Khoáng sản

Bổ sung nội dung hoạt động chế biến, sử dụng, xuất khẩu khoáng sản vào Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản: Đảm bảo quản lý toàn diện khoáng sản

Mai Đan 28/11/2023 - 11:32

(TN&MT) - Góp ý cho Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, nhiều ý kiến cho rằng phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật không có sự chồng chéo với phạm vi điều chỉnh của các Luật liên quan. Tuy nhiên, hoạt động chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản chưa được quy định và làm rõ chức năng quản lý nhà nước trong phạm vi điều chỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Nghị quyết số 10-NQ/TW, công tác quản lý quy hoạch, điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản, thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản phải có tầm nhìn chiến lược, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cả trước mắt, trung và dài hạn; hài hòa giữa bảo tồn và phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, cảnh quan, di tích lịch sử, văn hóa, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia...

11(1).jpg
Ngành than chủ động áp dụng công nghệ hiện đại

Có thể thấy, hoạt động chế biến khoáng sản rất phong phú, đa dạng với nhiều công đoạn khác nhau từ phân loại làm giàu, đập, nghiền, sàng, tuyển (tinh quặng) nâng cao hàm lượng đến sản xuất ra các sản phẩm là bán thành phẩm (gang, phôi thép, chì thỏi, kẽm thỏi...) đến các sản phẩm cuối cùng (như xi măng, phân bón, thép, vàng...). Tuy nhiên, một số bộ, ngành, địa phương cho rằng Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản hiện chưa điều chỉnh công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động trên, vì vậy, đề nghị xin ý kiến Thành viên Chính phủ để xem xét, quyết định vấn đề này.

Cụ thể, Bộ Xây dựng đề nghị nghiên cứu bổ sung vào phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản nội dung liên quan đến hoạt động "chế biến và xuất khẩu khoáng sản". Bộ Xây dựng giải thích: Trong Luật khoáng sản 2010, duy nhất có 1 nội dung về xuất khẩu khoáng sản quy định tại điểm d khoản 1 Điều 55; do vậy cần nghiên cứu bổ sung vào phạm vi điều chỉnh và một số nội dung mang tính định hướng về việc chế biến và xuất khẩu khoáng sản để đảm bảo việc quản lý toàn diện mọi hoạt động liên quan đến lĩnh vực khoáng sản, trong đó có khai thác khoáng sản phải gắn với chế biến, sử dụng khoáng sản theo nội dung quan điểm Nghị quyết số 10-NQ/TW, đồng thời đảm bảo việc tương thích với nội dung của quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản quy định tại Điều 17 và Điều 18 của Dự thảo Luật.

UBND tỉnh Điện Biên cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét nghiên cứu bổ sung thêm quy định về "hoạt động chế biến khoáng sản" để thuận lợi trong công tác quản lý.

Theo Sở TN&MT Đà Nẵng, Điều 1. Phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản nêu: "Luật này quy định việc điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản; bảo vệ tài nguyên địa chất, khoáng sản chưa khai thác; thăm dò, khai thác khoáng sản; quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản...", không bao gồm hoạt động chế biến khoáng sản. Tuy nhiên, tại một số điều như Điều 15, 17, 18 của Dự thảo Luật lại có quy định về chế biến khoáng sản.

Do đó, Sở TN&MT Đà Nẵng đề nghị đơn vị chủ trì xây dựng Dự thảo Luật đánh giá lại nội dung này để điều chỉnh cho phù hợp. Trường hợp có quy định về chế biến khoáng sản thì phải bổ sung nội dung này vào phạm vi điều chỉnh của Dự thảo (tại Điều 1 Dự thảo); đồng thời, nghiên cứu quy định cụ thể về hoạt động chế biến khoáng sản (việc cấp phép chế biến khoáng sản, quyền lợi, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được phép chế biến khoáng sản và các điều kiện liên quan khác...).

Hoạt động chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản là một trong những nội dung được Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan. Bên cạnh nội dung này, Bộ cũng đã và đang chủ động rà soát các quy định hiện hành của pháp luật có liên quan đến nội dung Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản để xây dựng báo cáo rà soát nhằm sớm hoàn thiện Dự thảo Luật đảm bảo tiến độ.

Mai Đan