Khoáng sản

Phát huy thế mạnh nguồn khoáng sản làm vật liệu xây dựng

Nguyễn Quỳnh - Nhóm PV VPĐD tại TP.HCM 23/11/2023 - 10:50

(TN&MT) - Đồng Nai là tỉnh có thế mạnh về khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường với khoảng 2,946 tỷ m3 đá xây dựng, 543 triệu m3 đất sét. Sản phẩm khai thác tài nguyên khoáng sản không những đáp ứng đủ nhu cầu đá xây dựng trong tỉnh mà còn cung cấp cho các tỉnh miền Tây Nam Bộ và TP.HCM.

Đáp ứng kịp thời cho những công trình trọng điểm quốc gia

Ông Nguyễn Ngọc Hưng - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 45 mỏ. Trong đó, có 4 Giấy phép do Bộ TN&MT cấp và 41 Giấy phép do UBND tỉnh Đồng Nai cấp. Hầu hết các địa phương đều có quy hoạch mỏ khai thác khoáng sản để phục vụ cho các công trình xây dựng. Trong đó, có 2 cụm mỏ tập trung Phước Tân - Tam Phước, TP. Biên Hòa và Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu có quy mô lớn nhất với 10 mỏ, tổng diện tích quy hoạch gần 394ha. Tính đến hết năm 2022, các cụm mỏ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã khai thác khoảng 41/137 triệu m3 đá, tương đương khoảng 30% trữ lượng.

a2.-dong-nai-quan-ly-ks.jpg
Đồng Nai quản lý hiệu quả tài nguyên khoáng sản, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Kết quả hoạt động khai thác khoáng sản trong 12 năm (2011 - 2023) cho thấy, sản lượng khai thác tiêu thụ đá xây dựng, sét gạch ngói, cát xây dựng và vật liệu san lấp là hơn 18 triệu m3, doanh thu đạt hơn 3.000 tỷ đồng, nộp thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường khoảng 450 tỷ đồng. Đặc biệt, nguồn tài nguyên khoáng sản được khai thác, chế biến từ Đồng Nai đã trở thành nguồn vật liệu xây dựng quan trọng, đáp ứng nhu cầu cấp bách phục vụ hàng loạt các công trình trọng điểm quốc gia, như: Cao tốc TP.HCM - Dầu Giây - Phan Thiết, Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Sân bay Long Thành, Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, Vành đai 3 TP.HCM...

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai, hiện nay, các sở, ngành có liên quan phối hợp với đơn vị tư vấn để xây dựng phương án bảo vệ, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Khoáng sản. Đồng Nai sẽ tiếp tục đánh giá tiềm năng khoáng sản, nhất là đá xây dựng, nhu cầu sử dụng của địa phương và các tỉnh miền Tây Nam Bộ, TP.HCM để định hướng quy hoạch khai thác xuống sâu tại các cụm mỏ đá, góp phần đảm bảo cung cấp đủ nguồn đá xây dựng cho thị trường trong nước.

Khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản tiết kiệm, hiệu quả

Thực hiện Nghị quyết số 88/NQ-CP của Chính phủ về triển khai Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành kế hoạch hành động cụ thể. Theo đó, tỉnh Đồng Nai phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về địa chất, khoáng sản; thăm dò, khai thác, chế biến một số khoáng sản đạt trình độ khu vực, tiệm cận trình độ thế giới; khẩn trương lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản theo quy định của Luật Quy hoạch; khai thác sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản đảm bảo sử dụng hợp lý, tiết kiệm đáp ứng yêu cầu trước mắt, lâu dài, phù hợp với quy hoạch về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh.

Hiện nay, Đồng Nai đang tập trung hoàn thành lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng và than bùn theo Luật Quy hoạch. Trong đó, Quy hoạch, cấp phép khai thác khoáng sản phải phù hợp với nhu cầu phát triển từng giai đoạn. Điểm khai thác khoáng sản phải phù hợp với Quy hoạch xây dựng, sử dụng đất. Để sử dụng tiết kiệm tài nguyên, Đồng Nai sẽ nghiên cứu chính sách khuyến khích sử dụng vật liệu thay thế, vật liệu tái sử dụng như tro, xỉ, thạch cao, cát nghiền, xử lý cát nhiễm mặn để sử dụng làm vật liệu xây dựng.

Ý KIẾN NHÀ QUẢN LÝ - DOANH NGHIỆP

Ông Trần Anh Vũ - Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Vĩnh Cửu:

Cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

a3.-ong-tran-anh-vu.jpg

Hiện nay, trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) có 11 dự án khai thác khoáng sản đang hoạt động, gồm: đá, cát xây dựng được Bộ TN&MT, UBND tỉnh Đồng Nai cấp phép. Thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Cửu đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền và các ban, ngành từ huyện đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường quản lý khai thác và kinh doanh khoáng sản trên địa bàn.

Huyện Vĩnh Cửu cũng đã thành lập đội phản ứng nhanh để xử lý việc khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện và xây dựng kế hoạch về thực hiện công tác tiếp nhận thông tin, kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động khai thác, vận chuyển, mua bán khoáng sản trên địa bàn huyện. Đồng thời, UBND các xã, thị trấn cũng đã hành lập các tổ, đội tuần tra quản lý việc sử dụng đất đai, trật tự xây dựng và khai thác khoáng sản trên địa bàn. Vì vậy, trong những năm gần đây, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện đã giảm đáng kể; công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện dần được ổn định và đi vào nền nếp.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Bình Thạch:

Quy hoạch khoáng sản phải mang tính liên vùng

a4.-ong-nguyen-van-dung.jpg

Hợp tác xã Bình Thạch luôn chấp hành đúng quy định trong hoạt động khoáng sản, khai thác đúng giấy phép, tiên phong sử dụng công nghệ, thiết bị, máy móc hiện đại, góp phần nâng cao giá trị tài nguyên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Hiện tại, Hợp tác xã Bình Thạch đang đầu tư hàng chục tỷ đồng để đầu tư hệ thống máy móc hiện đại trong việc xử lý, chế biến đá mi bụi thành đá mi cát. Thông thường, trong quá trình khai thác, chế biến đá xây dựng luôn phát sinh bụi - đá mi bụi gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, khi sử dụng đá mi bụi làm cát xây dựng với kích cỡ không đồng nhất sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bê tông. Với công nghệ mới, trong quá trình chế biến đá, lượng đá mi bụi sẽ được tạo thành đá mi cát - cát bê tông, vừa khắc phục tình trạng ô nhiễm bụi và vừa nâng cao giá trị sản phẩm.

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản, chúng tôi mong muốn Luật Địa chất và Khoáng sản khi được ban hành sẽ có những quy định hướng tới tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, cũng như đáp ứng được tối đa các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp khoáng sản phát triển, góp phần nâng tầm nền công nghiệp khai khoáng của Việt Nam. Trong đó, quy hoạch khoáng sản cần có tầm nhìn dài hạn, mang tính liên vùng, nhất là khoáng sản làm vật liệu xây dựng; đồng thời, cần có quy định bắt buộc việc tái chất thải rắn trong ngành xây dựng và giao thông, phải coi đó là tài nguyên, không phải là chất thải.

Ông Trịnh Tiến Bảy - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hóa An:

Cần có chính sách khuyến khích áp dụng công nghệ mới

a5.-ong-trinh-tien-bay.jpg

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Công ty Cổ phần Hóa An đang khai thác 2 mỏ đá, gồm: Mỏ Tân Cang 3, TP. Biên Hòa và Thạnh Phú 2, huyện Vĩnh Cửu. Thời gian qua, Công ty luôn chú trọng trong công tác đầu tư máy móc, áp dụng công nghệ mới trong chế biến đá xây dựng để nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm, tăng giá trị hàng hóa so với hiện tại và bảo vệ môi trường.

Là doanh nghiệp phải đóng thuế tài nguyên, chúng tôi nhận thấy, cách tính thuế tài nguyên hiện đang tồn tại nhiều vấn đề, gây ra không ít khó khăn cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản như chúng tôi. Thứ nhất, cách tính thuế tài nguyên quá phức tạp, mất nhiều thời gian, dễ xảy ra sai sót do phải dùng rất nhiều dữ liệu. Thứ hai, cách tính chưa hợp lý do dẫn đến kết quả có thể là các doanh nghiệp đóng mức thuế khác nhau trong khi cùng sử dụng tài nguyên giống nhau.

Hơn nữa, với cách tính lấy giá bán trừ đi chi phí, doanh nghiệp nào sử dụng công nghệ tối ưu hơn sẽ phải đóng thuế nhiều hơn. Điều này cũng không khuyến khích các doanh nghiệp thay đổi công nghệ, tiết kiệm chi phí sản xuất. Thứ ba, cách tính dựa trên khái niệm sản phẩm công nghiệp, trong khi, định nghĩa thế nào là sản phẩm công nghiệp vẫn chưa có. Vì vậy, rất cần xem xét thực hiện việc tính thuế tài nguyên trên cơ sở khai thác thực tế. Điều này rất khả thi vì các doanh nghiệp khoáng sản hiện tại đều đã lắp hệ thống cân.

Ông Phạm Thái Hợp - Phó Giám đốc Công ty CP Xây dựng và Sản xuất Vật liệu Xây dựng Biên Hòa (BBCC):

Đề xuất cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp khai thác khoáng sản

a6.-ong-pham-thai-hop.jpg

BBCC là doanh nghiệp chuyên khai thác và chế biến đá xây dựng tại 5 mỏ, chuyên cung cấp đá xây dựng cho các công trình trọng điểm giao thông, xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Góp ý cho Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, BBCC xin được đề xuất về trường hợp chấm dứt hiệu lực giấy phép hoạt động khoáng sản, cần có cơ chế gia hạn nhằm đảm bảo quyền lợi công bằng cho doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với trữ lượng đã cấp phép; đảm bảo đồng bộ với các quy định thăm dò khai thác xuống sâu.

BBCC cũng đề xuất cần sửa đổi việc thu tiền cấp quyền khai thác theo trữ lượng địa chất tính trên toàn diện tích và chiều sâu thẳng đứng. Cách thu này chưa phù hợp vì nguyên tắc chung được quy định tại khoản 25, Điều 3 Luật Quản lý thuế năm 2019 là Nhà nước chỉ thu tiền đối với trữ lượng mà doanh nghiệp được phép khai thác. Trong khi khai thác, doanh nghiệp phải chừa lại trụ bảo vệ bờ mỏ theo góc nghiêng sườn tầng kết thúc 60 độ và đai bảo vệ rộng bằng 1/3 chiều cao tầng nhằm ổn định bờ mỏ - chiếm khoảng từ 25 - 40% trong tổng trữ lượng địa chất.

Đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, BBCC đề xuất cần bổ sung thêm loại “đá phong hóa” vào nhóm vật liệu san lấp. Riêng về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, chỉ cần khoanh định đấu thầu, đấu giá khu vực hoạt động khoáng sản tại các khu vực đất công do nhà nước quản lý; hoặc Nhà nước giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất địa phương đứng ra hoàn thành giải phóng giải phóng mặt bằng sau đó mới thực hiện đấu giá tài sản, bao gồm cả giá trị đất. Như vậy, sau khi trúng đấu giá, doanh nghiệp sớm triển khai đưa dự án vào hoạt động hiệu quả.

Nguyễn Quỳnh - Nhóm PV VPĐD tại TP.HCM