Tài nguyên nước

Cần có cơ chế quản trị nước thông minh

Nguyễn Thủy 24/11/2023 - 20:05

(TN&MT) - Trước thực trạng khan hiếm nguồn nước hiện nay thì những nghiên cứu đổi mới công nghệ để áp dụng phương thức quản lý bền vững, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên nước là vấn đề cấp bách.

Quản trị nước thông minh góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước

Việc ứng dụng quản lý nước thông minh mang lại nhiều lợi ích to lớn, từ góc độ đơn vị sản xuất, cấp nước, quản lý vận hành, chủ đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh đến người tiêu dùng. Đồng thời, đây cũng là công cụ hiệu quả để cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra, giám sát, chia sẻ thông tin giữa các hệ thống cấp nước, triển khai giải pháp điều tiết nước phù hợp, tạo hành lang pháp lý phát triển quản trị nước thông minh...

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hồng Tiến, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Cấp thoát nước Việt Nam, việc áp dụng quản trị nước thông minh sẽ góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước của khu vực và quốc gia, giúp điều tiết, sử dụng tài nguyên nước hợp lý, giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an ninh, an toàn và an sinh xã hội. Những lợi ích do ứng dụng quản trị nước thông minh mang lại không chỉ cho bản thân doanh nghiệp mà còn cho cả cộng đồng. Do đó, Nhà nước cần xây dựng và ban hành các chính sách phù hợp, hướng dẫn thực hiện và có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng quản trị nước thông minh, như điều tiết trong khung giá nước, khuyến khích hỗ trợ giá khi nâng cao chất lượng dịch vụ...

quan-ly-nguon-nuoc.jpg
Ứng dụng công nghệ 4.0 quan trắc chất lượng nguồn nước

Cơ chế này sẽ khuyến khích các đơn vị cấp nước chủ động, sáng tạo, ứng dụng các mô hình quản trị thông minh phù hợp trong thời gian tới, các giải pháp cấp thoát nước thông minh, ứng dụng thành quả của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cho phép nâng cao chất lượng dịch vụ cấp thoát nước với chi phí hợp lý và giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững, đồng thời góp phần đảm bảo an toàn cấp nước, an ninh nguồn nước và phát triển an sinh xã hội.

Ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, bảo vệ tài nguyên nước

Việt Nam đang phải đối mặt với hiện tượng khan hiếm nguồn nước và biến đổi chất lượng nguồn nước, đặc biệt tại các đô thị lớn; xâm nhập mặn tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gia tăng gây nên hiện tượng thiếu nguồn nước ngọt; hạn hán gia tăng tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên... Do vậy, yêu cầu đặt ra là cần có những nghiên cứu đổi mới công nghệ tiên tiến để quản lý, phân bổ hợp lý nguồn tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Đây là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm tại Kỳ họp Quốc hội lần thứ 6 thảo luận cho ý kiến đối với Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Góp ý tại Phiên thảo luận, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận Nguyễn Hữu Thông cho rằng, dự thảo Luật đã bổ sung nhiều quy định mới so với Luật Tài nguyên nước 2012, trong đó có nhiều nội dung quy định xuất phát từ thực tiễn quản lý tài nguyên nước trong thời gian qua, cũng như vấn đề về quản trị tài nguyên nước hiện nay và trong thời gian tới.

Bày tỏ quan tâm về vấn đề phát triển khoa học, công nghệ trong quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng chống khắc phục tác hại do nước gây ra (Điều 6), đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị bổ sung việc nghiên cứu giải pháp công nghệ xử lý nước biển thành nước ngọt để tạo lập tiềm năng nguồn nước cũng như bảo đảm an ninh nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân, nhất là người dân ở các đảo, quần đảo của chúng ta vào điểm g, khoản 1 Điều 6 dự thảo Luật.

Đồng tình với ý kiến của Đại biểu Nguyễn Hữu Thông về tăng cường ứng dụng phát triển khoa học công nghệ trong quản lý, quản trị, bảo vệ tài nguyên nước, đồng thời góp ý về quy định hệ thống thông tin dữ liệu tài nguyên nước tại Điều 7 của Dự thảo luật, Đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho rằng, trong dự thảo luật chưa quy định rõ ràng về thời hạn lộ trình xây dựng hoàn thiện hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần thiết kế mô hình quản lý thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước tập trung, bổ sung quy định về thời hạn lộ trình hoàn thành việc xây dựng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia, nhằm phục vụ cho công tác quản lý quản trị tài nguyên nước theo công nghệ số của trung ương và địa phương.

Đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng – ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho rằng, dự thảo đã quy định để định hướng tới việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước phải được thực hiện bằng công cụ mô hình số hóa thông tin, dữ liệu để hỗ trợ việc ra các quyết định về việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước là hết sức đúng đắn, bắt kịp với xu thế chung của thế giới và phù hợp với mục tiêu quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng đề nghị cần khẩn trương đầu tư đủ nguồn lực để xây dựng và vận hành hệ thống thông tin dữ liệu tài nguyên nước quốc gia bởi vì đây chính là nền tảng cơ bản cho công tác quản lý tài nguyên nước nói chung cũng như là nền tảng để phát triển, xây dựng và hoàn thiện hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định phục vụ cho việc điều hòa, phân phối tài nguyên nước nói riêng.

Mặt khác, để thúc đẩy việc đầu tư ngoài nguồn ngân sách nhà nước, dự thảo luật đã quy định khuyến khích các tổ chức, cá nhân tài trợ, hỗ trợ ứng dụng công nghệ mới trong xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia và khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng hệ thống và cung cấp dịch vụ hỗ trợ ra quyết định. Việc khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động này là rất cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần xem xét các quy định về cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút được nguồn lực đầu tư từ tổ chức, cá nhân.

Nguyễn Thủy