Nam Định: Xử phạt 325 triệu đồng người hút cát, chặt cây trong Vườn Quốc gia
Thông tin từ UBND tỉnh Nam Định cho biết, Chủ tịch UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn Phê, trú tại thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy, vì hành vi “Gây thiệt hại từ 2.000 m2 đất, đất ngập nước, mặt nước trở lên tại khu vực không thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn”.
Quyết định xử phạt thực hiện theo quy định tại Điểm g Khoản 3 Điều 47 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ (quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường); mức phạt tiền là 325.000.000 đồng.
Với hành vi chặt cây, hút cát trong Vườn quốc gia Xuân Thủy, ngoài bị phạt tiền, người vi phạm còn bị “buộc khôi phục lại trạng thái ban đầu”.
Theo Quyết định xử phạt, nếu quá thời hạn mà ông Nguyễn Văn Phê không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành; phải nộp tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước Nam Định trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định xử phạt. “Ông Nguyễn Văn Phê có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính đối với Quyết định này theo quy định của pháp luật”.
Trước đó, vào ngày 7/6/2023, qua tuần tra, Đoàn công tác gồm đại diện Vườn quốc gia Xuân Thủy, UBND xã Giao Lạc, Hạt Kiểm lâm Giao Xuân Hải và Đồn Biên phòng Ba Lạt phát hiện tại khu vực Cồn Lu thuộc địa phận quản lý hành chính xã Giao Lạc giáp ranh giới xã Giao Xuân (huyện Giao Thủy) xảy ra việc người dân tự ý huy động máy móc, thuê nhân công hút cát cải tạo bãi, chặt phá cây phi lao, cây ngập mặn; yêu cầu dừng các hành vi trên, giữ nguyên hiện trường.
Đến ngày 8/6/2023, Đoàn công tác đã làm việc với các cá nhân liên quan là ông Nguyễn Văn Phê (50 tuổi, trú khu Đông Nhất, thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy), ông Trần Văn Hạp (66 tuổi, trú xóm 8, xã Giao Lạc, huyện Giao Thủy) để xác minh vụ việc.
Ông Phê thừa nhận đã thuê một người tên Hiếu ở địa phương cùng phương tiện vào khu vực Cồn Lu hút cát, cải tạo bãi; thuê vợ chồng ông Huỳnh, bà Dung chặt phá cây. Tuy nhiên, người này khai đã chỉ đạo bà Dung chặt một số cây phi lao để cắm vây còn phần diện tích cây ngập mặn ở khu vực rừng tái sinh là do ông Huỳnh tự ý chặt. Đoàn công tác sau đó đã yêu cầu ông Phê và những người làm thuê giữ nguyên hiện trạng, không được di chuyển máy móc, phương tiện ra khỏi hiện trường.
Ngày 13/6/2023, Ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Thủy, đại diện Hạt Kiểm lâm Giao Xuân Hải đã làm việc với Công an huyện Giao Thủy để cung cấp chi tiết hồ sơ vụ việc vi phạm, đồng thời cung cấp các văn bản pháp lý, bản đồ hiện trạng và bản đồ quy hoạch có liên quan tại khu vực vi phạm để hỗ trợ việc điều tra, xác minh và giải quyết vụ việc.
Liên quan vụ việc, ngày 23/8/2023, UBND tỉnh Nam Định ra văn bản chỉ đạo, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND huyện Giao Thủy và các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Vườn quốc gia Xuân Thủy nằm ở cửa Ba Lạt, nơi sông Hồng đổ về biển với một bên là huyện Giao Thủy (Nam Định) một bên là huyện Tiền Hải (Thái Bình), là một hệ sinh thái đất ngập nước vùng cửa sông. Ngày 2/1/2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 01/2003/QĐ-TTg về việc chuyển Khu bảo tồn đất ngập nước Xuân Thủy thành Vườn quốc gia Xuân Thủy, với tổng diện tích 7.100 ha, trong đó có 3.100 ha đất nổi và 4.000 ha đất ngập nước.
Trước đó, từ năm 1989 Vườn quốc gia Xuân Thủy đã tham gia Công ước Ramsar. Đến năm 2004, Vườn được UNESCO công nhận là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển vùng châu thổ sông Hồng.
Ngày 18/9/2023 vừa qua, UBND tỉnh Nam Định đã có Văn bản đồng ý cho Vườn Quốc gia Xuân Thủy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh xây dựng hồ sơ đề cử Vườn Quốc gia Xuân Thủy trở thành “Vườn Di sản Asean”.
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, nhiều vụ việc xâm hại Vườn quốc gia này đã được ghi nhận.