Tiếng dân

Thường Xuân – Thanh Hóa: Liệu có “bội thực” nhà máy sắn ?

Đức Hải 27/11/2023 17:21

(TN&MT) - Tỉnh Thanh Hóa hiện có 5 nhà máy sắn hoạt động, ngoài việc bao tiêu sắn nguyên liệu cho người dân, các công ty này còn sang các tỉnh lân cận để mua sắn tươi về phục vụ cho hoạt động sản xuất của nhà máy. Tuy nhiên, mới đây, lại có 1 doanh nghiệp xin chủ trương đầu tư nhà máy sắn, nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu là rất cao. 5 doanh nghiệp làm đơn kiến nghị lên Hiệp hội sắn và tỉnh Thanh Hóa đề nghị cân nhắc việc cấp phép.

Quá nhiều nhà máy sắn

Trao đổi với phóng viên, ông Mai Xuân Chung, Giám đốc Công ty CP Sản xuất, Chế biến Nông lâm sản và Vật tư nông nghiệp Phúc Thịnh, là một trong 5 đơn vị cùng ký đơn kiến nghị gửi Báo Tài nguyên và môi trường cho biết: Vừa qua, chúng tôi thấy công bố có doanh nghiệp khác nhảy vào lĩnh vực chế biến sắn khiến cho 5 doanh nghiệp đang chế xuất sắn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa bức xúc vì có nguy cơ cạnh tranh về vùng nguyên liệu. Nhiều năm qua, hầu hết nguồn sắn nguyên liệu bà con trồng, cả 5 nhà máy đều mua và tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Bản thân Công ty Phúc Thịnh cũng đang phải đi nhập sắn thêm từ các huyện giáp ranh với Thanh Hóa như Sơn La, Hòa Bình mới đủ nguyên liệu đáp ứng cho công suất của nhà máy.

xe-san-cho-tu-son-la-ve-nha-may-do-thieu-nguyen-lieu-tai-dia-phuong-2-.jpg
Các doanh nghiệp tại Thanh Hóa đang phải nhập sắn từ tỉnh Sơn La về để làm nguyên liệu, phục vụ nhà máy

Cùng chung nỗi niềm như công ty Phúc Thịnh, ông Hà Ngọc Sơn, Chủ cơ sở chế biến Sơn Dung cho biết: Hàng năm, nguồn nguyên liệu của doanh nghiệp thu mua thường không đủ. Nếu giờ thêm nhà máy, thì bản thân các doanh nghiệp phải cạnh tranh nhau nguồn nguyên liệu. Ông Sơn chia sẻ thêm: Trong các báo cáo hàng năm của ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, diện tích trồng sắn của toàn tỉnh chỉ khoảng 10.000 ha. Năng suất bình quân khoảng 17 tấn/ha. Như vậy, tính ra sản lượng chỉ đạt khoảng từ 170.000 – 180.000 tấn mỗi năm. Nếu so sánh công suất của 5 nhà máy, thì nhu cầu sản lượng cần khoảng 450.000 tấn/năm. Vì thế, các nhà máy đều phải có nhiều nguồn sắn từ các tỉnh khác chở về, hoặc từ Lào sang. Căn cứ theo Công văn số 736/TB-BNN-VP, ngày 31/1/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khi nói về ngành sắn, thì việc phê duyệt chủ trương đầu tư phải gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu, đảm bảo cân đối giữa quy mô sản xuất, khoảng cách giữa các vị trí của nhà máy… Bởi vậy chúng tôi mới có ý kiến, ông Sơn chia sẻ.

mot-vung-nguyen-lieu-san-cua-mot-doanh-nghiep.jpg
Cây sắn, vốn đầu tư ít, phù hợp với đất đồi, trồng được ở mọi nơi, mọi chỗ. Người dân nghèo cũng có thể trồng được, chủ yếu chỉ bỏ sức lao động ra là có sản phẩm.

Làm việc với ông Lê Bỉnh Quân, Chánh Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa, Phóng viên được ông Quân cho biết: Dự án nhà máy sắn Luận Thành có tổng mức đầu tư khoảng 75 tỷ, trong đó vốn vay là 60 tỷ. Diện tích thực hiện dự án khoảng 59.989,6 m2. Trong đó là đất nông nghiệp. Hiện tại, công ty đang hoàn thiện các thủ tục như hồ sơ sử dụng đất, xây dựng, bảo vệ môi trường, đấu nối giao thông… để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án…

Thêm nhà máy - thêm nỗi lo

Từ đơn thư phản ánh, Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có dịp “mục sở thị” tại nơi nhà máy đang được chấp thuận chủ trương đầu tư. Chị L.T.T, sinh sống ở xã Luận Thành, nhà ở sau dự án nhà máy sắn cho biết: Vừa rồi, Công ty Lan Anh về và vận động bà con nhân dân chuyển nhượng đất đai cho họ làm nhà máy sắn. Nhà chị cũng có cái ao, thấy bà con nhân dân nhận tiền đền bù, giải phóng mặt bằng nên gia đình chị cũng đành chuyển nhượng cái ao cho phía công ty được hơn 40 triệu đồng. Sau này, chị mới biết, họ dự kiến làm cái bể chứa nước thải gần suối, gần nhà, khiến chị lo lắng. Chị T cho biết: Gia đình sợ nhất là mùi hôi thối bốc ra từ bã sắn nên đề nghị phía công ty và chính quyền địa phương cần phải có cam kết với dân, tránh tình trạng gây ô nhiễm.

ba-lo-thi-thuong.jpg
Người dân lo lắng về bể thải dự kiến xây dựng sát khu dân cư.

Còn ông L.V.C, cạnh nhà chị T cũng cho biết: Khi lấy ý kiến khu dân cư, người dân thắc mắc về tình trạng môi trường, mùi hôi thối bốc ra… thì ông Tám, đại diện cho doanh nghiệp có “hứa” làm sẽ đảm bảo được về môi trường cho bà con, miễn sao bà con đồng ý. Đây chỉ là lời hứa của đại diện doanh nghiệp, chứ thực tế còn rất xa vời.

Qua tìm hiểu, phóng viên được biết: Đến nay, dự án Nhà máy sắn do Công ty cổ phần Lan Anh TD, có địa chỉ tại xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa mới được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp giấy chấp thuận chủ trương đầu tư theo Quyết định số 2926/QĐ-UBND, ngày 17/8/2023. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm.

Ông Trần Văn Anh, Chủ tịch UBND xã Luận Thành cho biết: Theo báo cáo bước đầu, Dự án nhà máy sắn Luận Thành được đặt trên 2 xã là Luận Thành và Xuân Cao. Khi được hỏi, vì sao chưa có quyết định giao đất, mà ông Tám, đại diện Công ty Lan Anh đã cho máy xúc, bạt đất làm đường thì ông Anh cho biết: Có thể là do người dân địa phương nhờ họ sửa đường đi lại cho tiện. Nhưng giờ thì thôi xúc đất rồi, ông Anh nói.

con-duong-da-lam.jpg
Con đường đã được nắn vòng về đằng sau của dự án, trước khi vào khu dân cư. Và cũng tránh luôn khu đất mà Công ty Lan Anh đang tiến hành làm thủ tục đầu tư.

Phân tích với phóng viên về việc sản lượng nông sản thì ít, mà doanh nghiệp đông, sẽ cạnh tranh nhau về thị phần, vùng nguyên liệu. Luật sư Nguyễn Thu Phương, Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích: “Việc trên địa bàn đã có 5 nhà máy sắn hoạt động, mà nguyên liệu sản xuất vẫn thiếu, thì các lãnh đạo địa phương cần cân nhắc. Thậm chí cần phải làm rõ "vùng nguyên liệu" để cân đối, làm sao cho các “nhà đầu tư” có hiệu quả. Nếu để đến lúc nhiều nhà máy mà không hiệu quả, sẽ cạnh tranh không lành mạnh, không tốt”.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin...

Đức Hải