Kinh tế

Kinh tế tuần hoàn - Trung hoà Carbon: Con đường tất yếu của doanh nghiệp

Châu Tuấn - Ngọc Trâm 27/11/2023 18:15

(TN&MT) - Ngày 27/11, trong khuôn khổ sự kiện công bố Giải báo chí Phát triển xanh lần thứ Nhất do CLB Báo chí Phát triển Xanh hướng đến NetZero Carbon (GREEN MEDIA HUB), phối hợp với Báo Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Văn hoá Báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức đã diễn ra các phiên tọa đàm “Kinh tế tuần hoàn - từ thực tiễn đến chính sách” và “Thị trường Tài chính Carbon: Cơ hội và Thách thức”. Tại hai phiên tọa đàm, các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia kinh tế đã có góc nhìn thú vị về những nội dung này.

tang-hoa-cac-don-vi-dong-hanh.jpg
Các đơn vị, doanh nghiệp đồng hành Giải thưởng nhận hoa và biểu trưng chứng nhận của Ban Tổ chức Giải Báo chí phát triển Xanh. Ảnh: Duy Anh

Chuyển đổi xanh là yêu cầu bắt buộc

Chia sẻ với các doanh nghiệp, TS Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia; Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia; Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển tài chính Carbon - CODE, đã khái quát về bức tranh thị trường Carbon ở một số nước trên Thế giới và từ đó, nêu những thuận lợi cũng như thách thức của các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia thị trường này.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, kinh tế xanh, kinh tế carbon, thị trường carbon... không phải là chỉ một vấn đề môi trường mà nó còn là cả một thời đại kinh tế, thời đại chuyển đổi bắt buộc đặc biệt là báo cáo về phát thải, chỉ số carbon.... “Sau này, trong tương lai rất gần tôi nghĩ việc minh bạch thông tin này chắc chắn sẽ mang tính chất bắt buộc. Khi niêm yết trên sàn, bên cạnh báo cáo tài chính, các doanh nghiệp sẽ phải có báo cáo về việc định lượng, kiểm kê toàn bộ số lượng phát thải khí nhà kính của mình. Báo cáo về phát thải nhà kính cần là một bản báo cáo bắt buộc công bố định kỳ bên cạnh bản báo cáo tài chính...” - ông Lê Xuân Nghĩa nói.

3-ts-nghia.jpg
TS Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia; Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Duy Anh

Ở góc nhìn tương tự, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách TN&MT (Bộ TN&MT) đánh giá: Vai trò của các doanh nghiệp trong việc giảm phát thải là rất quan trọng. Hiện nay việc chuyển đổi xanh là yêu cầu bắt buộc của các doanh nghiệp. Với khái niệm thể chế kinh tế tuần hoàn bao gồm chuyên suất luật bảo vệ môi trường thì chúng ta đặt ra yêu cầu và kinh tế vượt hơn về các quy định về quyền phân loại rác thải tại nguồn, quy định về mở rộng rất nhiều người sản xuất quy luật về qui định về tờ phiếu xanh kinh tế tuần hoàn sinh thái, đây là tất cả những cái quy định được thiết kế để phục vụ cho mô hình kinh tế tuần hoàn phân tích từ trước đến nay.

“Nói một cách đơn giản ở đây là tất cả những cái mà chúng ta đang được hưởng, sử dụng miễn phí nước, miễn phí không khí, miễn phí đất đai…miễn phí thì dần dần cái tài nguyên đó phải có phí, hiện nay là bảo quản đất đã có phí, có phí để đảm bảo cẩn thận công bằng trong thời gian tới chúng ta phải đưa về quy định và chi trả dịch vụ khi sử dụng” - PSG.TS Nguyễn Đình Thọ cho hay.

Tôi rất mừng về những hoạt động của Green Media Hub của chúng ta hôm nay.

Đây có thể là cơ sở để chúng ta có thể truyền thông tới doanh nghiệp, người dân để chúng ta có thể thực hiện thành công mô hình kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam và cảm ơn các doanh nghiệp đã đồng hành cùng với Chính phủ và cùng với cộng đồng để chung tay vì một thế giới thịnh vượng và an lành cho con người và hành tinh của chúng ta.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ

Việt Nam chúng ta đã cam kết rác thải bằng 0 đến năm 2050, từ quy định đến phân rác tại nguồn. Từ trước đến nay chúng ta gần như đang sử dụng miễn phí, nhưng rồi cũng nên dần dần tính phí chi trả cho hệ sinh thái tự nhiên nhằm để cân bằng phát triển và sử dụng tái tạo lại nhằm cân bằng thế hệ hiện nay và mai sau. PGS.TS Nguyễn Đình Thọ nhấn mạnh: trong luật bảo vệ môi trường đã quy định dịch vụ sinh thái và theo quy định này tất cả quyền chúng ta là có nghĩa tất cả những người sử dụng đều phải trả phí, ai sử dụng được cái mới được chuyển ra tự nhiên đều phải chi trả mà giải quyết được ba cái mối quan hệ cân bằng đó là cân bằng giữa phát triển bảo tồn, cân bằng giữa miền ngược và miền xuôi khu vực bảo tồn và khu vực chuyển đổi mục đích và phải cân bằng cho thế Thế hệ mai sau. Nếu chúng ta không thực hiện các quy định về tuần hoàn thì chúng ta sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.

4-toa-dam-1.jpg
Đại biểu chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: Duy Anh

Thị trường tín chỉ carbon trên thế giới hoạt động rất sôi động

Trả lời câu hỏi của các doanh nghiệp và giới truyền thông quan tâm, TS Bùi Đức Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ TN&MT cho rằng, hiện nay thị trường tín chỉ các-bon trên thế giới hoạt động rất sôi động, ở khắp các châu lục, tuy nhiên mỗi một quốc gia, mỗi khu vực có cách thức và lịch sử vận hành khác nhau.

Cụ thể, đầu tiên về thời gian triển khai thực hiện, thị trường các-bon của Liên minh Châu Âu là được hình thành sớm nhất trên thế giới vào năm 2005, đến nay trải qua 05 giai đoạn. Tiếp theo đó là đến thị trường Hàn Quốc vận hành thử nghiệm vào năm 2012, chính thức vào năm 2015 và trải qua 03 giai đoạn. Thị trường Trung Quốc vận hành thử nghiệm năm 2012 tại một vài tỉnh và chính thức toàn quốc năm 2022, Anh từ năm 2021, Nhật Bản vừa kết thúc thử nghiệm, vận hành chính thức từ 4/2023...

Vậy cơ hội của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc hợp tác quốc tế để chia sẻ “nguồn lợi” từ dòng tài chính này như thế nào? TS Bùi Đức Hiếu cho biết: Đối với nước ta, là nước đang phát triển, nền kinh tế, sản xuất đang có độ mở cao, nếu chúng ta áp dụng sớm thị trường, đồng nghĩa với việc bắt buộc các doanh nghiệp giảm phát thải, sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế, doanh nghiệp phải bỏ rất nhiều chi phí để chuyển đổi công nghệ.

“Mà các công nghệ để giảm phát thải lại rất đắt đỏ, ngoài chi phí mua, chuyển đổi công nghệ, còn phải xem xét đến đội ngũ nhân lực vận hành, làm chủ các công nghệ, máy móc đó. Tuy nhiên, chúng ta phải làm, chúng ta phải chuyển đổi, nếu không chúng ta sẽ tụt hậu với thế giới” - TS Bùi Đức Hiếu nói.

Liên quan đến lợi ích doanh nghiệp, ông Bùi Đức Hiếu cho rằng, doanh nghiệp sẽ có nhiều mặt lợi và cũng sẽ có nhiều thách thức phải đối mặt trong cuộc chơi hướng tới net zero và thị trường các-bon.

Về mặt vĩ mô, doanh nghiệp giảm phát thải, tham gia thị trường các-bon là cùng Chính phủ để thực hiện cam kết quốc tế trong giảm phát thải. Trực tiếp đóng góp vào công cuộc bảo vệ loài người trước tác động của biến đổi khí hậu.

Về những mặt lợi trực tiếp mà doanh nghiệp có được: Tham gia thị trường các-bon, tài chính xanh chắc chắn sẽ làm tăng thương hiệu của doanh nghiệp, qua đó sẽ giúp doanh nghiệp có nhiều điểm cộng trong đàm phán, xuất khẩu sản phẩm; Bên cạnh đó, doanh nghiệp thực hiện giảm phát thải cũng là cơ hội để chính doanh nghiệp thay đổi mô hình sản xuất, công nghệ vì chúng ta không ai cứ sống với cái cũ mãi, phải luôn làm mới mình để tồn tại và phát triển. Qua đó tạo ra tín chỉ để bán ra thị trường, thu về lợi nhuận.

Còn đối với các doanh nghiệp trung gian mua bán tín chỉ, sàn giao dịch, ông Bùi Đức Hiếu cho rằng đây cũng là cơ hội có thêm một sản phẩm để kinh doanh trao đổi. “Và cũng như các nước trên thế giới, tôi tin thị trường giao dịch tín chỉ của chúng ta sẽ rất sôi động...” - TS Bùi Đức Hiếu nói.

2-ts-hieu-vu-htqt-2.jpg
Đại biểu chia sẻ tại Tọa đàm. Ảnh: Duy Anh

Doanh nghiệp đã sẵn sàng

Theo bà Lê Thị Ngọc Mỹ - Giám đốc phát triển Bền vững HEINEKEN Việt Nam, chia sẻ một trong những điểm mấu chốt để áp dụng thành công mô hình kinh tế tuần hoàn đó là nâng cao nhận thức và năng lực: sau nhiều năm áp dụng kinh tế tuần hoàn theo mô hình 3Rs (Reuse, Reduce và Recycle), trong tiếng Việt là Tái sử dụng, Giảm thiểu và Tái chế, HEINEKEN Việt Nam mong muốn tiến xa hơn trên hành trình áp dụng kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.

Và đó còn là sự lan tỏa thực hành trong cả công việc và cuộc sống hàng ngày. Từ những việc nhỏ như chương trình Văn Phòng Xanh kêu gọi phân loại rác, hạn chế sử dụng nhựa 1 lần, lập trạm mượn ly và hộp đựng thức ăn cho nhân viên khi cần mua cà phê, trà sữa và thức ăn từ bên ngoài mang vào văn phòng. Khu vực thư giãn và uống cà phê tại nhà máy Đà Nẵng được làm từ các vật liệu đã qua sử dụng. Greener Bar đặt tại các sự kiện của nhãn hàng Heineken được thiết kế và xây dựng với 100% các vật liệu có thể tái sử dụng và tái chế sau sự kiện. “Và đặc biệt, đó là vai trò của truyền thông: chia sẻ và lan tỏa thực hành kinh tế tuần hoàn trong nội bộ công ty cũng như bên ngoài nhằm chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi và nhân rộng các thực hành tốt và khuyến khích sáng tạo trong thực hành kinh tế tuần hoàn” - bà Lê Thị Ngọc Mỹ nói.

Ở góc nhìn tương tự, ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông, Nestlé Việt Nam, cần thiết phải dịch chuyển từ mô hình kinh tế tuyến tính (khai thác tài nguyên thiên nhiên để sản xuất nguyên vật liệu và sản phẩm, bán ra thị trường và thải rác ra môi trường) sang mô hình kinh tế tuần hoàn (sản xuất, tiêu dùng và tái chế nhằm tăng vòng đời của nguyên liệu và sản phẩm) nhằm giúp giảm khai thác tài nguyên và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tại Việt Nam, Nestlé là một trong những doanh nghiệp tiên phong với các sáng kiến giúp giảm phát thải và bảo vệ tài nguyên. Trong đó, các cải tiến thiết kế nhằm loại bỏ những phần bao bì không cần thiết, giảm sử dụng nhựa nguyên sinh, thay thế bằng nguyên liệu thân thiện môi trường đã giúp Nestlé Việt Nam giảm gần 2.500 tấn bao bì nhựa trong 2 năm (2021 - 2022). Đến nay, khoảng 94% bao bì sản phẩm của công ty được thiết kế có thể tái chế và tái sử dụng.

Một số sáng kiến của Nestlé Việt Nam có thể kể đến như sử dụng nhựa PE tái sinh cho bao bì sản phẩm NESCAFÉ, chuyển từ ống hút nhựa dùng một lần sang ống hút giấy đạt chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (FSC) đối với toàn bộ sản phẩm uống liền. Hiện Nestlé Việt Nam cũng đang hướng đến sử dụng bao bì đơn lớp giúp tái chế dễ dàng hơn.

Trong sản xuất, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn đã giúp tất cả các nhà máy của Nestlé Việt Nam đạt mục tiêu “Không chất thải chôn lấp ra môi trường” từ năm 2015, thông qua hoạt động thu gom, phân loại, tái chế và tái sử dụng chất thải. Hiện 100% bã cà phê sau sản xuất của Nestlé Việt Nam được tái sử dụng làm nguyên liệu sinh khối, giúp giảm tiêu thụ khí đốt và giảm thải khí CO2. Bùn thải không nguy hại từ hoạt động sản xuất sau khi được xử lý cũng dùng để sản xuất phân bón. Cát thải lấy từ lò hơi được cung cấp cho nhà sản xuất gạch không nung tại địa phương, phục vụ cho các công trình xây dựng. Một khi sản phẩm đến tay người dùng, sự đón nhận và chung tay của người tiêu dùng đối với sản phẩm đến từ kinh tế tuần hoàn sẽ là động lực để doanh nghiệp tiếp tục chuyển đổi. Chính vì thế, Nestlé Việt Nam thực hiện nhiều hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi tiêu dùng, bao gồm: Triển khai hàng loạt chương trình như "Nói không với nhựa dùng một lần", "Thu gom và phân loại bao bì đã qua sử dụng"… Không chỉ áp dụng thực hành kinh tế tuần hoàn trong doanh nghiệp của mình, hiện Nestlé Việt Nam còn đang hỗ trợ mạnh mẽ nông dân chuyển dịch sang nông nghiệp tái sinh.

2-ben-le.jpg
Các đại biểu trao đổi bên lề Hội thảo

Theo ông Khuất Quang Hưng, chính phủ Việt Nam đã có cam kết về mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Bên cạnh đó, chính phủ cũng đã ban hành những chính sách và chiến lược nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững trong các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, cũng như định hướng thu hút đầu tư thế hệ mới.

Là doanh nghiệp hàng đầu về thực phẩm, Nestlé tập trung vào các nhóm giải pháp về giảm khí thải nhà kính trong toàn bộ chuỗi cung ứng, cũng như thực hiện vai trò thúc đẩy sự chuyển đổi sang phương thức canh tác nông nghiệp bền vững nhằm xây dựng hệ thống thực phẩm tái sinh, góp phần đảm bảo nguồn cung lương thực bền vững, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, tăng cường sinh kế và đa dạng sinh học. Nông nghiệp bền vững theo cách tiếp cận của Nestlé là canh tác thuận tự nhiên. Lâu nay, để tăng năng suất cây trồng, người nông dân đã sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu một cách không kiểm soát, ảnh hưởng xấu đến chất lượng đất trồng. Nếu tiếp tục phương thức canh tác này, có thể sẽ không còn thực phẩm cho các thế hệ tương lai. Vì thế, Nestlé khuyến khích người nông dân chuyển đổi sang nông nghiệp tái sinh - một phương thức dựa trên chất lượng đất và cây trồng. Nestlé tin rằng phương thức này có thể giúp bảo vệ được hành tinh của chúng ta.

Ông Khuất Quang Hưng cho biết: “Nestlé Việt Nam có được nguồn lực, kiến thức và kỹ thuật từ tập đoàn, đồng thời chia sẻ, tập huấn các phương thức canh tác bền vững với người nông dân. Để người nông dân thay đổi thói quen canh tác như giảm sử dụng phân bón hóa học là rất khó nhưng các cán bộ nông nghiệp của Nestlé Việt Nam luôn sát cánh với người nông dân để họ hiểu và có thể áp dụng. Nestlé Việt Nam cần phải thúc đẩy sự thay đổi, từ những việc nhỏ như giúp người nông dân biết khi nào cần tưới nước cho cây vì việc sử dụng nhiều nước tưới không tốt cho đất trồng. Nestlé Việt Nam cũng khuyến khích việc trồng xen canh hợp lý giữa cây cà phê với các loại cây khác như hồ tiêu. Việc này không chỉ tốt cho cây trồng, mà còn giúp người nông dân có thêm thu nhập”.

Ở góc độ ngành, ông Nguyễn Quốc Khanh - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) - cho biết, với cam kết về mục tiêu Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 và cam kết chống suy thoái rừng theo quy định chống phá rừng EUDR của Ủy ban châu Âu sẽ áp dụng vào cuối năm 2024, ngành gỗ vừa có cơ hội lớn lâu dài lại vừa có thách thức trước mắt.

Theo ông Khanh, ngành gỗ được hưởng lợi từ xu hướng sử dụng các vật liệu gỗ thay thế cho cho các vật liệu có phát thải cao như kim loại, nhựa, bê tông... Bên cạnh đó, gỗ không chỉ được sử dụng nhiều trong sản phẩm nội thất như trước đây, mà sẽ có cơ hội lớn trong nghành xây dựng với Mass Timber (gỗ cấu kiện lớn). Ngoài ra, vật liệu từ gỗ cũng sẽ được dùng nhiều trong ngành năng lượng sinh khối tái tạo (renewable biomass energy), ngành tiêu dùng, bao bì... vì khả năng phát thải thấp, dễ phân hủy và tái chế. “Với khả năng phát thải âm, ngành công nghiệp gỗ và đặc biệt là lâm nghiệp có thể đạt lượng tín chỉ carbon để giao dịch bù đắp cho các ngành công nghiệp khác”- ông Khanh nhận định.

Ông Nguyễn Quốc Khanh cho rằng thách thức để doanh nghiệp tham gia vào thị trường carbon rất lớn. Vì vậy ngoài việc có các chính sách pháp luật, rất cần có một cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho thị trường này gồm cả xây dựng cơ sở dữ liệu cho quản trị, chuyển đổi số, sự vào cuộc các định chế ngân hàng, bảo hiểm cần vào cuộc để tạo ra cơ chế thúc đẩy trồng rừng gỗ lớn, vừa tạo đầu ra có giá trị gia tăng cao, vừa thêm thu nhập từ tín chỉ carbon.

Châu Tuấn - Ngọc Trâm