Sức khỏe phải là trọng tâm của các kế hoạch chống biến đổi khí hậu
(TN&MT) - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa công bố bản Đánh giá sức khoẻ năm 2023 trong các đóng góp do quốc gia tự quyết định và các chiến lược dài hạn, trong đó nêu rõ những hành động cần thiết để đảm bảo ưu tiên hàng đầu sức khỏe của người dân và lồng ghép vào các kế hoạch quốc gia nhằm chống biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu đã và đang gây hại cho sức khỏe và phúc lợi của con người. Từ bệnh tật do khí hậu khắc nghiệt gây ra đến tỷ lệ mắc bệnh và lây lan ngày càng tăng của các bệnh truyền nhiễm, sự gia tăng các bệnh về tim mạch và hô hấp do nhiệt độ cực cao và ô nhiễm không khí cho thấy, những tác động của khí hậu đến sức khỏe con người là không thể tránh khỏi.
Thực tế, thế giới đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc lồng ghép y tế vào kế hoạch Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và Chiến lược phát triển dài hạn, ít phát thải (LT-LEDS), với 91% NDC hiện có bao gồm các cân nhắc về sức khỏe, so với 70% được ghi nhận trong năm 2019.
Tuy nhiên, vẫn còn những khoảng trống lớn trong hành động cần được thực hiện. Hành động đầy tham vọng về ô nhiễm không khí có thể cứu nhiều mạng sống, nhưng hiện chỉ có 16% NDC bao gồm các mục tiêu, biện pháp hoặc chính sách độc lập nhằm giảm ô nhiễm không khí.
WHO đang hợp tác với Chủ tịch COP28 để chủ trì ngày đầu tiên dành riêng cho y tế tại COP vào ngày 3/12 tới và cuộc họp của các Bộ trưởng Y tế và Khí hậu, nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải đẩy nhanh hành động khí hậu tập trung vào sức khỏe ở mọi cấp độ.