Môi trường

Cuộc thi “Đại sứ giảm nhựa” đã lan tỏa sâu rộng phong trào chống rác thải nhựa

PV 26/11/2023 14:52

Sau hơn một tháng phát động cuộc thi “Đại sứ giảm nhựa” nhiều tỉnh thành trên cả nước đã tích cực tham gia phổ biến, phát động cuộc thi, điển hình như: Hà Nội, Nam Định, Cao Bằng, Hà Nam, Ninh Thuận, Long An... Cùng với đó là sự đồng hành, phối hợp của Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Giáo dục và Đào tạo của các tỉnh thành trên cả nước nhằm lan tỏa, giáo dục kỹ năng, kiến thức và phương pháp về giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ môi trường cho thế hệ trẻ.

Ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở thành một trong những vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt. Theo Chương trình môi trường Liên Hợp quốc, hằng năm, trên thế giới có khoảng 400 triệu tấn nhựa được sản xuất, một nửa trong số đó được thiết kế để chỉ sử dụng một lần; trong số đó, ít hơn 10% được tái chế, ước tính có khoảng 19 - 23 triệu tấn được thải ra hồ, sông và biển hằng năm.

anh-thay-the-5.1.jpg

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, 0,28 - 0,73 triệu tấn trong số đó bị thải ra biển nhưng chỉ khoảng 27% trong số đó được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp; trong đó tại TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội, số lượng rác thải nhựa đưa ra môi trường lên đến 80 tấn/ngày.

Trong một trao đổi với báo chí, ông Tạ Anh Tuấn - Đại diện Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) cho biết: Hệ sinh thái biển toàn cầu đang đứng trước mối đe dọa liên quan đến rác thải nhựa, xuất phát từ những vật dụng tiện lợi, rẻ tiền gắn chặt với đời sống nhân loại nhiều năm qua. Đặc biệt, rác thải nhựa đại dương không chỉ gây ô nhiễm môi trường, tăng phát thải khí nhà kính, thúc đẩy gia tăng tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu, mà còn đe dọa sự sống của những sinh vật biển, hay sâu xa hơn là sức khỏe con người. Rác thải nhựa khó phân hủy, nằm lại dưới đáy đại dương, trở thành một phần thức ăn đầu độc các loài sinh vật biển.

anh-thay-the-5.jpg

Theo ông Tạ Anh Tuấn, để góp phần hạn chế tình trạng này, nhiều năm qua Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF) tại Việt Nam đã phối hợp cùng các cơ quan đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... triển khai một số chương trình kêu gọi người dân không sử dụng túi nilon khi đi mua sắm, phối hợp với phòng Giáo dục - Đào tạo và các trường học tại các địa bàn một số tỉnh triển khai các hoạt động về rác nhựa tới giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, việc thực hiện các chương trình truyền thông ở các địa phương còn nhiều điểm hạn chế. Thay bằng những biểu ngữ, khẩu hiệu sáo rỗng, công tác truyền thông giảm rác thải nhựa đại dương cần được thể hiện bằng những chương trình hành động cụ thể.

Hiện nay, Việt Nam đã và đang thực thi nhiều chiến lược để giảm thiểu rác thải nhựa và bảo vệ môi trường. Thông qua việc kiểm soát, giải quyết ô nhiễm nhựa bằng việc thực thi hiệu quả các chính sách quản lý chất thải rắn và chất thải nhựa; thực hiện các sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực; thúc đẩy việc từ chối từ đó hạn chế phát sinh rác thải nhựa, đặc biệt là nhựa dùng một lần; tăng cường tái chế, tái sử dụng; cải thiện hệ thống thu gom - phân loại rác tại nguồn; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn... chúng ta cùng hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn, hài hòa với thiên nhiên và gìn giữ tương lai cho thế hệ sau này.

393244139_1259623101389444_3171714487010707567_n.jpg
Ông Cao Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông Tài nguyên & Môi trường, phát động cuộc thi.

Với những nỗ lực không ngừng nhiều năm qua trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên, môi trường, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi Trường đã triển khai các chương trình, hoạt động bảo vệ môi trường nói chung và phòng, chống rác thải nhựa cho giới trẻ trên phạm vi cả nước. Nhằm tiếp tục hành động, duy trì và tăng cường các hoạt động phòng chống rác thải nhựa, năm 2023 - 2024, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường tổ chức cuộc thi “Đại sứ giảm nhựa”.

Mọi thông tin liên quan đến cuộc thi “Đại sứ giảm nhựa” liên hệ qua: Phòng Quan hệ công chúng và Báo chí, Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Lô E2, Khu Đô thị mới Cầu Giấy, đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Thư điện tử tác phẩm dự thi trên Youtube và gửi đường link kèm hồ sơ về: daisugiamnhua@gmail.com. Website cuộc thi đăng tải tác phẩm dự thi và hồ sơ đăng ký lên: http://daisugiamnhua.com/.

PV