Xã hội

Đổi thay từ chương trình nông thôn mới!

Lê Hùng 28/11/2023 - 17:30

(TN&MT)- Đường xá thông thoáng, sáng, xanh, sạch, đẹp; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên… đó là cảm nhận của chúng tôi khi đến thăm các xã nông thôn mới (NTM) ở huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.

a1-cthanh.jpg
Cảnh quan Môi trường trên địa bàn huyện Châu Thành, Sóc trăng ngày càng xanh, sạch, đẹp.

Sạch và đẹp
Trong những ngày cuối năm 2023, tôi có dịp đi qua Tỉnh lộ 932 với chiều dài gần 5km thuộc các xã NTM Phú Tân, An Hiệp, huyện Châu Thành. Đón chúng tôi là màu xanh của những hàng cây xanh nối tiếp nhau; màu đỏ của hoa mười giờ xen lẫn màu vàng của hoa hoàng yến dọc theo các tuyến đường. Trong các ngõ, hẻm khu dân cư cảnh quan môi trường cũng sạch sẽ, thoáng mát tạo cảm giác thoải mái như được về nhà.

Là một trong những đoàn viên xã Phú Tân đang tham gia các hoạt động tạo cảnh quan sạch đẹp, anh Nguyễn Văn Bảy hân hoan chia sẻ: “Hưởng ứng chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn, trong những ngày này, chúng tôi đang tích cực phát quang bụi rậm, trồng thêm cây xanh, làm đẹp thêm cho các tuyến đường vào trung tâm xã”. Góp lời cùng anh Bảy, chị Nguyễn Thị Thoa, đoàn viên xã Phú Tân cho biết: “Ngoài thực hiện các hoạt động trên, tôi còn cùng các chị em trong xã tham gia mô hình: “biến rác thải thành tiền” hay “phụ nữ nói không với rác thải nhựa” góp phần giảm thiểu lượng rác thải nhựa phát sinh; kịp thời hỗ trợ, cải thiện đời sống cho nhiều người dân từ nguồn quỹ bán phế liệu”.

a3-cthanh.jpg
Các hoạt động tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp luôn được các tầng lớp nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng quan tâm thực hiện

Không chỉ tích cực tham gia xây dựng các tuyến đường xanh, sạch, đẹp mà người dân ở các xã Phú Tân, An Hiệp còn chủ động xử lý các loại chất thải phát sinh trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi vừa kinh tế vừa góp phần bảo vệ môi trường. Trước đây, giống như nhiều người dân khác, mỗi khi thu hoạch lúa xong, ông Nguyễn Hải Hòa ở xã An Hiệp lại gom rơm rạ đốt ngay trên đồng ruộng với mục đích tạo tơi xốp, màu mỡ cho đất. Thế nhưng, việc làm này của ông Hòa không chỉ gây lãng phí nguồn nguyên liệu phục vụ trồng trọt, chăn nuôi mà còn ảnh hưởng không tốt cho môi trường. “Khoảng hai năm nay, được sự hỗ trợ, hướng dẫn của địa phương, tôi đã tận dụng rơm trộn với chất thải gia súc, gia cầm ủ làm phân hữu cơ để bón lót cho cây trồng. Cách làm này giúp gia đình tôi giảm được đáng kể chi phí đầu tư sản xuất, cải thiện thu nhập rất nhiều”- ông Hòa phấn khởi nói.

Theo ông Thái Hồng Hà, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Châu Thành, hiện nay, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân ở các xã trên địa bàn huyện tận dụng các phế phẩm sau thu hoạch, còn tích cực tham gia các hoạt động thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa một lần, góp phần xây dựng quê hương ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp.

a2-cthanh.jpg
Phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn, chất lượng cao đang góp phần nâng cao thu nhập cho người dân ở các xã NTM Phú Tân, An Hiệp.

Đời sống người dân ngày càng khởi sắc

Xã Phú Tân, huyện Châu Thành là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với hơn 4.280 hộ, chiếm trên 70% tổng dân số toàn xã. Trong những năm gần đây, nhờ thụ hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội từ chương trình xây dựng NTM, NTM nâng cao; chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, đời sống người dân nơi đây ngày một khấm khá. Đang loay hoay chỉnh chu lại mấy líp đất trồng hoa màu để phục vụ bà con dịp Tết nguyên đán 2024, qua vài câu xã giao về tình hình sản xuất cũng như đời sống của người dân, ông Thạch Sơn ở ấp Phước An, xã Phú Tân bộc bạch: Vài năm trở lại đây, nhờ sự quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn của các cơ quan, đơn vị địa phương trong việc thực hiện những mô hình sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu đã giúp cho đời sống của gia đình ông cũng như nhiều hộ dân khác có nhiều đổi thay.

“Hiện nay, 5 công đất trồng hai vụ lúa, một vụ màu mỗi năm cũng mang lại lợi nhuận cho tôi gần trăm triệu đồng. Số tiền này không chỉ giúp tôi đủ trang trải sinh hoạt hàng ngày của gia đình mà còn tích lũy được một ít để dưỡng già”- ông Thạch Sơn chia sẻ.

Trước đây, dù có 6 công đất nhưng cuộc sống của gia đình ông Nguyễn Văn Buôl ở ấp Phước An luôn gặp khó khăn. Năm 2016, hưởng ứng chủ trương tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng tập trung, bền vững của chính quyền địa phương, ông Buôl đã đưa đất của gia đình vào Hợp tác xã sản xuất Nông nghiệp Phước An. Từ khi đưa đất vào Hợp tác xã, việc sản xuất của gia đình ông thuận lợi hơn nhiều vì xung quanh đã có hệ thống bờ bao, cống bọng khép kín, lúa thu hoạch được bao tiêu đầu ra.

Ông Nguyễn Văn Buôl tính toán: "Mỗi năm trừ đi chi phí vẫn còn lãi vài chục triệu đồng, cao hơn nhiều so với thời điểm chưa vào hợp tác xã. Với số tiền này đã giúp cho cuộc sống của gia đình tôi đỡ vất vã hơn trước”.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Tân cho biết, trước đây xã tôi thuộc diện khó khăn của huyện, nhưng nhờ thụ hưởng từ các chương trình, dự án đầu tư của Trung ương, tỉnh, huyện mà những năm gần đây, lĩnh vực kinh tế - xã hội của xã đã có nhiều đổi thay, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 56 triệu động/năm, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn hơn 100 hộ;…

a4-cthanh.jpg
Một tuyến đường đẹp tại xã NTM Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng

Theo ông Nguyễn Hữu Nguyên, với mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân, kéo giảm số hộ nghèo xuống còn hai con số vào năm 2025, hiện nay xã Phú Tân đang tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn; thường xuyên gia cố các công trình thủy lợi nội đồng để chủ động ứng phó với các hiện tượng cực đoan của biến đổi khí hậu, giúp người dân yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Không riêng gì xã Phú Tân, trong vài năm trở lại đây đời sống người dân ở xã NTM An Hiệp cũng có nhiều khởi sắc. Theo báo cáo của UBND xã An Hiệp, tính đến đầu năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 60 triệu đồng/năm, số hộ nghèo giảm chỉ còn 183 hộ. Xã Xã An Hiệp đang trong quá trình xây dựng xã NTM nâng cao, để hoàn thành mục tiêu này, xã An Hiệp đang phấn đấu đến cuối năm 2024 nâng mức thu nhập bình quân đầu người của xã lên 68 triệu đồng/năm; số hộ nghèo theo chuẩn mới chỉ còn khoảng 88 hộ;...

Những thành quả ở các xã NTM nói trên đã góp phần biến Châu Thành trở thành nơi mà con người và thiên nhiên hòa quyện vào nhau, tạo nên một bức tranh tươi sáng về một vùng quê đáng sống. Hy vọng rằng, những khởi sắc về môi trường và đời sống người dân xã Phú Tân, An Hiệp sẽ là động lực tiếp sức cho các địa phương trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng phấn đấu vươn lên đạt chuẩn xã NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Lê Hùng