Chính sách chi trả DVMTR ở Mù Cang Chải, Yên Bái: Người dân hưởng lợi, diện tích rừng tăng
(TN&MT) - Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) sau hơn 10 năm triển khai trên địa bàn huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã mang lại hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân. Cũng nhờ đó, diện tích rừng ngày một tăng.
Xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải có tổng diện tích tự nhiên 23.443ha. Trong đó, diện tích rừng chiếm trên 19.373ha, chiếm trên 85% diện tích toàn xã, được thiên nhiên ưu đãi tài nguyên rừng phong phú, đa dạng về thảm thực vật. Cả xã có 482 hộ dân với 2.614 nhân khẩu. Cuộc sống người dân ở đây chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp, trong đó thu nhập chính từ rừng và các cây kinh tế trong tán rừng.
Ngay từ những ngày đầu thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã góp phần tích cực trong việc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bê tông hóa các tuyến đường giao thông nông thôn.
Chia sẻ niềm vui khi được nhận tiền DVMTR, ông Sùng A Say - Bí thư chi bộ bản Kể Cả cho biết: Từ khi thực hiện chính sách chi trả tiền DVMTR, đời sống của bà con trong bản đã được cải thiện. Đặc biệt, có tiền từ chính sách dịch vụ môi trường rừng đã giúp bản xã hội hóa được nhiều tuyến đường bê tông, giúp người dân đi lại dễ dàng hơn. Hơn nữa, xã cũng xây dựng các chòi phòng chống cháy rừng, rừng được bảo vệ tốt hơn trước kia rất nhiều.
Ông Giàng A Hùa - Phó Chủ tịch UBND xã Chế Tạo phấn khởi cho hay: “Tính riêng năm 2022, tổng số tiền xã nhận được từ DVMTR là trên 11 tỷ đồng. Số tiền được chi trả đến tận tay người dân. Nhiều hộ dân đã trang trải cho cuộc sống, mua sắm những vật dụng, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. Không những vậy, họ còn tham gia đóng góp vào công tác xã hội hóa để xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn thuận tiện cho việc đi lại, phát triển kinh tế gia đình. Cũng từ nguồn dịch vụ này, bà con các bản của xã đã tự giác phân công nhau tham gia trực phòng chống cháy rừng và giữ rừng để có nguồn nước cung cấp cho nhà máy thủy điện”.
Mù Cang Chải có tổng diện tích tự nhiên hơn 120.000ha. Tổng diện tích có rừng và rừng trồng chưa thành rừng trên 82.000ha. Trong đó, rừng tự nhiên gần 60.000ha, rừng trồng 20.000ha, diện tích đã trồng chưa đặt tiêu chí thành rừng 2.042ha; tỷ lệ che phủ rừng đạt 67,25%.
Tính đến nay, huyện Mù Cang Chải đã kiện toàn 14 Ban chỉ huy phòng chống cháy rừng cấp xã và 2 ban chỉ huy phòng chống cháy rừng với 404 thành viên; thành lập 108 tổ đội xung kích tuần tra, bảo vệ rừng với 627 lượt người tham gia.
Tổ chức buổi họp dân để tuyên truyền, ký cam kết bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng tới tất cả các hộ gia đình đạt 97,4%.
Ông Nguyễn Tư Khoa - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Mù Cang Chải cho biết: Hầu hết diện tích rừng của Mù Cang Chải nằm trong lưu vực sông Hồng và sông Đà được chi trả phí môi trường rừng. Sau nhiều năm thực hiện chính sách chi trả DVMTR, đến nay, các đơn vị chủ rừng Ban quản lý rừng huyện, Hạt kiểm lâm huyện đã nhận trên 500 tỷ đồng. Tính riêng năm 2022, huyện đã tiếp nhận và chi trả 49 tỷ đồng tiền từ DVMTR cho người dân được nhận khoán bảo vệ rừng. Năm 2023, tổng diện tích rừng Ban Quản lý rừng phòng hộ Mù Cang Chải và Hạt kiểm lâm huyện được nhận phí DVMTR gần 70.000ha với số tiền chi trả trên 49 tỷ đồng.
Qua hơn 10 năm triển khai chính sách DVMTR đã nâng cao nhận thức và trách nhiệm của chính quyền các xã và người dân về công tác bảo vệ, phát triển rừng. Tại các khu vực rừng được chi trả tiền DVMTR, người dân có ý thức rất cao trong công tác trồng, chăm sóc rừng và bảo vệ rừng. Tình trạng xâm lấn, chặt phá rừng từng bước được đẩy lùi.
“Để chính sách tiếp tục mang lại hiệu quả các chủ rừng, các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều hình thức để người dân nhận thấy lợi ích từ việc bảo vệ rừng. Cùng với đó, cần có chính sách phát triển kinh tế dưới tán rừng như trồng một số cây có giá trị kinh tế như: Dổi, Sâm Ngọc Linh, Sâm Hàn để người dân có thêm thu nhập, giúp người dân thêm gắn bó với rừng, tạo được sinh kế bền vững từ rừng”, ông Nguyễn Tư Khoa nói.
Để phòng cháy, chữa cháy rừng, Mù Cang Chải cũng tổ chức tu sửa lại hệ thống đường băng cản lửa; đường bao lô, bao khoảnh và các đường băng phân chia ranh giới giữa các bản, xã, giữa các loại rừng; tu sửa, chỉnh trang lại hệ thống bảng tin, bảng nội quy, cấp dự báo cháy rừng, biển cấm chặt phá rừng, các chòi canh lửa; mua sắm, trang bị bổ sung các dụng cụ phục vụ công tác phòng chống cháy rừng.
Có thể thấy, sau nhiều năm triển khai chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã tạo hiệu ứng tích cực trong công tác quản lý và bảo vệ rừng, nâng cao đời sống cho người dân, góp phần xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng của huyện trong những năm qua.