Doanh nghiệp - doanh nhân

HEINEKEN Việt Nam hiến kế áp dụng thành công mô hình kinh tế tuần hoàn

Như Ý - Minh Tuấn (ghi) 27/11/2023 - 11:18

(TN&MT) - Tại tọa đàm “Kinh tế Tuần hoàn: Từ thực tế đến chính sách” vào sáng 27/11 tại TP. Hồ Chí Minh do Báo TN&MT và CLB Báo chí Phát triển xanh hướng đến Netzero Carbon tổ chức, đại diện HEINEKEN Việt Nam đã chia sẻ những thực hành và kết quả của việc áp dụng kinh tế tuần hoàn của HEINEKEN Việt Nam, đồng thời nêu quan điểm về những điểm chính để áp dụng thành công mô hình kinh tế tuần hoàn.

toa-dam.jpg
Bà Lê Thị Ngọc Mỹ - Giám đốc phát triển Bền vững HEINEKEN Việt Nam (giữa) cùng các khách mời tại Tọa đàm sáng 27/11. Ảnh: Duy Anh.

Theo bà Lê Thị Ngọc Mỹ - Giám đốc phát triển Bền vững HEINEKEN Việt Nam, HEINEKEN Việt Nam cam kết đồng hành phát triển cùng Việt Nam trong suốt hơn 30 năm qua, từ ngày đầu thành lập vào năm 1991.

Chiến lược phát triển bền vững “Vì một Việt Nam tốt đẹp hơn” của HEINEKEN Việt Nam gồm 3 trụ cột chính gồm: Môi trường: hướng đến tác động môi trường bằng không; Xã hội: hướng đến thế giới hòa nhập công bằng và bình đẳng; Uống có trách nhiệm: hướng đến văn hóa uống có trách nhiệm.

“Kinh tế tuần hoàn” là 1 trong 3 lĩnh vực chính của trụ cột môi trường, bên cạnh 2 lĩnh vực khác là “Phát thải ròng bằng không” và “Bảo tồn nguồn nước”. Trong kinh tế tuần hoàn, HEINEKEN Việt Nam nói riêng và HEINEKEN toàn cầu nói chung hướng đến 2 tham vọng là không rác thải chôn lấp trong sản xuất đến năm 2025 và xem rác thải là tài nguyên và khép vòng tuần hoàn trong toàn chuỗi giá trị.

HEINEKEN Việt Nam đạt “Không rác thải chôn lấp” tại 6/6 nhà máy từ năm 2021, sớm hơn 4 năm so với tham vọng 2025 của HEINEKEN Việt Nam và của HEINEKEN toàn cầu.

Bà Lê Thị Ngọc Mỹ cho hay, HEINEKEN Việt Nam đã áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn RESOLVE của tổ chức Ellen MacArthur Foundation, trong đó Re (Regenerate) là tái tạo; S (Share) là chia sẻ; (Optimize) là tối ưu hóa; L (Loop) là tuần hoàn; V (Virtualize) là số hóa; E (Exchange) là đổi mới.

Về tái tạo, HEINEKEN Việt Nam đã thu hồi biogas từ quy trình xử lý nước thải để làm nhiệt năng trong nấu bia.

Đối với chia sẻ và tuần hoàn trong bao bì, tất cả bao bì sản phẩm của HEINEKEN Việt Nam đều có thể tái chế, hơn 98% két nhựa được thu hồi và tái sử dụng từ 5 đến hơn 10 năm, 97% chai thủy tinh được tái sử dụng đến hơn 30 lần, lon nhôm được sản xuất với 40% nguyên liệu nhôm tái chế và 100% nguyên liệu giấy tái chế được dùng để sản xuất thùng carton.

HEINEKEN Việt Nam cũng tối ưu hóa trong kho vận, vận chuyển và sử dụng nguyên liệu trong sản xuất bao bì. Thùng carton với thiết kế sóng T đã giúp giảm hơn 3% nguyên liệu giấy. Lon nhôm, với thiết kế tối ưu hóa kích cỡ và độ dày của lon và nắp đã giúp giảm hơn 5% nguyên liệu nhôm nhưng vẫn đảm bảo chất lượng của bao bì khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

ba-le-thi-ngoc-my.jpg
Bà Lê Thị Ngọc Mỹ đã chia sẻ những điểm mấu chốt để áp dụng thành công mô hình kinh tế tuần hoàn. Ảnh: Duy Anh

Đặc biệt, HEINEKEN Việt Nam đã số hóa trong hoạt động văn phòng và sự kiện; đổi mới trong làm lạnh và kho vận, tủ lạnh xanh tiết kiệm điện, giúp giảm 63% phát thải CO2 và sử dụng xe nâng điện trong kho vận.

Từ kinh nghiệm thực hành của HEINEKEN Việt Nam, bà Lê Thị Ngọc Mỹ đã chia sẻ những điểm mấu chốt để áp dụng thành công mô hình kinh tế tuần hoàn. Theo đó, điểm chính thứ nhất là nâng cao nhận thức và năng lực: sau nhiều năm áp dụng kinh tế tuần hoàn theo mô hình 3Rs (Reuse, Reduce và Recycle), trong tiếng Việt là Tái sử dụng, Giảm thiểu và Tái chế, HEINEKEN Việt Nam mong muốn tiến xa hơn trên hành trình áp dụng kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.

Cuối năm 2018, HEINEKEN Việt Nam đã mời tiến sĩ LEYLA ACAROGLU của tổ chức Disrupt Design đến Việt Nam đào tạo về kinh tế tuần hoàn cho nhân viên chủ chốt của HEINEKEN Việt nam và nhóm nhân viên huấn luyện (trainer) về kinh tế tuần hoàn của HEINEKEN Việt Nam và 1 số công ty thành viên của VBCSD (Hội đồng Doanh nghiệp Vì sự phát triển bền vững).

HEINEKEN Việt Nam tiếp tục tham gia chia sẻ và tổ chức các hội thảo nhằm nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn trong nhân viên và cả cộng đồng bên ngoài bao gồm sinh viên, đối tác trong chuỗi cung ứng và doanh nghiệp.

Điểm chính thứ hai là lan tỏa thực hành trong cả công việc và cuộc sống hàng ngày. Từ những việc nhỏ như chương trình Văn Phòng Xanh kêu gọi phân loại rác, hạn chế sử dụng nhựa 1 lần, lập trạm mượn ly và hộp đựng thức ăn cho nhân viên khi cần mua cà phê, trà sữa và thức ăn từ bên ngoài mang vào văn phòng. Khu vực thư giãn và uống cà phê tại nhà máy Đà Nẵng được làm từ các vật liệu đã qua sử dụng. Greener Bar đặt tại các sự kiện của nhãn hàng Heineken được thiết kế và xây dựng với 100% các vật liệu có thể tái sử dụng và tái chế sau sự kiện.

Điểm chính cuối cùng là truyền thông: chia sẻ và lan tỏa thực hành kinh tế tuần hoàn trong nội bộ công ty cũng như bên ngoài nhằm chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi và nhân rộng các thực hành tốt và khuyến khích sáng tạo trong thực hành kinh tế tuần hoàn.

Như Ý - Minh Tuấn (ghi)