Du lịch

Bà Rịa - Vũng Tàu: Phát triển du lịch nông nghiệp theo hướng xanh, bền vững

Linh Nga 29/11/2023 - 13:19

(TN&MT) - Trong thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triển khai xây dựng nhiều mô hình du lịch kết hợp trải nghiệm sản xuất nông nghiệp, không những mang lại lợi ích kinh tế cho người dân, mà còn có vai trò to lớn trong việc giữ gìn cảnh quan môi trường vùng nông thôn, hướng đến phát triển tăng trưởng xanh, bền vững của tỉnh.

dlnn.jpg
Mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp tham quan vườn cây ăn trái đang được nhiều địa phương trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quan tâm đầu tư phát triển

Nhiều mô hình du lịch xanh

Ông Đỗ Phước Trung, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Với mục tiêu hướng đến phát triển bền vững, du lịch nông thôn được xem là một trong những công cụ hữu hiệu góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng phát triển bền vững; đồng thời, giúp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản địa cũng như nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên gắn với cộng đồng. Vì thế, du lịch nông thôn là loại hình du lịch đang được nhiều địa phương trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quan tâm đầu tư phát triển.

Cụ thể, trong thời gian vừa qua, trên địa bàn các huyện: Châu Đức, Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã phát triển mạnh mẽ các mô hình du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch nông nghiệp kết hợp trải nghiệm tham quan. Những mô hình du lịch nông nghiệp này không chỉ tạo thêm sản phẩm mới cho ngành Du lịch, mà còn góp phần thúc đẩy tiêu thụ đặc sản và sản phẩm OCOP, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân ở vùng nông thôn.

Đơn cử, tại huyện Châu Đức có khoảng 10 điểm du lịch dạng homestay kết tham quan vườn cây ăn trái, thưởng thức đặc sản… Từ đầu năm 2023 đến nay, các điểm đến này đón khoảng 200.000 lượt du khách và người dân đến vui chơi, ăn uống, nghỉ dưỡng vào dịp cuối tuần. Bên cạnh đó, nhiều địa phương trong tỉnh cũng đang tăng cường kết nối, đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề, nghề truyền thống như: sản xuất muối, rượu, bánh tráng, bánh hỏi…

Ông Lâm Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Long Điền cho biết: Trên địa bàn huyện Long Điền hiện có 15 nghề nông thôn, trong đó có nhiều làng nghề đã được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu công nhận là làng nghề truyền thống như: bánh tráng An Ngãi, bánh hỏi An Nhứt, muối An Ngãi… Với mục tiêu phát triển các nghề truyền thống gắn với du lịch, phát huy bản sắc văn hóa của địa phương phương; huyện Long Điền đã phối hợp với ngành Du lịch kết nối với các doanh nghiệp lữ hành mở tour đưa du khách đến tham. Hiện nay, số lượng khách đến tham quan, trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống ngày càng tăng, góp phần tạo công ăn việc làm và mang lại nguồn kinh tế ổn định cho người dân địa phương.

a-2-nghe-lam-muoi-truyen-thong-o-long-dien.jpg
Phát triển các nghề truyền thống gắn với du lịch, vừa góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và vừa phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nông thôn

Gắn với bảo vệ môi trường

Ông Đỗ Phước Trung, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận định: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp không ít khó khăn. Cụ thể, hiện nay, việc triển khai mô hình du lịch nông nghiệp kết hợp trải nghiệm tham quan còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát; hoạt động xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường của các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình vẫn còn diễn ra; và do tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng ngày càng gia tăng làm ảnh hưởng đến sản lượng nông sản và giá trị sản phẩm…

Để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo xu hướng tăng trưởng xanh, an toàn, thân thiện với du khách trong thời gian tới, ngoài việc tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường du lịch nông thôn, Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương tập trung cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ về giao thông, hệ thống điện, nước sạch, y tế, hệ thống chỉ dẫn… tại các điểm du lịch, phù hợp với nhu cầu của du khách, đảm bảo hài hòa với không gian, cảnh quan gắn với đặc trưng văn hóa; nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động và quản lý các điểm đến bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, Sở Du lịch cũng sẽ triển khai hiệu quả Chương trình phát triển du lịch nông thôn, du lịch làng nghề trong xây dựng nông thôn mới; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nông thôn; đa dạng hoạt động trải nghiệm du lịch làng nghề, du lịch nông thôn. Đặc biệt, khuyến khích người dân áp dụng các giải pháp, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan liên ngành kiểm tra mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp tham quan vườn cây ăn trái; xử lý nghiêm cơ sở không tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường, gây tác động xấu đến hệ sinh thái và tác động tiêu cực đến sức khỏe người dân.

"Để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, mỗi huyện, thị xã, thành phố có ít nhất một điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, làng nghề hoặc môi trường sinh thái; 100% các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch cam kết thu gom rác tập trung; sử dụng nước sạch và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong kinh doanh; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách…" - ông Đỗ Phước Trung cho hay.

Linh Nga