Môi trường

Đổi thay ven phá Tam Giang

Văn Dinh 21/11/2023 - 16:29

(TN&MT) - Lâu nay, khi mặt trời còn chưa thức giấc, những người dân sống trên sông nước ở ven đầm phá Tam Giang (tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã loay hoay với việc bắt cá, tôm… để đổi lấy miếng cơm, manh áo hằng ngày. Thế nhưng vài năm gần đây, đời sống bà con thay đổi hẳn. Họ đã biết trồng rừng, làm du lịch cộng đồng, tạo sinh kế bền vững trên chính quê hương.

Một ngày đẹp trời, phóng xe về ven phá Tam Giang ở xã Hải Dương (TP. Huế), chúng tôi bất ngờ khi chứng kiến nhiều phụ nữ hăng hái trồng cây bần chua, tạo thành cánh rừng ngập mặn khá rộng.

Sau một hồi hỏi thăm, bà Lê Thị Xuân Lan (SN 1959, thôn Vĩnh Trị, xã Hải Dương) vui vẻ dẫn đoàn tham quan rừng dù sức khỏe không còn được tốt. Bà Lan cho hay, bà là một trong số nhiều người nằm trong Chi hội phụ nữ thôn tham gia việc trồng rừng thuộc Dự án “Nâng cao vai trò của phụ nữ trong việc tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng và hệ sinh thái ven biển miền Trung Việt Nam” của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Xã hội (CSRD - tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở TP. Huế) triển khai.

tamgiang-1.jpg
Người dân ven phá Tam Giang trồng cây bần chua

Các chị em thổ lộ rằng, ban đầu, khi bắt tay vào dự án trồng rừng ngập mặn, các ông chồng không mấy ủng hộ, bởi cho rằng việc lo toan cái ăn, cái mặc còn chưa đủ, thì nói gì tới khái niệm trừu tượng như trồng rừng, chống biến đổi khí hậu. Nhưng rồi, khi những khoảng rừng ven phá Tam Giang sinh trưởng, phát triển, thấy được hiệu quả của nó, các “trụ cột gia đình” khen ngợi và cũng tích cực tham gia trồng rừng. Các cán bộ của CSRD đã hỗ trợ giống cây bần chua, tập huấn kĩ lưỡng giúp bà con trồng rừng thành thạo.

“Tôi tham gia dự án từ năm 2017, tôi thấy có rất nhiều lợi ích khi được tham quan, tập huấn và tìm hiểu kiến thức về hệ sinh thái, trồng rừng ngập mặn. Rừng được trồng từ năm 2018, giờ đây rừng đã phủ xanh ven phá. Cây ngập mặn to lớn, phát triển nhanh giúp tôm, cua, cá đến ở và sinh sản. Nhờ thế bà con giăng lưới, bủa lừ có thêm kinh tế, thu nhập của tôi cũng vài triệu/tháng. Vào những ngày mưa lũ, bão bà con cũng mang thuyền đến neo đậu trong rừng ngập mặn. Rừng che chắn, bảo vệ tài sản cho người dân chúng tôi…”, bà Lan thổ lộ.

Hải Dương là xã có hoạt động khai thác nguồn lợi thuỷ hải sản từ đầm phá chiếm khoảng 55 % sản lượng của toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế. Đến nay, ở xã Hải Dương có hơn 100 hội viên phụ nữ tham gia hoạt động theo Dự án của CSRD. Trong hơn 6 năm, các chị em phụ nữ ở đây đã trồng được 6,25 ha rừng bần chua ở khu vực thôn Vĩnh Trị.

tamgiang-2.jpg
Trồng rừng ngập mặn đã giúp bà con có thêm thu nhập

Chị Lê Thị Hoa (thôn Vĩnh Trị) thì kể rằng, giai đoạn đầu, cứ thấy vợ đi trồng cây bần chua là chồng chị Hoa… “ngứa mắt”. Thế nhưng, không biết từ bao giờ, từ chỗ càm ràm vợ “bao đồng” khi việc nhà lo chưa xong, anh chuyển sang nài nỉ vợ xin thêm cây về trồng, đặc biệt là xin cây trồng bao quanh khu vực hồ tôm của gia đình nuôi để bảo vệ đê bao của hồ. “Giờ hả, ổng tự nguyện cùng mấy ông chồng khác trong chi hội phụ nữ thôn lập ra đội tự quản bảo vệ cánh rừng ngập mặn. Ngày nào không đi ra kiểm tra rừng là ổng chịu không nổi”, chị Hoa cười nói.

Ngoài hoạt động trồng rừng ở Hải Dương, trong khuôn khổ dự án, các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về giá trị rừng ngập mặn, hệ sinh thái cũng được triển khai ở 5 xã khác, trong đó có xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền. Trồng rừng làm tăng nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường, các hội viên phụ nữ vùng phá Tam Giang thuộc huyện Quảng Điền còn tận dụng lợi thế của rừng trồng để phát triển du lịch cộng đồng.

Tại xã Quảng Lợi, chúng tôi gặp chị Lường Thị Hiền (ở thôn Ngư Mỹ Thạnh) khi chị đang loay hoay phục vụ khách. Chị Hiền chia sẻ rằng, chị cùng chị em trồng rừng ven phá và mưu sinh bằng nghề đặt lừ (lờ) trên phá Tam Giang, kiếm con tôm, con cá. Khi cây phát triển thành rừng, chị cùng người dân làm quen với mô hình du lịch cộng đồng.

“Ban đầu chỉ là những chòi nhỏ trên mặt nước để du khách ăn uống. Sau này, mọi người mở thêm dịch vụ để du khách trải nghiệm việc mò cua, đánh bắt cá, trìa (ngao nước lợ), chèo SUP (ván đứng) dạo mát trong rừng. Hợp tác xã Dịch vụ du lịch cộng đồng Tam Giang Quảng Lợi ở đây quy tụ 30 xã viên. Vào mùa hè, mỗi người có thu nhập bình quân 300.000 đồng/ngày. Tôi thấy vui khi được góp sức vào việc trồng rừng, làm du lịch này” - chị Hiền nói.

tamgiang-3.jpg
Trồng rừng ngập mặn ven phá Tam Giang cũng góp phần giúp người dân thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu

Dự án “Nâng cao vai trò của phụ nữ trong việc tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng và hệ sinh thái ven biển miền Trung Việt Nam” của CSRD được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt thực hiện trong giai đoạn 2021-2023. Đây là dự án tiếp nối từ dự án Resilnam được triển CSRD khai từ 2017-2018, trong dự án này CSRD đã trồng 3,25 ha rừng ngập mặn. Năm 2022, CSRD trồng mới thêm 3 ha, tổng diện tích rừng ở Hải Dương được trồng là 6,25 ha.

Các hợp phần chính của dự án bao gồm xây dựng vườn ươm cây ngập mặn, trồng dặm cây bần chủ yếu ở khu vực đầm phá thuộc xã Hải Dương, phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ các xã ven phá Tam Giang tổ chức hoạt động truyền thông về giảm thiểu rủi ro thiên tai dựa vào hệ sinh thái, tổ chức cuộc thi sáng kiến sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái…Các cộng đồng, xã ven phá Tam Giang được nâng cao nhận thức, cùng nhau chia sẻ lợi ích thiết thực mà rừng ngập mặn mang lại.

Theo số liệu của CSRD, tỉnh Thừa Thiên - Huế có khoảng 500.000 người đang sinh sống ở 32 xã vùng trũng trên và ven đầm phá, ven bờ biển, trong đó có khoảng 100.000 phụ nữ sống dựa trực tiếp vào tài nguyên đầm phá tham gia dự án này.

Bà Nguyễn Thị Nhật Anh - Giám đốc CSRD cho biết, sở dĩ CSRD chọn các xã ven phá Tam Giang để triển khai dự án trồng rừng là do tỉnh Thừa Thiên - Huế chịu tác động lớn từ những hiện tượng thời tiết cực đoan, với tần suất dày và cường độ cao. Đặc biệt, khu vực đầm phá Tam Giang - vùng nước lợ lớn nhất Đông Nam Á là nơi thường xuyên hứng chịu các cơn bão từ biển Đông. Phụ nữ là nhóm đối tượng dễ bị tác động của biến đổi khí hậu, trong đó có bão, lụt, hạn hán, đồng thời cũng là nhóm đối tượng có thể đóng góp lớn vào các giải pháp chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Phụ nữ không chỉ thấu hiểu hoàn cảnh thực tế của địa phương mà còn có những kỹ năng quan trọng cũng như khả năng và khát vọng thay đổi để có cuộc sống tốt đẹp hơn cho gia đình mình. Điều thành công nhất của chúng tôi là giúp chị em thay đổi nhận thức, hỗ trợ chị em có được sinh kế bền vững từ việc trồng rừng ngập mặn trên chính quê hương mình”, bà Nhật Anh chia sẻ.

tamgiang-4.jpg
Ven phá Tam Giang được phủ xanh thêm nhờ những cánh rừng, tạo thêm sinh kế cho phụ nữ nghèo

Không chỉ hỗ trợ phụ nữ nằm ven phá Tam Giang trồng rừng ngập mặn, CSRD còn chú trọng thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động như ươm cây, trồng cây, truyền thông, chia sẻ kinh nghiệm mưu sinh. Những người quản lý vườn ươm được trả 300.000 đồng cho mỗi ngày làm việc. Vườn ươm giúp chị em có thu nhập, đồng thời bảo đảm cung ứng cây con cho việc mở rộng diện tích rừng ngập mặn hiện có. Chị em đã ươm được tổng cộng khoảng 28.000 cây giống, trong đó có 7.000 cây đước đôi, 21.000 cây bần chua. Đặc biệt, dự án trồng rừng ven phá Tam Giang giúp chị em thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường…

Chiều chiều, trời âm u và gió mạnh. Trước khi rời nơi đây, bà Xuân Lan tâm sự thêm với chúng tôi rằng: “Tôi rất biết ơn dự án đã tạo điều kiện cho người dân và hi vọng, dự án sẽ tiếp tục kéo dài để bà con có động lực phát triển kinh tế, mang lại lợi ích cho cộng đồng ven phá Tam Giang vốn còn nghèo”…

Xa xa, tôi thấy những cánh rừng ngập mặn vẫn trông rất vững chải trước gió. Hy vọng bà con nơi đây sẽ tiếp tục nổ lực phát triển kinh tế bền vững, qua đó cũng góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu…

Văn Dinh