Ưu tiên phục hồi sinh cảnh cho các loài đe dọa tuyệt chủng
(TN&MT) - Tới đây, hàng loạt các loài động vật đang bị đe dọa tuyệt chủng và các loài ưu tiên bảo vệ di cư như Voi, Sao la, Mang trường sơn, Thỏ vằn trường sơn, Rùa trung bộ, Rùa hộp trán vàng miền Trung, Gà lôi lam mào trắng, Sếu đầu đỏ, Cò mỏ thìa, các loài linh trưởng nguy cấp sẽ được ưu tiên phục hồi sinh cảnh.
Đây là nội dung trong Tờ trình mà Bộ TN&MT báo cáo Thủ tướng về việc ban hành Chương trình bảo tồn các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (gọi tắt là UTBV) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Bộ TN&MT, Chương trình đề ra mục tiêu bảo tồn hiệu quả các loài UTBV: đảm bảo không có thêm loài UTBV bị tuyệt chủng, cải thiện tình trạng quần thể của ít nhất 10 loài UTBV; bảo tồn và phục hồi sinh cảnh sống của các loài UTBV. Chương trình cũng sẽ gia tăng số loài UTBV được gây nuôi bảo tồn và tái thả về tự nhiên để phục hồi quần thể. Năm 2030, đảm bảo ít nhất 3 loài được gây nuôi bảo tồn và tái thả lại tự nhiên. 100 % các loài UTBV có phương án quản lý, giám sát tại các khu bảo tồn thiên nhiên, các khu vực đa dạng sinh học cao và cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học.
Đồng thời, Chương trình sẽ hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo tồn loài UTBV; tăng cường năng lực quan lý nhằm hỗ trợ hiệu quả công tác kiểm soát, ngăn chặn, giảm thiểu các nguy cơ, mối đe dọa và tác động tiêu cực đến quần thể loài UTBV và sinh cảnh sống của chúng.
Chương trình đề ra 4 nhóm nhiệm vụ: Điều tra, đánh giá tình trạng và xây dựng cơ sở dữ liệu các loài UTBV; Mở rộng và nâng cao hiệu quả biện pháp bảo tồn tại chỗ các loài UTBV; Thực hiện bảo tồn chuyển chỗ đối với các loài UTBV; Nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và kiểm soát các hoạt động gây ảnh hưởng tiêu cực tới các loài UTBV.
Trong đó, Bộ TN&MT đề xuất triển khai các biện pháp bảo tồn các loài UTBV tại các khu bảo tồn thiên nhiên; tổ chức thực hiện điều tra, đánh giá và thúc đẩy việc thành lập các khu bảo tồn loài - sinh cảnh theo Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; khảo sát, đánh giá và triển khai các biện pháp, mô hình bảo tồn hiệu quả tại các khu vực có sinh cảnh sống của loài UTBV, khu vực là đường bay của chim hoang dã di cư nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Các cơ quan liên quan sẽ đánh giá tình trạng và đề xuất các giải pháp phục hồi sinh cảnh và nguồn thức ăn cho các loài UTBV tại các khu bảo tồn thiên nhiên và ngoài khu bảo tồn thiên nhiên; ưu tiên phục hồi các sinh cảnh của các loài đang bị đe dọa tuyệt chủng và các loài UTBV di cư. Đồng thời, thiết lập các hành lang đa dạng sinh học tại các khu vực ưu tiên theo Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để kết nối các khu bảo tồn thiên nhiên quan trọng, mở rộng sinh cảnh sống của các loài UTBV
Để nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật, Dự thảo Chương trình cũng đề ra nhiệm vụ tăng cường phối hợp giữa các cơ quan thực thi pháp luật tại địa phương (kiểm lâm, công an, quản lý thị trường, hải quan, biên phòng, kiểm dịch động vật, cảnh sát biển, tài nguyên và môi trường) và liên vùng trong việc thực thi pháp luật liên quan đến các loài UTBV.
Các hoạt động bao gồm: phòng chống và ngăn chặn các hành vi khai thác, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ, quảng cáo và tiêu thụ trái phép loài và các sản phẩm của loài UTBV, dụng cụ săn bắt, bẫy, bắn động vật hoang dã; xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp, các cơ chế trao đổi thông tin, hình thành các đường dây nóng tiếp nhận các tin tức thông báo về các vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ loài UTBV.
Các cơ quan cũng thực hiện hiệu quả Đề án Tăng cường phòng, chống tội phạm về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; thực hiện công khai thông tin về tội phạm liên quan đến các loài UTBV.
Theo Dự thảo Quyết định phê duyệt Chương trình, trong giai đoạn từ năm 2024 – 2030, Bộ TN&MT sẽ chủ trì, phối hợp cùng Bộ NN&PTNT, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban quản lý (BQL) các khu bảo tồn thiên nhiên, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; các cơ quan nghiên cứu, trường đại học; các tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế thực hiện 6 đề án, dự án, nhiệm vụ ưu tiên đầu tư. Cụ thể:
- Điều tra, đánh giá tình trạng và xây dựng cơ sở dữ liệu về các loài UTBV.
- Quan trắc, giám sát các loài UTBV tại các Khu bảo tồn thiên nhiên.
- Tăng cường năng lực quản lý, bảo tồn các loài UTBV.
- Xây dựng và triển khai mô hình bảo tồn tại chỗ các loài UTBV.
- Nghiên cứu thí điểm việc nhân nuôi, tái thả phục hồi quần thể các loài UTBV bị đe dọa tuyệt chủng.
- Xây dựng các kế hoạch hành động khẩn cấp để bảo tồn các loài UTBV có nguy cơ tuyệt chủng cao.