Họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV
Sáng 29/11, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV.
Theo Báo cáo về kết quả Kỳ họp thứ Sáu, sau 22,5 ngày làm việc (đợt 1 từ ngày 23/10 đến ngày 10/11/2023; đợt 2 từ ngày 20/11 đến sáng ngày 29/11/2023), Kỳ họp thứ Sáu đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra trên cơ sở nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, trí tuệ, thẳng thắn thảo luận, tập trung giải quyết khối lượng công việc lớn, quan trọng với sự đồng thuận, nhất trí cao.
Về công tác lập pháp, Quốc hội đã xem xét, biểu quyết thông qua 2 nghị quyết quy phạm pháp luật và 7 Luật; cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án Luật khác.
Trong đó, Luật Tài nguyên nước được sửa đổi nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn, hoàn thiện khung pháp lý cho an ninh nguồn nước, bổ sung các cơ chế, chính sách để khuyến khích nguồn lực xã hội hóa, quản lý khai thác hiệu quả, tiết kiệm nguồn nước, định giá tài nguyên nước, sử dụng và phân bổ nguồn thu từ tài nguyên nước. Luật gồm có 10 chương, 86 điều (tăng 07 điều so với Luật hiện hành) với một số điểm mới như: Xây dựng, vận hành hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước quốc gia; quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước, Bảo vệ và phát triển nguồn sinh thủy; các công cụ kỹ thuật để bảo vệ nguồn nước khỏi bị khai thác quá mức; về phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm và ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước; phương án điều hòa, phân phối tài nguyên nước; quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa; quy định về công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực cho tài nguyên nước, gồm thuế, phí tài nguyên nước; tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; các dịch vụ về tài nguyên nước… Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.
Đặc biệt, tại Kỳ họp này, sau khi cân nhắc thận trọng nhiều mặt, Quốc hội đã quyết định sẽ thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại kỳ họp gần nhất để bảo đảm chất lượng và tính khả thi của các luật này sau khi được ban hành.
Theo Văn phòng Quốc hội, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án Luật phức tạp, có tính chất đặc biệt quan trọng, tác động rất lớn đến các hoạt động kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng, trong đó, tập trung vào các nội dung về: thu hồi đất thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm; cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa; phạm vi nhận chuyển quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; quyền và nghĩa vụ của người Việt Nam định cư ở nước ngoài... Sau khi xem xét toàn diện, thận trọng, Quốc hội đã quyết định chưa thông qua Luật này tại kỳ họp thứ 6 để có thêm thời gian tiếp tục hoàn thiện các phương án chính sách quan trọng, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến tham gia và rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng tốt nhất dự thảo Luật và việc chuẩn bị hoàn thiện đồng bộ các dự thảo Nghị định, văn bản quy định chi tiết Luật, bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Luật sau khi được ban hành.
Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, qua đó tạo cơ sở pháp lý quan trọng để tháo gỡ nút thắt, huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp, tạo đột phá trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, thúc đẩy giải ngân nhằm từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ. Thông qua Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu nhằm cụ thể hóa kịp thời các quy định về việc áp dụng Thuế tối thiểu toàn cầu được OECD đề xuất được bắt đầu áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024.
Về hoạt động giám sát, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao về “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”; dành 2,5 ngày để chất vấn Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn của Quốc hội Khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến hết Kỳ họp thứ Tư; thảo luận tại Hội trường về báo cáo kết quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023; việc thực hiện các ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Sáu; báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Năm.
Quốc hội cũng đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố công khai, rộng rãi và nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của cử tri, Nhân dân cả nước.
Tại Kỳ họp, Quốc hội cũng xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước… Trong đó, tại Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Quốc hội quyết định, từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với mức lương cơ sở; đồng thời, bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước, áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất…
Thông tin thêm về nội dung kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, việc kỳ họp thứ sáu, Quốc hội chưa thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) thể hiện sự cẩn trọng, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu cuộc sống, bảo đảm các dự án Luật bền vững, đặc biệt không xung đột, chồng chéo với các Luật khác bởi trong quá trình thảo luận tại Quốc hội còn những ý kiến khác nhau, cần có thời gian xem xét kỹ lưỡng, đánh giá tác động của chính sách.
“Khi chính sách ban hành rồi nhưng chưa đánh giá tác động kỹ lưỡng thì sau này sửa đổi rất khó”, ông Bùi Văn Cường nói.
Tổng Thư ký Quốc hội cũng thông tin hiện đang xin ý kiến cấp có thẩm quyền về việc tổ chức kỳ họp Quốc hội bất thường vào tháng 1-2024 để xem xét một số nội dung quan trọng về pháp luật cũng như phát triển kinh tế - xã hội.