển làm vật liệu san lấp, xây dựng 1,4 tỷ m³; đánh giá, dự báo tác động của khai thác cát biển đến môi trường, đề xuất giải pháp khắc phục, bảo vệ; đề xuất công nghệ khai thác cát biển phù hợp và xác định khả năng, lĩnh vực sử dụng cát biển, đảm bảo sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên khoáng sản; đồng thời tạo cơ sở khoa học và thực tiễn đề xuất cơ chế chính sách quản lý thăm dò, khai thác cát biển, từng bước thay thế nguồn cát sông trên đất liền, phục vụ kịp thời, hiệu quả phát triển kinh tế xã hội.
Mục tiêu nhiệm vụ năm 2023 là đánh giá tài nguyên cát biển làm vật liệu san lấp tại khu B1 (0 - 10m nước) tỉnh Sóc Trăng, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách về vật liệu san lấp cho các dự án đường cao tốc trong vùng đồng bằng sông Cửu Long khởi công trong giai đoạn 2023- 2024, với mục tiêu tài nguyên cấp 333 và 222 là 400 triệu m³, trong đó cấp 222 là 100 triệu m³.
Theo chủ nhiệm dự án, hiện nay, Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển đã hoàn thành báo cáo kết quả khu B1, đã được Cục Địa chất Việt Nam thẩm định ngày 11/11 vừa qua; đã trình Bộ thẩm định, phê duyệt ngày 24/11.
Về kết quả khu B1, Liên đoàn đã khoanh định được 1 thân khoáng cát biển có diện tích 161,4 km2, phân bố trên bề mặt đáy biển, thành phần là cát hạt mịn, bở rời, lẫn ít bột, sét. Thân cát có chiều dày từ 2- 7,3m, trung bình 4,3m; hàm lượng tổng cát trung bình là 82,9%; modul độ lớn trung bình 0,72, thuộc loại cát hạt mịn.
Đồng thời, đã đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển làm vật liệu san lấp cấp 333 và cấp 222 đạt 683,9 triệu m3, trong đó cấp tài nguyên 222 là 143,3 triệu m3.
Liên đoàn cũng đã xác định cát biển khu B1 đáp ứng yêu cầu làm vật liệu san lấp hạ tầng đô thị, nền móng công trình xây dựng; đáp ứng được các chỉ tiêu cơ bản làm vật liệu san lấp nền đường ô tô theo TCVN 9436:2012.
Bên cạnh đó, làm rõ đặc điểm địa hình – địa mạo đáy biển, địa chất, chế độ thủy động lực khu B1; làm rõ hiện trạng địa chất môi trường, tai biến địa chất khu vực nghiên cứu: xác định môi trường nước trong khu vực có biểu hiện ô nhiễm kẽm, nguy cơ ô nhiễm thủy ngân; trầm tích trong khu vực không bị ô nhiễm; không có biểu hiện tai biến địa chất; đường bờ biển khu vực biển Sóc Trăng hiện tại có xu thế bồi tụ.
Ngoài ra, Liên đoàn đã lựa chọn khu vực khoáng sản cát biển diện tích 32 km2, chiều dày thân khoáng trung bình 4,5m, hàm lượng tổng cát 86%, tài nguyên cấp 222 là 143,3 triệu m3, phân bố tại khu vực biển độ sâu 2,8 - 9m, cách Cửa Định An 21km, có điều kiện khai thác khả thi. Liên đoàn đã đề xuất độ sâu khai thác đến 3m, tối đa 4m; phương pháp khai thác là sử dụng tàu hút xén thổi cỡ trung bình - nhỏ, vận chuyển bằng xà lan theo luồng hàng hải Định An đến nơi tiêu thụ.
Theo ông Trần Bình Trọng, Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam, trong quá trình thực hiện, Cục Địa chất Việt Nam, các đơn vị thi công Dự án xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; đã tập trung, nỗ lực, khắc phục mọi khó khăn, vướng mắc để thực hiện. Tuy nhiên do thi công công trình địa chất trên biển gặp nhiều khó khăn, thời tiết trên biển diễn biến phức tạp, thiếu thiết bị chuyên dụng…, nên thi công thực địa kéo dài, làm tăng các chi phí khác kèm theo.
Các đơn vị thực hiện dự án đề nghị Bộ TN&MT sớm ban hành bộ định mức kinh tế kỹ thuật cát biển làm cơ sở để điều chỉnh dự toán dự án và áp giá mới cho khối lượng thực hiện năm 2023.
Đồng thời, Bộ quan tâm, làm việc với Bộ Tài chính để chuyển vốn các hạng mục công việc đang ở mục chi không thường xuyên (địa vật lý, địa chất, ống phóng rung…) thành nguồn thường xuyên để thanh toán năm 2023, đảm bảo quyền lợi người lao động.
Các đơn vị cũng kiến nghị Bộ cho điều chỉnh Dự án theo thực tế thi công và bố trí đủ vốn để hoàn thành dự án trong năm 2024.
Đánh giá việc thực hiện dự án là nhiệm vụ rất cấp bách, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên ghi nhận và biểu dương Cục Địa Chất Việt Nam đã giao Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển phối hợp với các đơn vị triển khai rất quyết liệt để thực hiện dự án này. Thứ trưởng đề nghị Cục Địa chất Việt Nam giao Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản biển ngay sau cuộc họp hôm nay hoàn thiện tài liệu đã nghiệm thu cấp cơ sở, lập Tờ trình, đề xuất Bộ TN&MT tổ chức thẩm định, xem xét phê duyệt làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo.
Trả lời câu hỏi của Thứ trưởng Trần Quý Kiên về khả năng dự án tác động đến môi trường, ông Lê Quốc Hùng - Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam cho biết: Đánh giá, dự báo việc khai thác cát biển tại khu vực B1 đề xuất đến độ sâu 4m sẽ tác động đến môi trường nước, gây biến đổi địa hình đáy biển và đường bờ. Tuy nhiên, bước đầu dự báo việc khai thác sẽ ít có khả năng gây sự cố môi trường; trong thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ.